Người phụ nữ ghi lại sử Việt trên áo dài

(PLVN) - Sinh năm 1971, học xong phổ thông, nhà thiết kế Thủy Lê (Lê Thị Thủy) bước chân vào nghề may. Ba mươi năm làm nghề, chị đã đủ tự tin thể hiện kỹ năng của mình trên nhiều sản phẩm thời trang. Tuy nhiên, chị vẫn luôn cảm thấy như mình đang thiêu thiếu một điều gì đó…
Nhà thiết kế Thủy Lê.
Nhà thiết kế Thủy Lê.

Câu trả lời đã đến vào một ngày khi chị Thủy biết được thông tin về khóa học thời trang áo dài của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam và quyết định theo học để thử sức mình. Sau thời gian theo lớp, chị Thủy đã lý giải được điều mình luôn cảm thấy thiếu lúc trước.

Đó là định danh bản thân trên một sản phẩm thời trang nhất định để khẳng định tên tuổi của mình trong con mắt khách hàng. Năm 2018 chị Thủy chính thức bước chân vào lĩnh vực thiết kế áo dài với khát khao mang đến vẻ đẹp cho mọi người bằng tà áo dân tộc truyền thống. 

Từ tình yêu đến thành công

“Trong thời gian theo học với nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, tôi đã “ngấm” tình yêu áo dài lan tỏa từ anh và nhận thức được rằng mỗi người phụ nữ cho dù có dáng vẻ bề ngoài như thế nào thì cũng đều có quyền làm đẹp cho mình bằng chiếc áo dài dân tộc. Nhà thiết kế áo dài phải xác định mình đang gánh vác một trọng trách sản phẩm mình thiết kế ra sẽ làm cho người phụ nữ quên đi sự tự ti về bản thân để tỏa sáng, để đẹp” – chị tâm sự.

Ba năm, con đường không hề dài trên chặng đường đến với áo dài nhưng nhà thiết kế Thủy Lê cũng đã gặt hái được nhiều thành công cho tình yêu áo dài của mình.

Tháng 10/2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức cuộc thi “Tự hào áo dài Việt” nhằm khẳng định bản sắc văn hóa áo dài Việt Nam trước bạn bè thế giới, đồng thời tôn vinh các sáng tạo của các nhà thiết kế trong việc gìn giữ, lan tỏa sắc màu, nét đẹp tà áo dài Việt Nam. Cuộc thi được khởi nguồn từ ý tưởng tôn vinh các di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước với các danh lam thắng cảnh trên khắp cả nước. 

Tại đêm chung kết, vượt qua 60 bộ sưu tập lọt vào vòng chung khảo, bộ sưu tập “Hoàng Thành Thăng Long” của thí sinh Thủy Lê đã xuất sắc giành giải Nhất. Phát biểu tại lễ trao giải, nhà thiết kế Thủy Lê cho biết, ý tưởng về bộ sưu tập đã được ấp ủ từ lâu khi chị có dịp đến Hoàng Thành Thăng Long. Những cổ vật với họa tiết sen lá đề, tranh rồng mây từ thời Lý - Trần đã tác động, thôi thúc chị biến những gợi mở ban đầu trở thành hiện thực.

Trò chuyện với phóng viên, chị tâm sự: “Nhiều người ban đầu khi biết ý tưởng đưa họa tiết ở Hoàng Thành Thăng Long như họa tiết sen lá đề, tranh rồng mây từ thời Lý - Trần vào áo dài đã tỏ ý lo ngại vì đây là những họa tiết kiến trúc sẽ khó có được sự mềm mại trên áo dài. Nhưng tôi tin là mình sẽ thực hiện được mơ ước làm nên bộ sưu tập áo dài về Hoàng thành Thăng Long”. Và giải nhất của cuộc thi cho bộ sưu tập áo dài mang tên “Hoàng Thành Thăng Long” đã chứng minh được quyết tâm tưởng như khó thực hiện này của chị. 

Không ngừng học hỏi

Áo dài là một loại trang phục rất kén người mặc, thế nên nhiều người phụ nữ dù rất thích áo dài nhưng lại e dè khi khoác lên mình bộ trang phục này vì sợ mình mặc xấu. 

Nhà thiết kế Thủy Lê cho biết, khi trở thành nhà thiết kế áo dài chị đã nghe được rất nhiều tâm sự về mơ ước được mặc một bộ áo dài đẹp, khắc phục nhược điểm để tự tin xuống phố. “Từ những tâm sự trên, tôi đã mày mò để có những sáng tạo từ khâu thiết kế đến cắt may như sáng tạo thiết kế ly vuông nhằm giúp che khuyết điểm ngực hoặc bụng to, nhỏ để giúp phụ nữ tự tin hơn khi mặc, sử dụng chất liệu cao cấp co giãn để giúp người mặc thoải mái, vận động uyển chuyển, mặc được trong mọi hình thái thời tiết nóng hoặc lạnh”, chị nói.

Được biết 3 năm nhà thiết kế Thủy Lê theo đuổi áo dài thì cũng có những khách hàng 3 năm chỉ chọn thương hiệu áo dài Thủy Lê để mặc trong những buổi lễ trọng của cá nhân, gia đình.

Trò chuyện về dự định tương lai, chị Thủy cho biết gần đây một lần đến thăm cơ sở người khuyết tật chuyện ghép vải vụn làm ra các sản phẩm tranh, khăn trải bàn…, chị ngỡ ngàng vì độ tinh tế, đẹp đẽ và rực rỡ của sản phẩm. Chị hình dung nếu áo dài được xử lý trên những mẫu ghép vải này sẽ rất độc đáo, lạ mắt và thu hút ánh nhìn. 

“Hiện tôi đã xúc tiến với cơ sở người khuyết tật để hợp tác với mong muốn chung tay tạo việc làm cho những người kém may mắn cũng như mang lại vẻ đẹp mới lạ cho tà áo dài Việt” – chị tâm sự. Bên cạnh đó chị Thủy cũng đang thử sức mình ở các mẫu áo dài ngũ thân cổ điển, áo dài nam giới. Chị khẳng định mình không hề ôm đồm tham việc khi ấp ủ nhiều dự định như thế, bởi tình yêu mãnh liệt với áo dài đã, đang và sẽ giúp chị vượt qua khó khăn để thực hiện.

Trong câu chuyện về tình yêu áo dài của mình, nhà thiết kế Thủy Lê cũng không quên nhắc đến câu chuyện thời sự về áo dài – chủ quyền văn hóa trong thời trang rất đang được quan tâm hiện nay. 

“Như mọi nhà thiết kế áo dài khác, tôi rất bất bình khi áo dài của dân tộc Việt Nam đã và đang bị “nhận vơ” ở đâu đó. Bản thân tôi khi bắt đầu đến với áo dài cũng đã tự mình tìm hiểu về lịch sử nguồn gốc áo dài Việt để trau dồi cho mình kiến thức về bộ trang phục mang quốc hồn quốc túy của dân tộc.

Tôi được biết tiền thân áo dài được gọi là áo ngũ thân cổ đứng. đã được định hình từ thời chúa Nguyễn, rồi đến thập niên 30 của thế kỷ XX, họa sĩ Cát Tường là người khởi xướng cho phong trào cách tân áo dài truyền thống…

Áo dài có bề dày lịch sử như thế nên tôi mong muốn mỗi người Việt Nam sẽ ý thức về chuyện mặc áo dài hơn nữa để giữ gìn trang phục dân tộc và khẳng định chủ quyền văn hóa của đất nước. Mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng công nhận áo dài là quốc phục, là di sản văn hóa và dành một ngày trong năm để tôn vinh tà áo dài Việt”- chị nhấn mạnh. 

Đọc thêm