Người nghệ sĩ dương cầm làm rạng danh nước Việt

(PLVN) - Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn được cả thế giới âm nhạc biết đến khi là người châu Á đầu tiên đạt giải Nhất Cuộc thi piano quốc tế danh tiếng Chopin năm 1980. Không chỉ làm rạng danh nước nhà, từ đó đến nay, bằng việc giảng dạy và truyền cảm hứng, ông đã chắp cánh cho nhiều tài năng âm nhạc thăng hoa...
Chân dung Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn thời trẻ.
Chân dung Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn thời trẻ.

Hành trình theo đuổi đam mê

Đặng Thái Sơn (SN 1958) sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng còn mẹ là nghệ sĩ piano Thái Thị Liên. Bà là một trong số nữ danh cầm đầu tiên của Việt Nam tiên phong đồng sáng lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Trong buổi ra mắt sách “Đặng Đình Hưng - Một bến lạ” ngày 20/1 tại Hà Nội, ông đã lần đầu nói về hành trình theo đuổi đam mê với những phím đàn dương cầm của mình. Bởi sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nên 4 người anh, chị của Đặng Thái Sơn đều được học đàn. Duy chỉ đến lượt ông thì bố mẹ đều nói: “Ầm ĩ quá rồi, thôi con không tập nữa”. Nhưng dù bị bố mẹ ngăn cấm nhưng Đặng Thái Sơn chẳng muốn nghe theo, cậu bé Sơn ngày đó cứ lân la, quanh quẩn cây đàn của mẹ suốt ngày.

Bố mẹ ông theo dõi, thấy Sơn có vẻ quan tâm tới cây đàn trong nhà, hai cụ bèn đè cậu con trai ra xem nó có “lỗ tai” hay không, bởi muốn học đàn cần có năng khiếu. “Năng khiếu chứ không phải đôi tay đâu, mọi người cứ bảo tay đẹp để đánh đàn nhưng thực ra tay nghệ sĩ piano không khác gì tay nông dân, phải dùng cơ bắp để đánh nên không đẹp. “Lỗ tai” mới là thứ quan trọng. Sau khi thử xong, tôi thấy các cụ cứ thì thầm nhỏ to với nhau. Một thời gian nữa thì tôi được học đàn”, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn vui vẻ kể lại.

Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ dương cầm châu Á đầu tiên giành giải nhất tại cuộc thi Chopin danh giá. (Ảnh: Tuổi trẻ).Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ dương cầm châu Á đầu tiên giành giải nhất tại cuộc thi Chopin danh giá. (Ảnh: Tuổi trẻ).

Rồi bắt đầu từ những ngày đó, bố của Đặng Thái Sơn bắt đầu kẻ những dòng nhạc đồ rê mi pha son lên giấy, dạy cậu con trai từng nốt nhạc. Mẹ ông thì đặt tay ông lên phím đàn những nốt đầu tiên. Đặng Thái Sơn bắt đầu với cây đàn như thế.

Nói về bố của mình, Đặng Thái Sơn tự hào: “Bố tôi cũng dạy tôi trong cuộc sống, trong nghệ thuật đều phải chân thật, không được quỵ lụy, không được khuất phục, phải luôn có niềm kiêu hãnh bên trong. Có lẽ chính niềm kiêu hãnh ngầm ấy đã giúp tôi chiến thắng cuộc thi Chopin vì trong cuộc thi ấy tôi hoàn toàn đơn thương độc mã”.

Tài năng tỏa sáng

Năm 1965, Đặng Thái Sơn bắt đầu học nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Ông được nhạc sĩ dương cầm Isaac Katz khám phá vào năm 1974. Năm 1976, Đặng Thái Sơn được nhận vào học tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky dưới sự hướng dẫn của Vladimir Natanson và Dmitry Alexandrovitch Bashkirov. Tại cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (1980), Đặng Thái Sơn là một trong 3 thí sinh tới từ Nhạc viện Tchaikovsky. Hai thí sinh kia là Tatyana Shebanova (người Nga đoạt giải nhì) và Ivo Pogorelich (người Nam Tư).

Cuộc thi này đã trở nên nổi tiếng trong lịch sử cuộc thi piano Chopin không chỉ vì đây là lần đầu tiên một người châu Á đã đoạt giải nhất, mà còn vì vụ tai tiếng xảy ra với Ivo Pogorelić, người đã bị loại khỏi vòng 3 vì lối chơi khác thường. Việc loại Pogorelich đã khiến một ủy viên giám khảo nữ danh cầm Martha Argerich bỏ hội đồng giám khảo để phản đối sau khi tuyên bố bà “thấy xấu hổ vì làm ủy viên một hội đồng đã loại một thiên tài”. Vụ Pogorelich đã phần nào làm lu mờ giải nhất Chopin năm đó.

Trong cuộc đời của mình, Đặng Thái Sơn nhắc đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng với một lòng biết ơn sâu sắc. Đặng Thái Sơn nói rằng: “Tôi mang ơn cụ Đồng từ nhiều thập niên, bắt đầu từ năm 1976 cụ đã giúp khi mà Nhà nước còn băn khoăn có nên cho tôi đi học nhạc bên Liên Xô không. Nhờ cụ mà tôi đã được đi du học. Tôi là con một người thuộc nhóm Nhân văn Giai phẩm đầu tiên được đi du học, từ đó cũng tạo tiền lệ mới trong chính sách”.

Rồi sau khi ông Sơn giành giải nhất cuộc thi piano quốc tế Chopin, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại là người đầu tiên cho phép ông đi biểu diễn ở các nước, bao gồm cả các nước Tây Âu, mà thời điểm đó chỉ có những cán bộ có nhiều kinh nghiệm lắm mới được đi.

Lúc mới được giải Chopin, Đặng Thái Sơn nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn nhưng khi đó ông lại nghĩ chỉ là chuyện hoang tưởng, không thể đi được. “Đến lúc được bật đèn xanh thì cảm xúc của tôi lạ lắm, cái cảm giác thấy có tương lai. Cả giới văn nghệ sĩ lúc ấy nhìn vào những gì đang xảy ra với tôi mà cùng thấy có một tương lai”, Đặng Thái Sơn nhớ lại.

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn cùng hai học trò Bruce Liu (bìa trái) và JJ. Bui.Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn cùng hai học trò Bruce Liu (bìa trái) và JJ. Bui.

Sau khi đoạt giải, Đặng Thái Sơn quay lại học tiếp và tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovky năm 1983. Năm 1984, Thủ tướng Phạm Văn Đồng quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu tiên cho Đặng Thái Sơn, trước sự bàng hoàng của nhiều người. Lúc đó Đặng Thái Sơn mới 26 tuổi, và là Nghệ sĩ Nhân dân trẻ nhất khi được trao tặng danh hiệu này từ trước đến nay. Sự kiện này là cú sốc trong dư luận.

Sau 10 năm sống ở Nga (1977-1987), ông dạy nhạc tại Kunitachi Music College (Tokyo, Nhật Bản). Năm 1991, ông định cư tại Montréal, Canada và dạy ở Đại học Montréal. Hồi đó giới văn nghệ trong nước nói “Đặng Thái Sơn di tản kiểu mới”. Những năm 1990-1992 đất nước mới mở cửa vẫn còn chặt chẽ lắm. Đến năm 1993 thì Đặng Thái Sơn mới dám về lần đầu, vẫn hãi. Ông phải lấy cớ về diễn với dàn nhạc và phải lôi một ông chỉ huy nước ngoài sang cùng để có bề gì ông ấy còn “ứng cứu”.

Lần đó Đặng Thái Sơn diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội. Vừa diễn xong, đi ra cánh gà ông đã thấy đầy nhà báo. Đặng Thái Sơn khi đó cứ tưởng họ đợi đó để chúc mừng buổi diễn của ông nhưng không phải, câu hỏi đầu tiên mà tôi nhận được là: “Hiện nay ông đang mang quốc tịch gì?”. Khi đó, Đặng Thái Sơn đang mang hai quốc tịch Canada và Việt Nam. Từ năm 1995, cùng với mẹ, Đặng Thái Sơn đã nhập quốc tịch Canada.

Tháng 10/1999, ông đã dạy một khóa nhạc chuyên nghiệp ở Berlin cùng với Murray Perahia và Vladimir Davidovich Ashkenazy. Năm 1999, Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ piano duy nhất không phải là người Ba Lan được mời đến dự buổi hòa nhạc nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của Frédéric Chopin. Từng là giám khảo trong nhiều cuộc thi âm nhạc, nhưng Đặng Thái Sơn cũng chính là người châu Á đầu tiên được chọn vào ban giám khảo Concours Chopin năm 2005.

Những bài trình diễn của ông thường là những bản nhạc độc tấu dương cầm của Frédéric Chopin, hay là của những nhạc sĩ trường phái lãng mạn và ấn tượng, cũng như những bản nhạc hòa tấu dương cầm của hầu như tất cả những nhà soạn nhạc nổi tiếng (Beethoven, Chopin, Schumann, Grieg, Mozart, Rachmaninov...).

Đặng Thái Sơn là một trong 3 nghệ sĩ toàn cầu được chọn để biểu diễn (cùng Lý Vân Địch người Trung Quốc và Garrick Ohlsson người Mỹ tại Gala kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Chopin tháng 3/2010.

Sau khi giành được giải thưởng Chopin danh giá, Đặng Thái Sơn đã đào tạo không biết bao tài năng âm nhạc trên thế giới như Bruce Liu và JJ. Bui... Và Đặng Thái Sơn cũng đã có nhiều chuyến trở về quê hương tham gia những buổi hòa nhạc lớn, thắp truyền ngọn lửa đam mê âm nhạc, đưa dòng âm nhạc bác học, cổ điển đến gần hơn với mọi người.

Nhận xét về âm nhạc cổ điển trong nước, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn cho rằng mấy chục năm qua, âm nhạc cổ điển Việt Nam có phát triển nhưng chậm. Ngoài các cơ sở đào tạo Nhà nước, một số trung tâm tư nhân hình thành, nhưng chỉ ở dạng phổ cập âm nhạc; chuẩn đầu ra trong nước thấp so với mặt bằng quốc tế... nên thường những tài năng âm nhạc có nền tảng kinh tế tốt đã chọn ra nước ngoài học tập. Trong đó, có người đã trở về quê hương để phục vụ, là một tín hiệu đáng mừng.

Đọc thêm