Những khoảng trắng về người thân của chồng
Tôi và chồng làm chung một cơ quan. Khi tôi vào cơ quan thì anh đã làm việc ở đây 5 năm. Ấn tượng lớn nhất của tôi về vị trưởng phòng này là vẻ lặng lẽ chỉ biết tập trung vào công việc. 3 năm làm việc dưới quyền của anh, tôi chưa bao giờ thấy anh nở một nụ cười thoải mái. Mặc dù anh cũng không phải ông sếp cau có với nhân viên nhưng lúc nào cũng giữ một khoảng cách quá xa, kể cả trong những cuộc vui, liên hoan phòng, cơ quan ngoài giờ.
Thế nhưng chẳng hiểu sao tôi lại bị cuốn hút bởi người đàn ông bí ẩn, xa xôi ấy trong anh. Tôi bắt đầu có cảm tình đặc biệt với anh và tin rằng đây là người đàn ông của cuộc đời mình. Thế rồi sau những bữa ăn sáng, cốc cà phê, bữa trưa tận tay tôi làm hoặc mua mang tới cho anh, khoảng cách giữa anh và tôi kéo lại gần hơn.
Anh cũng có tình cảm với tôi. Chúng tôi yêu nhau sau 1 năm thì cưới. Hai năm sau thì tôi sinh một cô con gái. Gia đình của chúng tôi không phải viên mãn hạnh phúc kiểu ngập tràn tiếng cười mỗi ngày mà bình yên, không có cãi vã, sóng gió.
Theo lời anh chia sẻ thì bố mẹ anh mất do tai nạn từ khi anh mới ba tuổi nên tôi cũng không phải một ngày làm dâu. Gặng hỏi thêm về người thân thì anh kể được nhận làm con nuôi ở một gia đình tận vùng núi Cao Bằng. Đó là một đôi vợ chồng già, không con cái. Bố mẹ nuôi anh cũng mất năm anh học năm thứ hai đại học. 30 tuổi anh vào Sài Gòn làm việc, lập nghiệp ở đây. Chính vì vậy, tôi không có cơ hội gặp ai là người thân của anh.
5 năm chung sống chúng tôi đã có với nhau hai cô con gái. Với mức thu nhập ổn định, cuộc sống chúng tôi khá giả, không phải lo lắng cơm áo gạo tiền. Trải qua 10 năm chung sống, chúng tôi chưa một lần tranh cãi to tiếng chỉ có điều anh vẫn giữ một khoảng cách nhất định với vợ con.
Chúng tôi có hai cô con gái rất đáng yêu, một bé lên 8, một bé lên 5 nhưng chưa bao giờ tôi thấy chồng vui đùa thoải mái với các con cho dù hai con gái rất tình cảm với bố. Anh có thể cho chúng đi chơi, đi học, hoàn thành trách nhiệm một ông bố nhưng chưa bao giờ thấy anh nói chuyện gần gũi với các con.
Tôi tặc lặc lưỡi thôi thì đó là bản tính khó sửa từ hồi tôi biết anh đã thế. Đòi hỏi một người đàn ông thay đổi tính cách đã ăn sâu vào máu như thế thật khó dù thực lòng tôi muốn anh cởi mở với vợ con hơn. Tôi tự an ủi mình và chấp nhận con người anh với ý nghĩ chồng chẳng có gì đáng chê trách trong việc chăm lo, trách nhiệm với gia đình. Anh vẫn lo kiếm tiền lo mọi khoản chi tiêu lớn bé trong nhà, anh không cờ bạc, rượu chè, nhất là suốt 10 năm chung sống không hề có tai tiếng chuyện “em ún”.
Chồng tôi chỉ có thói xấu là nghiện thuốc lá. Có nhiều đêm anh ra ban công ngồi hai, ba tiếng đồng hồ đốt thuốc. Tôi nghĩ chắc anh đang căng thẳng công việc nên cũng không can thiệp, hỏi han nhiều. Vài lần tôi kêu ca chuyện anh hút thuốc quá nhiều nhưng anh bảo không bỏ được. Các chị cùng cơ quan cũng an ủi tôi để anh nghiện thuốc còn hơn nghiện những thứ tệ hại của đàn ông như mê gái, cờ bạc.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Một nửa sự thật còn lại
Thế rồi buổi sáng chủ nhật sau ngày kỉ niệm 10 năm ngày cưới của tôi đúng 1 tuần, khi tôi vừa đi chợ về tới cửa nhà thì thấy một thằng bé ngập ngừng đứng đó. Nó khoảng 15-16 tuổi với khuôn mặt hốc hác, dáng người khắc khổ, đôi mắt đầy hoang mang. Và đặc biệt, tôi thấy ngờ ngợ với dáng người ấy, khuôn mặt ấy có gì đó quen thuộc.
Tôi hỏi cậu bé tới tìm ai mà đứng trước cửa nhà tôi? Chẳng để tôi phải băn khoăn lâu, cậu bé có vẻ ngoài ốm yếu ấy thoáng chút ngập ngừng xong cất giọng rõ ràng: “Cháu tới tìm bố H.”. H. là tên chồng tôi. Tôi ù tai tưởng mình nghe lộn nhưng cậu bé ấy nhắc lại rõ ràng một lần nữa là “Đây có phải nhà ông Nguyễn Huy H. không cô?”. Tôi cố gắng lắm mới không đánh rơi cả chục túi bóng lỉnh kỉnh thịt cá rau củ quả. Tôi cố giữ bình tĩnh mời cậu bé vào nhà. Chồng tôi đang ngồi xem tivi ở phòng khách cũng “đứng hình” khi nhìn thấy thằng bé. Tôi lờ mờ hiểu điều gì sẽ diễn ra tiếp theo.
Câu chuyện của ba người vô cùng căng thẳng. Đúng hơn là tôi ngồi chết trân khi nghe từng lời của thằng bé ấy nói. Và cái ngăn bí mật chứa quá khứ giấu kín bấy lâu nay của chồng tôi lần đầu đã mở tung bằng chiếc chìa khóa chính là thằng bé đó. Sự thật là thằng bé ấy chính là đứa con chồng tôi bỏ rơi. Qua những gì nó nói, tôi biết nó không oán trách chồng tôi nhiều nên đã quyết tâm tìm bố. Thằng bé bị ung thư máu giai đoạn cuối, thời gian với nó chỉ tính bằng tháng và nó không muốn chết mà chưa được nói với bố rằng nó chính là con đẻ của chồng tôi.
Thằng bé ấy chính là nạn nhân của một cuộc hôn nhân bi kịch, dang dở. Anh lấy mẹ thằng bé năm 23 tuổi. Sau khi cưới vợ, anh tiếp tục về Hà Nội học thạc sĩ, để lại cô vợ trẻ ở quê. Hai năm trời đi học, tháng anh chỉ về nhà một lần thăm vợ. Và trong một lần phải về quê gấp giữa tuần để làm giấy tờ, anh đã bắt quả tang vợ đang ngủ với chính gã hàng xóm. Mặc đứa con chưa đầy tuổi, anh bỏ đi ngay trong buổi tối hôm đó không chút lăn tăn. Anh chỉ quẳng lại vào mặt mẹ thằng bé đúng một câu: “Chắc gì thằng bé đã là con của tôi”.
Anh xin tôi ngồi nghe anh nói chuyện. Trái tim tôi quặn thắt, tâm trạng rối bời xong vẫn cố kìm chế để cho anh một cơ hội nói. Vả lại tôi cũng muốn biết quá khứ, con người thực sự của anh. Với ánh mắt đau đớn, chồng tôi bắt đầu câu chuyện. Anh bảo tất cả những điều anh từng kể với tôi đều là sự thật, chỉ duy nhất không nói về vợ con. Cái tối anh bị vợ cũ phản bội, sự sỹ diện trong anh bị tổn thương trầm trọng, anh như phát điên. Anh chạy ra bến xe bắt chuyến cuối cùng về thẳng Hà Nội, vài ngày sau quyết định vào Sài Gòn không chút hối tiếc.
Vào Sài Gòn anh bắt đầu từ con số 0 và muốn xóa hết quá khứ đáng xấu hổ đó. Anh và mẹ thằng bé đó chưa đăng kí kết hôn mà chỉ tổ chức đám cưới đơn giản ở làng nên không ràng buộc về mặt pháp luật. Khi cưới tôi, anh đã nhờ người bạn làm ở xã lấy giấy chứng nhận độc thân gửi vào Sài Gòn để hợp thức hóa thủ tục đăng kí kết hôn.
Trong những ngày con trai bạo bệnh, vợ cũ của anh đã gạt nước mắt kể cho con về bố đẻ mình. Thằng bé nói muốn được gặp bố đẻ để trước khi chết không còn gì phải lăn tăn. Suốt hơn chục năm, chị không đủ can đảm tìm người đàn ông đã bị mình phản bội nhưng vì tâm nguyện của con, chị lấy hết dũng khi tìm chồng.
Chị tìm cách liên lạc với đủ bạn bè, người quen của anh ở quê và cuối cùng cũng lần ra thông tin về anh qua một người bạn học. Hai mẹ con dắt díu nhau vào tận Sài Gòn để tìm chồng tôi. Nhưng chị đã không đủ can đảm đối diện với anh. Chị đứng tận góc đường ngóng theo con lần tìm đến địa chỉ nhà bố.
Khi biết hoàn cảnh của hai mẹ con và thấy hình dáng tiều tụy của thằng bé giống mình như đúc, chồng tôi lần đầu tiên khóc trước mặt tôi. Có lẽ anh hối hận vì quyết định bỏ con quá nông nổi của mình.
Giờ thì tôi đã hiểu tại sao anh luôn giữ khoảng cách nhất định, không mở lòng với tôi và hai con gái. Tôi hiểu hơn về những đêm anh đốt thuốc vài tiếng đồng hồ ngoài ban công.
Sau câu chuyện ba người, chồng tôi xin tôi tha thứ vì đã nói dối tôi. Tôi nói tôi cần có thời gian suy nghĩ. Tôi gần như câm lặng, mất ngủ suốt một thời gian nhưng vẫn cùng chồng đưa thằng bé điều trị ung thư ở Bệnh viện Chỡ Rẫy.
Hai tháng sau thằng bé mất, anh suy sụp, chỉ cắm cúi làm việc, trở về nhà như một cái máy.
Mẹ thằng bé mang tro cốt con về quê và không liên lạc lại thêm lần nào nữa nhưng cái cảm giác bỗng chốc trở thành vợ bé cứ ám ảnh tôi. Và đặc biệt tôi không hiểu tại sao anh lại bỏ bẵng đứa con của mình không một lần đoái hoài suốt hơn chục năm qua.
Tôi cố gắng sống tiếp một cách bình thường vì các con nhưng thực sự giữa anh và tôi như có một hố sâu ngăn cách. Anh càng trở thêm xa cách khi mãi ám ảnh về thằng bé. Sự ngột ngạt ngập tràn trong căn nhà chúng tôi. Tôi không biết có thể duy trì cuộc hôn nhân này tới bao giờ khi luôn tồn tại hố sâu ngăn cách giữa anh và tôi mỗi ngày.