Câu chuyện của những ngày bám biển
Gặp anh trong một buổi chiều hè trên mảnh đất cố đô hiền hòa. Khác hẳn với gương mặt rắn rỏi trong những ngày tác nghiệp trên biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhà báo La Vĩnh Lộc vui vẻ trò chuyện với chúng tôi về những chuyện vui buồn trong lần tác nghiệp ở Hoàng Sa.
Lặng người giây lát khi có người hỏi anh chuyện về những ngày tháng sống và tác nghiệp ngoài biển khơi, anh xúc động kể:
“Tôi là người có duyên với biển, đã 2 lần tác nghiệp ở Trường Sa và những ngày trung tuần tháng 6/2014 được vinh dự ra Hoàng Sa để tác nghiệp. Khác với những lần đi biển khác, lần này tôi đi với trọng trách là một nhà báo đối mặt với những hiểm nguy để đưa tin về những hành động sai trái của Trung Quốc khi ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam.
Nhận nhiệm vụ cùng phóng viên quay phim Anh Tú ra công tác ở biển Đông mà thời gian chỉ có 5 giờ đồng hồ để chuẩn bị một chuyến đi dài ngày trên biển. Không kịp gặp người thân để tạm biệt, tôi chỉ kịp gọi điện về cho người nhà xếp vội hành lý đưa lên cơ quan rồi tức tốc vào Đà Nẵng lên tàu ra Hoàng Sa”.
Những ngày chông chênh giữa sóng biển, việc tác nghiệp vất vả hơn gấp nhiều lần so với đất liền. Trong số đồng nghiệp đi cùng anh có những người bị say sóng, còn riêng anh mới lúc đầu ra, cũng chưa quen với cuộc sống trên biển khơi nhưng “ cứ nghĩ tới mình đang nhiệm vụ góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và phía sau mình là hàng chục triệu trái tim đang trông ngóng thông tin.
“Nghĩ đến thế thôi là mình phải cố gắng vượt khó khăn, để hoàn thành nhiệm vụ”, anh tâm sự. Những ngày biển động, thời tiết xấu có lúc tàu chao đảo hơn 40 độ “cơm bỏ vào miệng còn văng ra huống gì ngồi trước vi tính và đứng ghi hình” bên cạnh đó là sự hung hăng, sẵn sàng tấn công, đâm va và phun vòi rồng từ tàu Trung Quốc.
Nhà báo người Pháp, Bruno Raymond Philip tác nghiệp với các anh trên con tàu CSB8003 lúc đó đã thốt lên rằng: “Họ là những người dũng cảm, họ tác nghiệp không khác gì người lính!”
Khó khăn là vậy nhưng anh cũng đã nhận được những tình cảm rất ấm áp từ những chiến sĩ Cảnh sát biển. Những chiến sĩ trên những con tàu Cảnh sát Biển 4002, 4003, 8003 luôn chu đáo chăm lo và quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ cho cánh phóng viên báo chí và với anh có sống những ngày gian truân ấy, có hít thở cái mặn mòi của nước biển Hoàng Sa mới cảm nhận được trách nhiệm của một người công dân với đất nước.
Và cứ thế, sau những giờ phút trực diện với máy bay, tàu chiến của Trung Quốc hung hăng ngăn cản các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam cánh phóng viên lại có dịp trò chuyện với các chiến sĩ trên những con tàu, qua đó mới cảm thông và hiểu được những khó khăn vất vả mà các anh phải vượt qua để lên đường bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
|
Phóng viên VTV ghi hình tại Hoàng Sa. |
Giải thưởng cao quý
Sau gần một tháng bám trụ biển Hoàng Sa, nhà báo La Vĩnh Lộc đã nuôi một ước mơ rồi sẽ làm cái gì thật ý nghĩa sau chuyến công tác và anh đã lặng lẽ bàn với quay phim Anh Tú ghi lại những gì đời thường nhất về cuộc sống của các chiến sĩ và các nhà báo trong những ngày tác nghiệp trên biển.
Những câu chuyện rất đỗi đời thường về một bữa ăn nhân Ngày Gia đình Việt Nam trên con tàu chỉ có bóng dáng những người đàn ông, hay câu chuyện cảm động về những người chiến sĩ Cảnh sát Biển…
Những thước phim tư liệu quý báu đó sau này đã trở thành thứ tài sản vô giá để rồi cái may mắn lần nữa lại đến với anh. Anh nói như một cái duyên, khi Ban Giám đốc VTV Huế (trước đây) đã lệnh cho anh phải hoàn thành phim đi thi trước 5 tiếng đồng hồ vì gần hết hạn nộp phim cho Ban Tổ chức.
“Chúng tôi đón chào ngày mới trên biển Hoàng Sa bằng mớ âm thanh nghẹt thở. Mặt biển Hoàng Sa đang bị băm nát bởi lực lượng tàu hộ tống các loại của Trung Quốc đang ngang nhiên giày xéo, uy hiếp, ngăn cản lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam.
Mặc cho hiểm nguy rình rập, mặc cho những tiếng động cơ thi nhau gầm rú, con tàu CSB 8003 của chúng tôi cùng biên đội tàu Việt Nam như những chiến binh dũng cảm, vẫn hiên ngang đạp sóng dữ lướt đi”, đó là một đoạn lời bình trong phim phóng sự “Chúng tôi cũng là chiến sĩ” của nhóm tác giả: Vĩnh Lộc - Mạnh Thường - Anh Tú (VTV Huế).
Đoạn phim phóng sự này mô tả chi tiết khung cảnh của những những cán bộ, chiến sĩ trên con tàu CSB 8003 đang thực thi nhiệm vụ trên biển Đông. Những khó khăn họ gặp phải như: gia đình có người thân mắc bệnh nặng, khó khăn về môi trường khí hậu, thiếu thốn về vật chất,…
Cùng với những chiến công thầm lặng của các chiến bộ chiến sĩ Cảnh sát Biển, cánh phóng viên báo chí cũng như những người lính phải can trường vượt qua thử thách trên biển Đông để vững chắc tay máy ghi những hình ảnh truyền về đất liền. Tất cả được gói gọn trong gần 12 phút nhưng phóng sự đã mang đến cho khán giả những giây phút bùi ngùi xúc động kèm theo đó là những giọt nước mắt.
Vì thế, trong đêm bế mạc trao giải, với 31 Huy chương vàng và 63 Huy chương bạc mà Ban Tổ chức đã trao trong tổng số 513 chương trình, tác phẩm dự thi. Anh Lộc và nhóm đồng nghiệp của mình đã mang về Huy chương vàng cho phóng sự tác nghiệp ở Hoàng Sa.
Hạnh phúc với nghề báo
Sau những ngày tháng lênh đênh trên biển, trở lại với công việc phóng viên thường ngày của mình, Nhà báo Vĩnh Lộc lại trở về với những chuyến tác nghiệp trên đất liền. Nhưng đối với anh lần đi tác nghiệp ở biển Đông đó khác hơn nhiều với những chuyến tác nghiệp thường ngày mà anh vẫn làm, anh xem đó là một kỷ niệm, hơn thế - như là một nghĩa vụ với Tổ quốc mà anh đã hoàn thành.
Về đến đất liền, anh càng được mọi người nhắc đến mỗi khi xem chương trình thời sự về tình hình biển Đông với niềm cảm phục lớn lao.
Đặc biệt, điều làm anh cảm thấy hạnh phúc và những ngày tháng mệt nhọc đã tan biến khi nghe đứa con gái lớn 3 tuổi của anh cứ luôn miệng bập bẹ câu nói mà anh từng nói “Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép Hải Dương 981 và các tàu hộ tống ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - Phóng viên La Vĩnh Lộc đưa tin từ thực địa”.
Cuộc đời làm nghề của anh cũng đã từng vài lần ra nơi biển đảo, nơi hùng vĩ cảnh đẹp quê hương hay lên non cao chót vót của những bản làng chốn biên cương rừng núi nhưng theo anh đời làm báo của anh hạnh phúc nhất vẫn là lần tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa; một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Những kỷ niệm đó có lẽ sẽ theo anh suốt cuộc đời.
Sau này, có người đã hỏi điều gì khiến anh xúc động nhất khi tác nghiệp ở Hàng Sa, thì anh đáp: “Công tác ở biển Hoàng Sa, tôi học được nhiều thứ trải nghiệm bổ ích giúp tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm sống và kỹ năng nghề nghiệp.
Đặc biệt, mình hiểu được đời sống của cán bộ, chiến sĩ ở nơi biển đảo xa xôi, tình quân dân gắn bó keo sơn, cảm nhận được sự quan tâm của đồng nghiệp, anh em các lực lượng thực thi pháp luật, ngư dân đang ngày đêm bám trụ ngoài vùng biển Hoàng Sa, vượt qua bao khó khăn, vất vả để thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, anh Lộc chia sẻ.
Gia đình với vợ hiền và 2 đứa con gái ngoan, anh Lộc không mong muốn gì hơn. Với anh, giờ chỉ muốn cống hiến hết mình cho công việc và nghề nghiệp anh đã chọn, anh mong sao sẽ góp phần nhỏ công sức của mình để đưa nhiều hơn nữa những hình ảnh, nét đẹp quê hương, con người vào ống kính để rồi truyền đến cho người xem.