“Nghèo còn mắc cái eo”
Trưa muộn, tại một góc của căn nhà đang xây dở, 4 đứa con của vợ chồng chị Trần Thị Sang (SN 1983, ngụ xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) ngồi xúm lại ăn cơm ngon lành. Như bao bữa cơm khác, hôm nay các em tiếp tục ăn cơm trắng với bát cà pháo muối xổi.
Thấy có khách đến nhà, cô chị học lớp 9 vội trốn chạy vì e thẹn. Mấy đứa em hồn nhiên nói: “Mẹ cháu đang cuốc giun ngoài vườn để chiều đặt trúm lươn. Chúng cháu đi học về đói bụng nên ăn trước”.
Ít phút sau, chị Sang từ vườn bước vào. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng khuôn mặt của người phụ nữ ấy trông già hơn tuổi. Mái tóc ngắn sát da đầu, những lần phẫu thuật đã để lại vết sẹo dài trên gương mặt. Lại thêm khối u lớn “án ngữ” ngay vùng trán như che gần hết khuôn mặt người phụ nữ này.
Chị buồn rầu tâm sự: “Càng ngày khối u này càng lớn khiến đầu tôi nặng hơn, rất khó chịu. Cũng vì khối u này mà tôi thường xuyên đau đầu, chóng mặt, có hôm ngất lúc nào không hay. Đáng ra, thời điểm này tôi phải nhập viện để mổ nhưng vì không có tiền nên đành ở nhà. Nhiều người lo lắng khuyên tôi nên nhập viện gấp nhưng vì không có tiền nên đành nhắm mắt”,
Chị Sang kể mình bắt đầu có dấu hiệu bất thường vào năm 2016. Thời điểm ấy, chị thường bị đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, ăn không ngon, thậm chí nhiều khi còn ngất bất thình lình. Nghĩ đau ốm bình thường, chị chỉ lấy thuốc về uống.
Nhưng uống hết thuốc từ nơi này đến nơi khác mà bệnh tình vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, trái lại, tần suất ngất càng nhiều hơn. Cuối cùng, người phụ nữ này quyết tâm đến một bệnh viện lớn, tiến hành các xét nghiệm, chụp chiếu. Chỉ đến lúc này, chị Sang mới biết mình bị u màng não.
Đầu năm 2017, để có đủ số tiền 70 triệu đồng ra Bệnh viện Việt Đức chữa trị, vợ chồng chị đành bán rẻ mảnh đất ông bà để lại. Chưa hết, chị còn vay nóng tiền để khăn gói ra Hà Nội chữa bệnh. Tại bệnh viện, chị được các bác sỹ phẫu thuật lấy khối u trong màng não ra, mảnh xương sọ được nuôi trong lồng kính.
|
Bữa cơm gia đình thường xuyên chỉ có cơm trắng với cà muối xổi |
Về quê chưa được bao lâu, khối u trên đầu chị Sang đột nhiên tái phát, phồng to hơn. Do vậy, tháng 7/2018, chị phải tiến hành phẫu thuật lần 2. “Lần đó, vợ chồng tôi vay được 50 triệu đồng từ nguồn ngân hàng chính sách xã hội. Nhưng nằm viện đúng một tuần, khoản tiền ấy đã hết nhẵn. Vì thế, chúng tôi đành xin bệnh viện cho xuất viện sớm”, chị tâm sự.
Trở về nhà với vết lõm trên đầu khiến sức khỏe chị yếu hẳn. Các bác sỹ khuyến cáo nên nghỉ dưỡng để hồi phục sức khỏe, nhưng vì các con, người mẹ ấy cố gượng dậy, ra đồng làm việc. Hàng ngày, tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị lại đi cuốc giun về làm mồi để chiều tối đi đặt trúm lươn.
Sáng sớm hôm sau, tranh thủ khi các con chưa thức giấc, chị vội vàng đi lấy trúm, đưa lươn đi bán. Tằn tiện, góp nhặt từng đồng để nuôi con, chữa bệnh khiến người chị càng gầy rộc đi trông thấy.
Chắt chiu tiền chữa bệnh
Từ ngày phát hiện vợ mắc bệnh hiểm nghèo, anh Nguyễn Văn Nhân (SN 1974) cật lực làm thuê. Thế nhưng, tiền công ít ỏi từ nghề thợ xây đã không kham nổi khoản tiền lớn của người vợ sau mỗi lần nhập viện. Để có thêm tiền, anh quyết định tạm xa vợ con, vào nam tìm công việc mới. Nhưng vì không bằng cấp nên anh cũng chật vật trong việc tìm nghề.
Từ ngày chồng đi làm thuê, căn nhà xây dang dở càng hiu quạnh hơn. Chị Sang dù đang mang trọng bệnh, phải chống chọi những cơn đau từ khối u nhưng vẫn phải gồng gánh gia đình, nuôi đoàn con.
Chị tâm sự: “Vợ chồng tôi đang phải chịu áp lực với khoản tiền 80 triệu đồng cho lần phẫu thuật tiếp theo. Vì không còn nguồn nào để vay mượn nên hai vợ chồng chỉ biết tích góp mỗi ngày. Tôi chỉ sợ, càng để lâu thì khối u càng lớn, kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm”. Dự tính là vậy, nhưng chính chị cũng không biết đến khi nào hai vợ chồng mới góp đủ khoản tiền lớn ấy để nhập viện, điều trị.
Ngồi nhìn đoàn con thơ, người mẹ thở dài: “Đang tuổi ăn, tuổi học nhưng các cháu không được như chúng bạn cùng trang lứa. Mỗi lần tôi đi chữa bệnh thì 4 chị em chúng nó phải tự nuôi nhau. Lần đầu tiên, vì không có tiền nên chị chỉ để lại cho các con chưa đến 100 nghìn đồng để chi tiêu. Với khoản tiền ít ỏi ấy, hàng ngày các em chỉ dám mua vài gói mì tôm về nấu canh. Bữa nào nhạt quá thì mấy chị em chan thêm nước mắm. Đến khi hết sạch tiền, đám trẻ ấy lại ra đồng bắt con tép, con cua để cải thiện bữa ăn.
|
Gia đình chị Sang nhiều năm thuộc diện hộ nghèo của xã. |
“Trở về từ bệnh viện, chứng kiến các con chân tay lấm lem bùn đất mà tôi ứa nước mắt. Tôi thầm trách bản thân vì đã không lo đầy đủ cho các con. Nhưng vì không còn cách nào khác…Tôi mong rằng các con sẽ hiểu mọi chuyện”, chị trăn trở.
Thương con, nên trước khi đi chữa trị lần hai, chị quyết định gối lại cho các con khoản tiền nhiều hơn. Nhưng, khi biết việc làm của mẹ, mấy chị em đã bí mật dúi lại túi. Đọc mảnh giấy của con với nội dung: “Mẹ yên tâm chữa bệnh. Ở nhà chúng con sẽ tự kiếm thức ăn, tự chăm sóc nhau khiến chị rơi nước mắt”. Chị xót xa: “Giá như vợ chồng tôi khỏe mạnh, có chút kinh tế thì các con không phải khổ, không phải lam lũ như vậy”.
Nhưng cũng nhờ các con đã tiếp thêm sức mạnh cho người mẹ. Càng thương con chị càng có thêm nghị lực để chống chọi với bệnh tật. Sự hiếu thảo, ngoan ngoãn của các con đã tiếp thêm động lực cho chị mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
Trưa muộn, căn nhà đang xây dang dở, toang hoang cửa như đánh đu với số phận của mấy mẹ con chị Sang. Thiếu thốn vì không có nguồn thu nhập ổn định nào, lại gánh thêm khoản nợ lớn từ những lần thuốc thang, chị Sang chỉ hi vọng mình còn sức khỏe để được làm việc. Biết đâu đến cuối năm nay, vợ chồng chị sẽ tích góp, vay đủ khoản tiền gần 100 triệu đồng để chị đi phẫu thuật, ghép lại mảnh xương đầu hiện vẫn đang được nuôi tại bệnh viện.