Người “làm bạn” với những vong hồn

(PLO) - Cũng vào năm Dậu của 72 năm về trước (Tức Ất Dậu- 1945) đã xảy ra nạn đói ghê người với hình ảnh những xác chết ngổn ngang, đầu lâu, xương trắng chất đầy đường. Giờ đây, chẳng mấy ai biết ở giữa bao ngôi nhà cao tầng chốn Hà thành đang tồn tại một khu di tích tưởng niệm người bị chết đói. Nhưng có một người đàn ông vẫn ngày ngày tình nguyện trông nom, hương khói cho những vong hồn xấu số.
Biển Di tích trước khu tưởng niệm đồng bào bị chết đói.
Biển Di tích trước khu tưởng niệm đồng bào bị chết đói.

Người dân nói với chúng tôi muốn biết về khu di tích tưởng niệm cũng như vào thăm bên trong thì hãy tìm ông Đặng Văn Tuyến. Dân ở ngõ 559 đường Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, nếu có một danh hiệu “người đàn ông gan dạ nhất vùng” thì chắc chắn sẽ trao cho ông Tuyến.

Vượt qua nỗi sợ

Ông Đặng Văn Tuyến sinh năm 1952 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng đất Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1970 ông lên đường nhập ngũ khi mới 18 tuổi. Sau khi xuất ngũ, từ năm 1977 ông chuyển về làm việc tại Xí nghiệp bánh kẹo Hải Châu, lập gia đình và ngụ cư tại phường Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng. Năm 2004, ông Tuyến tình nguyện xin phép cơ quan chức năng để tiếp nhận việc trông coi, hương khói cho những vong hồn xấu số. 

Nói về người tiền nhiệm, ông Tuyến cho biết: “Trước đây khu di tích này còn rất hoang vu và có một người phụ nữ tên Trần Hồng Nhung ở ngay cạnh đã nhận công việc trông coi. Nhà chị Nhung rất nghèo, anh chồng phải đi đạp xích lô. Sau một thời gian trông nom, chúng tôi thấy chị Nhung đã làm những việc không đúng, buôn thần bán thánh, dựa vào sự mê tín  để làm việc trái với lương tâm. Chị đã dính vào lô đề, cờ bạc và đã bị khuynh gia bại sản. Trước khi tôi tiếp nhận trông coi khu di tích này, chị Nhung đã tự ý bán sạch đồ đạc từ những thứ nhỏ nhất như: mâm, bát đĩa, ghế nhựa, xoong nồi. Hiện nay, chúng tôi chẳng biết gia đình chị ta đã phiêu bạt nơi nào. Nhiều người bảo chị ta đã bị điên”.

Tuy người tiềm nhiệm đã có kết cục bi thảm như vậy, nhưng ông Tuyến không sợ mà vẫn tình nguyện xin được trông nom khu di tích. Ông nói: “ Tôi luôn luôn sống thanh thản, sống với đúng lương tâm của mình, làm những điều thiện thì sẽ chẳng sợ thánh thần, những vong hồn trách móc”.

Bầu bạn với những vong hồn

Đã 13 năm qua, người ta quen với hình ảnh một người đàn ông ngoại lục tuần ngày ngày vào khu di tích nạn đói để làm việc nghĩa cho những vong hồn. Nhiều người ban ngày đi một mình cũng chẳng dám vào trong khu di tích. Vậy mà với ông Tuyến, bao năm qua vẫn đều đặn ngày 2 lần sáng và chiều, thậm chí có hôm ở một mình cả ngày trong di tích để quét rọn, tưới cây, dâng hương cho người đã khuất. 

Ông Tuyến kể: “Mấy năm gần đây vào những ngày lễ, tết, rằm, mồng một đặc biệt là ngày Vu Lan (ngày xá tội vong nhân) có nhiều vị lãnh đạo, các nhà sư, người dân đến đây để thắp hương, làm lễ cầu siêu… Trong những ngày như thế, tôi phải dậy sớm từ 4h và một mình ra đây thu dọn sạch sẽ để đoán tiếp mọi người”. 

Đặc biệt ngày xá tội vong nhân hàng năm (15 tháng 7 âm lịch) rất đông người đến làm lễ, họ đã đốt đến cả xe ô tô vàng mã, hàng bao hương và để lại rất nhiều hoa tươi. Sau khi lễ xong, mình ông Tuyến lại phải cặm cụi đi thu dọn mọi thứ để cho khu di tích tưởng niệm không lúc nào bị bẩn, bừa bãi. Vợ ông, nhiều lần cũng muốn sớm tối đỡ giúp chồng, nhưng cũng chẳng dám ra vì những lời đồn thổi ma quỷ.

Ông Tuyến bảo rằng trông nom ở di tích bao nhiêu năm, đêm tối có khi ngồi sát ngay khu bể xương người chết nhưng cũng chẳng bao giờ gặp ma. Nhiều người cho rằng ông Tuyến khỏe bóng vía nên mới không bị ma trêu. Nhưng ông luôn luôn để ngoài tai những câu chuyện ma quỷ, những lời đồn thổi vớ vẩn.

Có một số người đến đây làm lễ cũng công đức chút ít tiền cho khu di tích. Ông Tuyến đã xin phép chính quyền dùng số tiền đó để mua sắm mọi thứ đồ cần thiết từ:  bó hương đến bàn ghế, bát đĩa, quạt điện, rồi sửa sang khu ban thờ để mọi người đến hành lễ.

Rất nhiều người từ phương xa khi đến đây làm lễ đã ngạc nhiên về sự gọn gàng, sạch sẽ trong di tích, họ tưởng phải có bàn tay của người phụ nữ. Khi biết tất cả đều do một người đàn ông làm thì ai cũng bất ngờ. Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội  Nguyễn Thế Thảo khi đến đây làm lễ cũng đã nhận xét khu di tích từ ngày có ông Tuyến trông nom, quét dọn đã sạch sẽ và gọn gàng hơn trước.

Với những kẻ đến đây hương khói để lợi dụng làm chuyện mê tín dị đoan, lô đề cờ bạc ông Tuyến đều kiên quyết ngăn chặn. Những tên nghiện hút, trộm cắp cũng phải nể sợ ông mà chẳng bao giờ dám bén mảng tới nơi này làm bậy. Ông Tuyến cho hay việc trông nom, quét rọn, hương khói nhỏ nhoi của mình chỉ mong nhằm làm cho những vong hồn xấu số, vô danh ở đây bớt cô đơn, lạnh lẽo. Ông nguyện sẽ tiếp tục làm công việc nhân đức đó đến khi nào sức khỏe còn cho phép.

Đọc thêm