Người phụ nữ Đồng Tháp 30 năm níu giữ nghề làm lồng đèn truyền thống

(PLVN) - Người phụ nữ tại TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) suốt 30 năm qua miệt mài với từng thanh tre, mảnh giấy kiếng để tạo ra những chiếc đèn Trung thu truyền thống.

Tuy chịu sự cạnh tranh của những chiếc lồng đèn điện hiện đại nhưng lồng đèn truyền thống vẫn có chỗ đứng riêng, được nhiều người lựa chọn như một cách nâng niu, gìn giữ nét đẹp văn hóa này.

Mang niềm vui đến cho trẻ

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân (SN 1963, ngụ TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) làm lồng đèn truyền thống từ khi chưa đến 30 tuổi đến nay. Cứ mỗi mùa Trung thu về, ngôi nhà của bà Ngân lại khoác lên màu sắc lung linh của những chiếc lồng đèn mà ai đi ngang qua cũng phải ngoái nhìn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân có hơn 30 năm làm đèn trung thu truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân có hơn 30 năm làm đèn trung thu truyền thống.

Nhớ lại ngày còn bé, bà Ngân cho biết khi đến Tết Trung thu đều được cha làm cho chiếc đèn ngôi sao để vui chơi với bạn bè. Niềm hân hoan bắt đầu từ đó, nên mỗi năm cứ tới dịp này là bà lại nôn nao, mong chờ được nhận lồng đèn. Trong một dịp làm vài chiếc lồng đèn để tặng con cháu của bạn bè, người thân, thấy các em nhỏ vô cùng thích thú đón nhận, nâng niu món quà này, bà nghĩ tới chuyện sẽ chuyên làm lồng đèn.

“Khoảnh khắc các bé nhận món quà lồng đèn giúp tôi nhớ lại ngày xưa mình cũng từng có cảm giác này, sung sướng một cách lạ thường. Từ đó, tôi bắt đầu đến với nghề làm lồng đèn truyền thống đến tận hôm nay” bà Ngân chia sẻ.

Những năm đầu chập chững vào nghề, bà Ngân chỉ làm những chiếc lồng đèn có hình dạng đơn giản như ngôi sao, chiếc xuồng. Dần dần, bà đúc kết được kinh nghiệm, làm thêm những kiểu đèn công phu, đòi hỏi khéo léo và độ chính xác cao như: con cá, bướm, trái tim, chiếc thuyền… Đa dạng về mẫu mã càng giúp bà ngày càng chiếm được sự ưa chuộng của nhiều khách hàng.

Những chiếc lồng đèn giấy kiếng vẫn có sức hút riêng trong lòng người tiêu dùng.

Những chiếc lồng đèn giấy kiếng vẫn có sức hút riêng trong lòng người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Huỳnh Tiên (ngụ huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), một khách quen của bà Ngân cho biết, những năm gần đây bà đều chọn mua lồng đèn truyền thống về cho các con chơi. Vì bà muốn con cháu hiểu hơn về nét văn hóa xưa. "Không như những chiếc lồng đèn điện ồn ào và mau chán, lồng đèn giấy kiếng có sự thu hút và nét đẹp riêng", bà Tiên nói.

Bà Ngân còn hướng dẫn cách làm lồng đèn miễn phí thông qua một kênh Youtube. Mọi ý tưởng, cách thực hiện đều được bà chia sẻ nhiệt tình chỉ với một mục đích thu hút được đông đảo người dân góp phần lưu giữ những nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Bám trụ với nghề

Năm nay, bà Ngân vẫn ráng kiên trì với công việc và cho ra hơn 400 chiếc lồng đèn với đủ chủng loại. Mỗi chiếc dao động từ 50.000 đến hơn 350.000 đồng, tùy thuộc vào độ khó và độ lớn nhỏ.

Theo bà Ngân, để có đủ số lượng lồng đèn cho một mùa trung thu phải bắt đầu chuẩn bị ý tưởng, nguyên liệu từ sau... Tết Nguyên đán.

Theo bà Ngân, để làm ra một chiếc đèn lồng đòi hỏi nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo.

Theo bà Ngân, để làm ra một chiếc đèn lồng đòi hỏi nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo.

Những năm trước, bà Ngân được người thân trong gia đình phụ làm lồng đèn. Dần dần mỗi người đều có công việc riêng, vì thế chỉ còn lại mình bà thực hiện tất cả công đoạn như: thu mua trúc, chẻ trúc, chuốt trúc, tạo khung, dán kiếng... Thời kỳ cao điểm, có hôm bà phải thức từ 5 giờ sáng làm đến hơn 11 giờ đêm mới kịp trả đơn đặt hàng cho khách.

Trải qua 30 năm gắn bó với nghề, đôi bàn tay bà Ngân giờ đây đã chai sần, chi chít đầy vết thương. “Quá trình làm ra một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh thì chuyện dằm xước tay, dây chì đâm chảy máu là chuyện thường. Nhưng chỉ cần bọn trẻ thích, nở nụ cười là mình rất mãn nguyện”, bà Ngân bộc bạch.

Nguyễn Tấn Đạt, học sinh trường THCS Nguyễn Thị Lựu cho biết, mỗi năm đều đến đặt bà Ngân làm khung sườn lồng đèn. Sản phẩm bà Ngân làm ra dù là chi tiết nhỏ nhất cũng được chăm chút một cách tỉ mỉ. Có năm, nhờ có ý tưởng và đôi bàn tay khéo léo của bà mà lớp Đạt thực hiện chủ đề “Thuyền và Biển đảo” đạt được thứ hạng cao.

Chiếc lồng đèn được làm thủ công một cách tinh xảo, bắt mắt.

Chiếc lồng đèn được làm thủ công một cách tinh xảo, bắt mắt.

Đã có lúc bà Ngân muốn buông bỏ nghề vì lồng đèn điện “áp đảo” lồng đèn truyền thống. Sản phẩm bà làm ra không còn được mọi người ưa chuộng. Thêm vào đó, công việc này đã không còn mấy ai gắn bó... Nhưng nghĩ nếu Trung thu mà không có lồng đèn truyền thống thì thiếu vắng lắm, bà tự xốc lại tinh thần rồi miệt mài làm công việc này.

“Tôi không đặt nặng vấn đề về thu nhập, miễn còn có người thích là tôi còn làm. Vì tôi xác định đến với nghề bằng đam mê, những ký ức và nụ cười của trẻ thơ”, bà Ngân trải lòng.

Đọc thêm