Người miền Tây thôi ngóng lũ về

(PLO) - Mỗi chiều về, nhìn con nước lững thững trôi khiến người dân miền Tây thôi mong chờ. Chỉ khoảng ba hay bốn năm về trước, vào thời gian này, thượng nguồn của sông Hậu đã ào ào nước, các cánh đồng ở những miệt An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… cũng mênh mông những nước. Nhưng giờ thì...
Những cánh đồng mùa lũ vẫn được xuống giống đều đặn mấy năm qua.

Miền Tây hết lũ?

Đã gần hết tháng 8, chúng tôi từ Cần Thơ ngược về vùng biên giới, nơi dòng sông Hậu chảy vào đất Việt. Huyện An Phú của tỉnh An Giang nơi giáp với biên giới Campuchia, cũng là nơi đón đầu dòng lũ từ biển Hồ đổ về. Chợ xã Vĩnh Hội Đông, nơi được xem là “thủ phủ” của cá linh non - món đặc sản đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. 

Những năm trước, cá linh được người dân giăng lưới, đặt đơm rồi đưa về chợ nhỏ này. Đây là nơi những thương lái, bạn hàng mua bán và đưa loại cá đặc sản này đi khắp nơi.

Thế nhưng, đáng lẽ dòng nước đục ngầu phù sa mang theo trong đó những sản vật của thiên nhiên đã phải tràn ngập khắp nơi thì hiện thực lại vô cùng chua chát. 

Gần 7 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại chợ Vĩnh Hội Đông, rảo quanh chợ chỉ có một vài điểm bán cá linh non với số lượng rất ít. Những sản vật của mùa lũ như ếch, nhái, rắn… cũng rất khan hiếm. 

Một người phụ nữ ngồi trước một chiếc thau đựng cá linh non to bằng đầu đũa nói với chúng tôi rằng: “Cá linh đến giờ vẫn chưa có bao nhiêu, tôi bán ở đây nhưng cũng ngày có ngày không. Mà có thì số lượng cũng rất ít ỏi”.

Trong thau đựng cá của người phụ nữ này chỉ tầm hơn 1 ký cá linh non. Đây là một hình ảnh rất trái ngược với vài ba năm trước đó.

Cuộc sống người dân nơi đây không còn bận tâm đến con nước nữa. Dường như họ đã hết kiên nhẫn để chờ đợi. Trước đó, khi mới vào giữa tháng 7, chúng tôi đã có mặt tại xã Phú Hữu (huyện An Phú).

Một lão nông chỉ ra con kinh trước nhà, cách đó vài chục mét là ranh giới với nước bạn Campuchia nói: “Gần rằm tháng 7 rồi mà mấy chú nhìn đó, nước vẫn chưa có động tĩnh gì, im ắng đến đáng sợ. Năm nay đến lạ, hình như lũ mỗi năm mỗi ít”. 

Không riêng ở An Giang, mà các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng của Đồng Tháp của vùng Tứ giác Long Xuyên cũng cùng chung cảnh ngộ. Cuộc sống của người miền Tây đang thiếu nước lũ, đồng ruộng miền Tây đang thiếu trầm trọng phù sa. 

Hằng trăm năm qua, lũ mang niềm vui, hạnh phúc, sự no đủ, văn hóa sống cho người miền Tây. Cuộc sống của những con người ở đôi bờ sông Hậu hầu như gắn liền với dòng sông, con nước. Văn hóa nước và người cũng từ đó mà lưu truyền bao đời. Việc lũ không về nữa luôn khiến cho những người dân này có cảm giác đã mất đi phần quan trọng nhất trong cuộc sống.

Chúng tôi tiếp tục đến những khu vực khác của huyện Tịnh Biên và TP.Châu Đốc cách đó không xa. Mới sáng sớm, mặt trời vẫn chưa lên hẳn, người dân đã thức dậy ra đồng. Họ cặm cụi với mảnh ruộng của mình, thay vì mưu sinh trên dòng nước lũ. 

“Giác nầy mấy năm trước, anh em chúng ào ào ghe, lưới đi gom cá, soi ếch, bắt rắn. Nước về mang cho chúng tôi nhiều thứ. Con cái chúng tôi được học hành, vụ mùa năm sau được trúng lớn. Còn hai ba năm nay, nước không về tới trên những ruộng lúa nữa.

Phần người ta đã làm đê bao quanh để làm lúa, mà phần cũng chẳng thấy nước về nữa. Nghe đâu nước trên dòng sông mẹ bị các nước khác chặn mất rồi”, một người nông dân vừa xới đất ruộng vừa nói với chúng tôi.

Tại chân cầu kênh Tha La, ranh giới giữa TP.Châu Đốc và huyện Tịnh Biên, hàng chục năm qua, dưới chân cầu này luôn họp một phiên chợ quê lúc trời tờ mờ sáng, du khách gọi là chợ đêm Tha La. Ở góc chợ này, người dân chủ yếu bán đồ đồng, sản vật mùa lũ.

Thế nên, cứ tới mùa lũ là người dân lại xôn xao họp chợ. Sản vật mùa lũ được mua bán, trao đổi rồi mang đi khắp nơi. 

Năm nay khi chúng tôi hỏi cá linh, đồ đồng sao không thấy, một chị bán hàng vung tay nói: “Chú nhìn đi, chợ chỉ có vậy thôi. Mấy năm nay đìu hiu vậy đó. Nước không có lấy gì có cá, chợ bây giờ họp ngắn lắm, chủ yếu là bán cá mú, rau cải cho bà con nơi đây, bán sỉ cho thương lái thì chỉ còn ít lắm”.

Sau lưng những người buôn bán này là dòng kinh, nước lững lờ trôi hiền hòa. Sản vật thiên nhiên đâu còn trong những dòng nước êm dịu đó. Người dân đang dần quen với việc, miền Tây không còn lũ nữa. 

 Chợ Tha La, ảm đạm thiếu sản vật mùa nước nổi

“Cuộc chiến” mặn – ngọt

Dòng sông mẹ Mê Kông, nơi cung cấp nước cho sông Tiền và sông Hậu. Từ hai con sông này, nước và phù sa được điều tiết, phân phối cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Các nhà khoa học cảnh báo, việc nước lũ không về, đồng nghĩa với đồng bằng không được bồi đắp phù sa nữa thì miền Tây sẽ biến mất trong vài trăm năm nữa. Đó hiển nhiên đã không phải là lời đe dọa xuông, mà là lời cảnh báo có cơ sở.

Theo số liệu từ Ủy ban sông Mê Kông, hàng năm hệ thống Tiền – Hậu bồi đắp thêm cho đồng bằng khoảng 160 triệu tấn phù sa. Con số khổng lồ này được bồi lấp chủ yếu vào mùa lũ, những thời điểm khác hầu như không đáng kể.

Phù sa trôi theo con nước, trôi ra cửa biển. Đến các tỉnh giáp biển như Cà Mau, Bạc Liêu phù sa còn “hào phóng” bồi đắp thêm cho các tỉnh này vài chục mét đất, lấn ra biển. Dòng nước lũ mang về cho miền Tây những giá trị vô cùng to lớn, không thể đong đếm được. 

Nhưng hiện nay, 11 đập thủy điện được xây dựng ở Lào và Campuchia khiến lượng phù sa về nước ta bị giữ lại 50%. Nếu những đập thủy điện này hoàn thiện và đi vào hoạt động, lượng phù sa sẽ bị giữ đến gần 90%.

Những nguy cơ ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long đang dần hiện hữu rõ nét hơn bao giờ hết. Hơn nữa, vài năm nay, ở các cửa biển, mực nước mặn đã dâng cao và tràn trở lại vào những cánh đồng, vuông tôm của người dân Cà Mau, Bạc Liêu.

Đã thế, những hiện tượng sạt lở, biển xâm lấn hàng năm được ghi nhận ở Cà Mau đã lên đến hơn mười mét, có nơi đến vài chục mét. 

Cuộc chiến mặn, ngọt dường như đã an bài, dòng nước ngọt ngày càng yếu thế. Từ đó, lời cảnh báo trong vài trăm năm tới miền Tây biến mất là hoàn toàn có thể xảy ra. Việc cần thiết bây giờ là người dân nên dần chuyển đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi sang hướng nâng cao và bền vững.

Nói đơn giản, nông dân không trông chờ và phụ thuộc vào nước lũ nữa. Việc sử dụng đất nông nghiệp như thế nào cho hợp lý cũng cần phải được tính toán kỹ.

Theo đó, cần phải hạn chế bón phân bón vô cơ làm đất bị chay, thiếu vi sinh. Nông dân phải thay đổi cách nhìn nhận với đất, không phải cứ ném phân xuống đất là có vụ mùa bội thu. Việc sử dụng đất phải đi đôi với việc bảo vệ, duy trì.

Thêm một vấn đề quan trọng khác, việc sạt lở đất vài năm qua được ghi nhận ngày mỗi nhiều và mỗi lúc một nghiêm trọng hơn. Từ An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang đều xảy ra trường hợp sạt lở. Nguyên do cũng vì dòng chảy bào mòn đất, và tình trạng khai thác cát ồ ạt. 

 Cá linh, sản vật mùa nước nổi đang cạn kiệt

Lũ không về, phù sa không bồi đắp, cát lại được khai thác khắp nơi trên sông Tiền, sông Hậu đó chính là những tác nhân “giúp” miền Tây biến mất càng nhanh hơn. Lũ có thể không về nữa, nhưng người miền Tây vẫn phải sống và sản xuất nông nghiệp.

Việc thay đổi tập quán sản xuất cho nông dân không thể chậm trễ nữa, và việc giữ gìn tất đất ở đồng bằng châu thổ này cũng nên được bắt tay thực hiện là vừa.

Đọc thêm