Trong cuộc sống hối hả và hiện đại ngày nay, hàng loạt nghề đã từng rất thịnh hành ở Việt Nam có nguy cơ biến mất. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những con người luôn hoài niệm và hết mình gìn giữ nét xưa bằng niềm đam mê với nghề. Trong đó không chỉ là cuộc sống mưu sinh mà còn phản ánh những câu chuyện về cả một thế hệ, một thời đã qua của nhiều người Việt Nam. Những lời tâm sự, tấm lòng tâm huyết của người cuối cùng còn gắn bó với nghề xưa khiến chúng ta không khỏi khắc khoải.
Trọn đời bên những trang sách cũ
Nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng (quận 3, TP HCM), căn nhà vừa là chỗ ở đồng thời cũng là tiệm đóng sách cũ của ông Võ Văn Rạng (60 tuổi). Hiện ông được xem là người duy nhất ở Sài Gòn còn gắn bó với nghề này.
Quay trở lại 60 năm trước, ông Rạng được sinh ra trong một gia đình công chức nghèo có 11 anh chị em. Bởi vậy, cuộc sống của tuổi thơ của ông Rạng cũng khá vất vả như bao gia đình Sài Gòn thời đó. Biến cố xảy đến với ông Rạng năm lên 2 tuổi khi một cơn sốt bại liệt đã cướp đi của ông đôi chân khỏe mạnh, khiến ông không thể đi lại bình thường như bao đứa trẻ khác.
Tuy nhiên, điều đó chẳng thể ngăn được tinh thần hiếu học và nghị lực phấn đấu của cậu bé Rạng. Vượt qua sự thiệt thòi về cơ thể so với bạn bè cùng trang lứa, Võ Văn Rạng vẫn học hết lớp 12 trường Lasan Đức Minh năm 1978. Ông Rạng sau đó nộp đơn dụ thi trường Đại học Sư phạm TP HCM nhưng do sức khỏe yếu nên ông không thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ đứng trên giảng đường sư phạm.
Và rồi cái duyên với nghề đóng sách, sửa sách cũ cũng từ đây mà theo ông suốt hơn 30 năm qua. Năm 15 tuổi, ông bén duyên với nghề nhờ xin được phụ việc vặt cho xưởng in của gia đình một người bạn học. Năm 1978, ông Rạng học xong lớp 12 nhưng không thi đại học. Từ đó, ông trở thành một nhân viên trong xưởng in của hợp tác xã làm nhiệm vụ may, đóng sách mới và sửa sách cũ khi có khách hàng.
"Cơn sốt bại liệt hồi nhỏ đã khiến chân phải của tôi bị tật nên không thể trở thành một thầy giáo dạy Văn như mơ ước. Thấy nghề đóng sách phù hợp với sức khỏe bản thân nên tôi chọn. Giờ đây nghĩ lại, tôi thực sự thấy nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề. Tôi không được dạy chữ thì cũng là sửa chữ, âu cũng là cái duyên…”, ông nhớ lại.
|
Việc may sách đòi hỏi kỹ thuật vô cùng khéo léo và sự tỉ mỉ của người làm nghề |
Ông học nghề rồi làm thuê một vài nơi. Sau đó, kinh tế phát triển, các nhà sách lớn ra đời, những xí ghiệp in nâng cấp máy móc và đội ngũ đóng sách chuyên nghiệp nên tổ hợp đóng sách nơi ông làm giải thể. Ông về nhà mở tiệm đóng sách cho đến nay. Những năm 1980 - 1990, khi ngành in chưa phát triển, sách mới xuất bản còn ít, việc dành tiền để mua một cuốn sách mới còn khó khăn nên sách cũ được người đọc hết sức trân trọng, gìn giữ. Còn giờ đây, từ ngày có Internet, thói quen đọc sách giảm hẳn đi, khách của ông cũng vắng hơn.
Chính hoàn cảnh đất nước năm 90 đã giúp ông Rạng tồn tại được với nghề. Với tay nghề của mình, ông Rạng được nhiều người tin tưởng giao đóng những cuốn sách quý, sách cổ mà họ sưu tầm được. Trong số đó có nhưng cuốn từ điển hàng trăm năm tuổi, giấy đã mục. Nhiều tác phẩm văn học từ những năm 1970 với đầy đủ lời đề tựa và chữ ký của tác giả. Mỗi lần đóng những quyển sách quý ông lại có dịp được xem chúng. Nhờ vậy, kiến thức về sách của ông được mở mang hơn.
Tại tiệm của ông, ngoài những cuốn tự điển dày, những quyển sử ký còn có những cuốn sách theo ông rất hiếm và giá trị. Như cuốn “Văn Đàn Bảo Giám” của Trần Trung Viên in năm 1929 và “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim. Nhưng ông thích nhất những cuốn thơ cổ. Cũng từ đó ông biết thơ của Trần Nhân Tông, hoặc có dịp xem lại thơ của bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà, Trần Tế Xương (Tú Xương), Nguyễn Công Trứ…
“Nghề của tôi không giàu nhưng ngược lại có những niềm vui không thể mua được. Thí dụ có những cuốn Kinh thánh từ Italia, Pháp… giấy rất mỏng và nát bươm, được các linh mục mang đến nhờ đóng. Hoặc những cuốn sách kỷ niệm của ba mẹ, con cháu mang đi đóng lại. Khi khách hàng nhận lại những cuốn sách được đóng bìa cẩn thận chắc chắn, ai cũng trầm trồ”, ông Rạng thổ lộ. Nhìn thấy niềm hạnh phúc, bàn tay nâng niu kỷ vật của khách hàng càng khiến ông Rạng thêm yêu nghề.
Tiền công đóng sách không cao, nhưng theo ông Rạng có nhiều điều thú vị khi gắn bó với nghề này. Chính vì sự cẩn thận chu đáo, khiến những cuốn sách giữ được nguyên trạng mà ông Rạng được nhiều khách hàng tìm đến khi cần.
“Nhà hội họa, nhà điêu khắc...”
Hàng chục năm nay, khi thời đại 4.0 ngày càng phát triển, nghề đóng sách cũ thủ công của ông đã không thể cạnh tranh nổi với máy móc. Thế nhưng ông Rạng chưa bao giờ có ý định từ bỏ “cái nghề đã cũ này”. Ông nhớ lại vào thời hoàng kim của nghề đóng sách thủ công, những năm trước giải phóng, ông có cơ hội được đóng cả những cuốn sách từ phương Tây.
Ông kể: “Sách của họ đẹp lắm. Mỗi cái bìa là một tác phẩm. Khi sách hỏng, họ phải tìm đến những người như tôi. Hồi ấy, khi sửa phải làm lại bìa y như bản cũ. Nghĩa là tôi phải khắc, chạm, đục khuyết tên sách, hoa văn, họa tiết trang trí trên bìa với chất liệu là giấy, da mạ vàng, ... Do đó, lúc ấy, người thợ đóng sách cũ cũng gần như là nhà hội họa, nhà điêu khắc”.
Hiện nay, yêu cầu của việc tân trang sách cũ đơn giản hơn với máy móc. Tuy nhiên, chưa một lần ông sử dụng sức mạnh công nghệ vào công việc của mình. Mọi công đoạn phục dựng sách cũ, ông đều làm thủ công.
Trong căn phòng làm việc bé xíu của ông, chiếc máy cắt giấy chạy bằng sức người là hiện đại hơn cả. Ngoài ra, hồ dán, keo dán, ... đều được ông tự chế. Ông giải thích, công việc của tôi là cố giữ nguyên giá trị của những cái đã cũ nên phải dùng những phương pháp “đã cũ” để làm. Bởi thế, những người tìm đến ông phần lớn là người yêu thích điều xưa cũ. Mỗi cuốn sách khách mang đến có ý nghĩa đặc biệt với họ và họ tin ông cũng yêu quý nó như mình.
Với những cuốn sách cũ do khách đem tới, tùy mức độ hư hỏng, ông có những cách phục chế khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết sách cũ đến tay ông đều đã ở tình trạng rất tệ, cần phải được phục chế gần như hoàn toàn.
|
Những trang sách cũ được phục hồi mang theo nhiều kỷ niệm, sự trân trọng, tình yêu của người khách hàng |
"Sách cũ theo thời gian, bị rách, đứt chỉ, người ta mới đưa mình. Mình phải tháo ra từng trang, sau đó sắp xếp ngay ngắn, cái nào rách thì dán, bìa nào hư thì bồi bìa vô giữ bìa cũ lại. Tiếp đến là may sách, hoàn thành xong thì làm bìa cứng. Có khách thì họ kêu sách cũ bìa còn tốt, chỉ may lại giữ bìa cũ thì làm vậy hay hơn, giữ được kỷ niệm cho người ta nhiều hơn", ông Rạng kể.
May sách nghe có vẻ hơi lạ nhưng đó thật sự là việc mà ông Rạng đang làm hàng ngày. Để giữ những trang sách đã quá cũ, ông bắt buộc phải may từng trang lại với nhau rồi mới dán gáy sách.
Trước khi may, ông phải tháo trang, bìa để riêng, gỡ những miếng băng dính khách hàng tự dán để bảo quản. Những trang nào dán băng dính, ông phải bốc ra hết. Nếu để, khi may xong, quét hồ sẽ không tác dụng. Khi may phải thật cẩn thận do những trang sách thường mục và cũ. Nếu mạnh tay sẽ rách giấy, nếu lỏng tay thì sách dễ bị bung. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm đánh giá chất liệu sách, độ cứng từng trang sách của người thợ.
Theo ông Rạng, có khoảng bốn kỹ thuật may để may sách. Ông thường may theo cách lần theo mối cũ và cưa sóng để tạo rãnh, định hình cho đường may. Trong quá trình may, ông phải luôn để ý số trang từng trang một. Ông bảo: “Điều này rất quan trọng, bởi nếu sắp không đúng sẽ phải làm lại từ đầu.Vừa mất thời gian vừa bị khách hàng phàn nàn”.
Khi đã xong phần kim chỉ, một lớp hồ sẽ được quét dọc theo bề mặt gáy sách và để gió cho khô. Ông thường phơi gió, không dùng máy sấy.Ông cho rằng: “Đóng một quyển sách phải có thời gian, không nên vội.Vả lại, nếu sấy bằng máy thì độ bền của hồ sẽ không cao, dễ khô cứng và bong tróc”.
Trong lúc may trang, ông còn phải kiểm tra từng trang sách xem có tỳ vết hay lỗ thủng hay không. Nếu có, ông sẽ dùng giấy vá lại lỗ thủng. ông nói: “Việc vá lỗ thủng hay vết rách, có một nguyên tắc cần phải tuân thủ là chỉ vá những chỗ không có chữ”.
Sau khi may và quét hồ, ông sẽ xử lý bìa. Nếu ai muốn “khoác” cho quyển sách một chiếc bìa mới, thì ông sẽ đặt in một bìa mới. Còn ai muốn giữ bìa gốc thì ông sẽ xử lý, chỉn chu lại trang bìa và thêm bên ngoài một lớp giấy bảo vệ.
Ông Rạng nói rằng, để có thể theo đuổi được nghề đóng, sửa sách cũ này thì ngoài những yêu cầu cao về kỹ thuật, tính nhẫn nại, tỉ mỉ thì trên hết người làm nghề phải dùng cả tâm huyết của một người yêu sách, yêu nghề thì mới có thể làm được.
Khách hàng của ông thường là những người lớn tuổi, người kinh doanh sách cũ hoặc người sưu tập sách. Tuy nhiên, 5 năm trước, có một vị khách khiến ông nhớ mãi. Một cậu bé cấp 1 cùng cha đến nhờ ông Rạng sửa lại cuốn sách đã bị bung chỉ, những trang sách rời ra. Ông Rạng hỏi: “Sách này bây giờ xuất bản nhiều, sao không mua mới, giá mua còn rẻ hơn giá sửa”. Cậu bé trả lời: “Vì cuốn sách này là món quà cô giáo tặng, nên con muốn giữ”.
Trung bình mỗi ngày ông Rạng “chữa” được từ 3 đến 5 cuốn, tiền công từ 20.000 đến 50.000 đồng mỗi cuốn, tùy mức độ hư hỏng. Ông không có vợ con nên nếu tiết kiệm thì mức thu nhập này cũng đủ duy trì cuộc sống.
Ông Rạng thường bắt đầu công việc của mình vào 8h sáng và nghỉ vào lúc 4 giờ chiều. Bởi vì thường xuyên phải dùng các ngón tay miết, giữ chặt các trang sách khi dán khiến các khớp ngón tay của ông Rạng bị đau. Để thả lỏng các khớp ngón tay và thư giãn đầu óc, ông thường chơi đàn ghi ta.
Lịch sử của nghề đóng, sửa sách cũ thủ công
Song hành cùng sự ra đời của sách, nghề đóng sách cũng đã tồn tại bấy lâu. Để bảo vệ một quyển sách từ thời Trung cổ, việc đóng sách đòi hỏi sự hội tụ của tất cả tinh hoa từ các ngành nghề, từ thuộc da, sản xuất giấy, kim hoàn, mộc, thêu thùa, hóa chất, hội họa và không ngần ngại sử dụng những dụng cụ y khoa, nha khoa, ấn loát…
Nghề đóng sách thủ công đã có từ những năm 1450 thời trung cổ. Khi đó, các thủ bản được thực hiện ở trong các thư viện hoàng gia, phục vụ cho tầng lớp quý tộc là chủ yếu. Các giấy đóng sách thủ công trước đó thường làm từ da bê. Các loại giấy này đều phải hội tụ đầy đủ 3 yếu tố là trắng, trong và mỏng. Màu sắc của giấy thời đó tất nhiên là không đa dạng như bây giờ, chủ yếu là màu xanh từ đá quý được xay mịn ra hoặc màu vàng từ vàng cát, màu đỏ từ sâu sống trong rừng.
Hiện nay những cuốn sách được đóng từ thời trung cổ vẫn được gìn giữ, tuy nhiên đã được phục chế. Những cuốn sách cổ này phần lớn bị mất gáy, được nói lại bằng chỉ với bìa mới. Tất cả các đường gân được thêu bằng tay, bọc toàn bằng da. Một trong những cuốn sách được đóng thủ công lâu đời nhất, nổi tiếng nhất là cuốn Thánh kinh đầu tiên của Hà Lan.
Tại Việt Nam những kiến thức về ngành này chưa thật chỉn chu và bài bản nhưng phải nói nghề đóng sách đã có từ rất lâu và đã từng được các nghệ nhân chăm chút và học tập từ nền nghệ thuật đóng sách của Châu Âu trong thời Pháp thuộc.
Theo lời của nghệ nhân Dư Thanh Khiêm “Việc nghệ thuật đóng sách song hành với sự phát triển của sách là điều không thể chối cãi. Sách là trí tuệ của cả một dân tộc và việc đòng sách chính là giữ gìn tri thức của dân tộc đó. Ông đã đi nhiều nơi và xem nhiều quyển sách được đóng một cách cẩu thả, khiến những người yêu sách có cái nhìn không mấy thiện cảm với ngành nghề đầy ý nghĩa này.
Ở châu Âu, để trở thành một nghệ nhân đóng sách đúng nghĩa, người thợ phải trải qua bảy năm học cách phục chế da và thêm sáu năm nữa để nâng tầm kỹ thuật phục chế nhũ mạ và là ngành học chính thức tại các trường đại học tại Vương quốc Bỉ.
Chẳng thế mà trong cuốn Thú chơi sách in năm 1960, nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng Vương Hồng Sển từng viết: “Nơi phương Tây, thợ đóng sách là nghệ sĩ. Trông người rồi ngẫm đến ta, thử hỏi có thợ đóng sách nào trong xứ làm nên tên tuổi như những đồng nghiệp nước ngoài? May lắm là lập nhà đóng sách nhỏ, cần có nhiều hàng nhiều sách để đóng lấy lãi nuôi sống, hơn là cần người đến đặt hàng khéo nâng cao nghệ thuật...”
Không chỉ đơn thuần là một nghề, đóng sách thủ công cũng như mộc, cũng như điêu khắc, đó chính là nghệ thuật. Đóng sách là công đoạn mà người thợ phải làm cả về phần bìa, lất kết các tay sách, đóng thành quyển hoàn chỉnh. Đóng sách thủ công được coi là một nghệ thuật bởi nhờ những bàn tay khéo léo mà khiến cho cuốn sách trở nên đẹp hơn, bền hơn. Đó chính là điểm nhấn, tạo nên giá trị của cuốn sách.
Hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới không còn nhiều người sống với nghề nghệ thuật truyền thống này. Đóng sách thủ công không chỉ đòi hỏi sự khéo léo của nghệ nhân mà còn là sự chú tâm, miệt mài. Cũng như một tác phẩm nghệ thuật, các cuốn sách được đóng thủ công đòi hỏi rất nhiều công sức, trí tuệ của người làm ra nó.
Gần đây nhất, Lapo Giannini -người Ý và Michiko Kuwata – người Nhật là hai trong số những nghệ nhân đóng sách thủ công hiếm hoi trên thế giới vẫn quyết định sống với nghề. Họ kết hợp với nhau cùng mở một cửa hàng để phục chế và đóng sách tại Ý. Thay vì sử dụng những loại công nghệ hiện đại thì tất cả các sách được đóng sách, phục chế tại cửa hàng được đóng từ các loại máy móc thủ công như máy ép gỗ từ thế kỷ 19, máy ép kim loại, máy cắt được làm từ năm 1960.