Xuất phát từ lòng kính trọng, tình cảm sâu sắc đối với Bác và trực tiếp hai lần được gặp Bác Hồ, người nữ cựu chiến binh ấy đã có trong tay một bộ sưu tập phong phú về Bác và bà cũng vận động mọi người tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Năm 1955, trong lần đến thăm cán bộ đang điều trị tại Bệnh viện 303 (nay là Bệnh viện Việt - Xô) bà Nguyệt may mắn được gặp Bác Hồ khi Người đến thăm bà Hồ Thị Bi. Tuy chỉ nhìn thấy Bác nhưng hình ảnh về vị lãnh tụ kính yêu vẫn luôn in đậm trong tâm trí của bà. Rồi sau đó năm 1959, Bác về thăm Trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng thì cuộc gặp gỡ ấy thật sự xúc động.
Bà Nguyệt kể: “Chúng tôi được nghe thông báo có đoàn cán bộ Trung ương đến thăm trường nhưng không biết là ai. Khi đoàn đến, là đội viên thanh niên cờ đỏ của trường, tôi vinh dự được đứng ngoài mở cửa cho đoàn xe vào trường. Nhìn thấy Bác từ trên xe bước xuống tôi liền chạy đến ôm chầm lấy Bác, nước mắt cứ tuôn trào ra, trong lòng dâng lên niềm cảm xúc khó tả. Bác ở lại trường nói chuyện với chúng tôi khá lâu. Hình ảnh vị lãnh tụ giản dị, với tình thương yêu bao la, ân cần thăm hỏi khiến tôi càng yêu Bác hơn”.
Rồi những năm tháng khói lửa chiến tranh đưa bà trải qua nhiều công việc, đi học ở Liên Xô. Về nước bà lại chuyển công tác vào TP Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1996. Những tháng ngày tuổi trẻ tất bật với công việc nên bà ít có dịp sưu tầm những hình ảnh và tư liệu viết về Bác. Đến khi nghỉ hưu, bà đã dành nhiều năm trời bày tỏ lòng thành kính với Người.
Trong căn phòng nhỏ trên tầng 3 của gia đình, bà Nguyệt lưu giữ những tư liệu viết về Bác Hồ. Những tấm ảnh của Bác, những cuốn sách viết về Bác được cất giữ cẩn thận, trang trọng trong cái tủ nhỏ. Tổng cộng có 400 đầu sách và nhiều tư liệu về Bác. Ngày nào cũng vậy, bà đều lên căn phòng nhỏ này để kiểm tra, sắp xếp và giới thiệu những tư liệu về Bác cho mọi người đến thăm.
Để có được những tư liệu quý giá ấy, nữ cựu chiến binh đã phải lặn lội nhiều năm mua, sưu tầm bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Điều đó xuất phát từ lòng kính trọng và lòng thương yêu vô bờ bến của bà Nguyệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Bà Nguyệt tâm sự: “Tôi phải mất nhiều thời gian, đi đến nhiều cửa hàng sách để tìm và sưu tầm tư liệu, hình ảnh về Bác. Việc làm của tôi xuất phát từ tấm lòng của một người dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ tài ba của dân tộc. Hàng ngày đọc vài hàng chữ viết về Bác, nhìn những tấm ảnh của Bác khiến cho lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản. Đến nay tôi đã có trong tay 400 đầu sách và hơn 1.800 bức ảnh về Bác. Tôi đã mang 1.300 tấm ảnh tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để họ bổ sung thêm vào các mục trưng bày.
Điều đáng quý ở người cựu chiến binh này là dù tuổi đã cao nhưng hầu như bà Nguyệt vẫn giữ thói quen hàng ngày đọc những tài liệu về Bác và viết ra những điều mình tâm đắc. Ở bà có thái độ làm việc hết sức nghiêm túc và tỉ mỉ. Những hình ảnh sưu tầm được bà sắp xếp cẩn thận theo từng chủ đề. Bà bảo rằng những tư tưởng của Người là bài học cho chúng ta học tập có giá trị sâu sắc trong mọi thời đại và nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay.
Dù đã ở tuổi 80, bà Nguyệt vẫn thường xuyên làm bạn với chiếc xe đạp đi đến nhiều nơi để kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho mọi người nghe và để cho người nghe đặt câu hỏi về Bác rồi bà trả lời những thắc mắc, những điều chưa hiểu về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua những buổi nói chuyện như vậy mọi người có thể hiểu thêm về Bác, học tập theo Bác trong những công việc hàng ngày.
Bà tâm niệm rằng, muốn thanh niên bây giờ nhớ lịch sử, phải dùng trực quan mắt thấy, tai nghe thật sinh động mới có kết quả. Công việc của bà đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều tình cảm đẹp. Đó là một việc làm thật sự có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc làm của nữ cựu chiến binh Nguyễn Thị Nguyệt thật đáng trân trọng, thể hiện lòng kính yêu vô bờ bến với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là để tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ hiểu rõ và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.