Người tạc ngựa bằng… đá ong xứ Đoài

(PLO) - Những khối đá ong xù xì bỗng chốc biến thành những chú ngựa khoan thai, mạnh mẽ, trở thành “đặc sản” của miền đá ong. Niềm vui trong nghệ nhân vỡ òa khi mọi người cảm nhận được “linh hồn” và tiếng vó của những chú ngựa đá ong vàng ruộm xứ Đoài.
Thi gan với đá
Trong cái lạnh chiều cuối năm, nghệ nhân Trần Văn Nghiêm (sinh năm 1965) tất bật  cặm cụi đục, đẽo đá “bốp bốp, chát chát chát” để kịp hoàn thành những đơn đặt hàng. Làn bụi nâu bay ra từ tiếng kêu “lẹt xẹt” của chiếc máy tiện đá phủ kín khuôn mặt, đầu tóc và cả đôi bàn tay chai sạn của ông. 
Chỉ vào khối đá ong vô tri nặng gần 2 tấn được lấy lên từ lòng đất Thạch Thất, nghệ nhân Nghiêm cho hay:  “Qua bàn tay đục đẽo, khối đá này sẽ thành chú ngựa dũng mãnh”. 
Ở xưởng mỹ thuật đá ong này, những năm trước ông nhận được nhiều đơn đặt hàng đặt tạc 12 con giáp. Nhưng năm mới là năm Giáp Ngọ, đơn đặt hàng chủ yếu là tạc những chú ngựa. Từ đầu năm 2013 tới giờ, ông đã “xuất xưởng” vài chục con “phi mã” khắp tỉnh thành để đón năm Ngựa. 
Gắn bó với nghề từ 40 năm nay, ông Nghiêm bộc bạch: “Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm đá ong, 10 tuổi tôi đã theo cha học nghề, 12 tuổi bắt đầu cầm đục đẽo đá. Nghề đá bắt đầu theo mình từ đó…”. 
 Người đàn ông đam mê tạc tượng từ đá ong
Gia đình ông ba đời gắn chặt với đá. Xòe đôi bàn tay chai sần, ông cho biết đã bao lần bị bầm tay, chảy máu vì đá. Nhiều lần thấy khổ quá, ông tính bỏ nghề nhưng cái nghiệp gắn với đá nên không dứt được. Theo lời ông, nhiều gia đình làm nghề đá không cho con cái theo nghề này nữa, vì họ quan niệm nghề đá cũng giống như cục đá, bị người ta chặt chém, đục, đẽo mòn đi, chẳng khá lên được. 
Những năm 1990, đá ong  “thất sủng”. Không có việc, ông đi xin tạc tượng bằng chất liệu gỗ ở tỉnh ngoài. Làm được gần chục năm, ông bị tai nạn. Chân tập tễnh không thể đi xa, ông về quê nhà tìm việc. Ruộng ít, ông chẳng có việc để làm. Nhìn những vỉa đá ong vàng óng, ông chợt lóe lên ý nghĩ, sao không biến chúng thành những con vật sống động. 
Theo ông, Thạch Thất lâu nay vẫn được coi là “miền đá ong”.  Đằng sau vẻ ngoài xù xì, thô ráp, màu vàng sậm và lỗ chỗ như tổ ong, những viên đá ong của xứ Đoài luôn có một vẻ đẹp bí ẩn, vững chắc. Đặc biệt, sắc vàng óng ánh như mật ong luôn tạo cho con người ta cảm giác ấm cúng, thân quen cổ kính mà không lành lạnh, xa lạ như các loại đá khác. Phải chăng vì thế mà từ xa xưa, cha ông ta đã chọn đá ong làm vật liệu chính để xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc khác.
Có lẽ cũng bởi quá yêu cái màu đặc trưng của vùng đất quê mình mà nghệ nhân quyết tâm tạo ra các con vật bằng đá ong. Để tạo ra được những con vật từ đá ong, đầu tiên ông Nghiêm phải chọn được những khối đá ong tốt, với kích thước phù hợp, rồi dùng thuổng, dao gọt đẽo dần dần theo những hình tượng mà mình đã phác ra. Ông phác thảo tác phẩm bằng phấn trên phiến đá.
Ông Nghiêm chia sẻ kinh nghiệm: “Mỗi loại sản phẩm yêu cầu một loại đá phù hợp nên khâu lựa chọn nguyên liệu chế tác cũng rất kỳ công. Khâu vẽ tạo ra tác phẩm bằng phấn cũng cực kỳ quan trọng. Đây cũng là khâu quyết định “linh hồn” cho một sản phẩm, phải có kinh nghiệm mới làm được”. Khâu cuối cùng là tiến hành tạc tượng. Người thợ đục thô (hay còn gọi là phá phôi) tạo hình hài cho một sản phẩm để rồi theo đó những người thợ sẽ đục theo từng chi tiết đã phá. Những đường nét tinh xảo, cân đối hay thần thái của một bức tượng phụ thuộc rất nhiều vào khâu này. Trong quá trình làm, ông đều tự tưởng tượng ra, thành phẩm như thế nào là phụ thuộc vào tay nghề, sự tỉ mỉ, khéo léo và sức lực dẻo dai.
Điều đặc biệt, đá ong rất giòn, nếu sử dụng cưa máy thì coi như hỏng vì động vào là cả khối đá lớn sẽ vỡ toác ra ngay. Nghệ nhân lấy sức mềm yếu của con người để đối chọi với sự cứng rắn của đá ngàn năm. Rồi khi đá thành hình khối, ông phải rũa tỉ mỉ để tác phẩm có thần thái. Người làm nghề phải luôn giữ cho mình sự bình tĩnh, cẩn trọng, chỉ một chi tiết bị méo mó có thể đánh mất đi vẻ đẹp của tượng. Tạc được phiến đá coi như “thi gan với đá”.
Tạo thú chơi tao nhã
Ðá bao bọc, gắn bó với ông từ thuở nhỏ, rồi theo năm tháng cũng vì mưu sinh và lòng say mê nghề nghiệp mà ông thổi hồn vào đá. Ðằng sau những sản phẩm kia không biết có bao nhiêu mồ hôi, công sức đổ ra, ngấm vào từng thớ đá. 
Nghề tạc tượng đá ong đâu có dễ, đó là cả một nghệ thuật, mà có khi học cả đời cũng chẳng bao giờ đạt được sự tinh tế. Để hoàn thành một tác phẩm ngựa, nghệ nhân phải làm cật lực từ chục ngày tới hai tháng tùy vào kích cỡ, hình dáng ngựa.
Kỳ công như vậy nhưng giá công để làm những “đặc sản” đá ong không cao. Mỗi tháng, ông Nghiêm kiếm khoảng 7-8 triệu đồng chi tiêu cho 4 miệng ăn. Với số tiền kiếm được chỉ đủ để đắp đổi cuộc sống gia đình. “Dư dả thì chẳng có đâu, làm nghề để nuôi gia đình và nuôi niềm đam mê”- ông Nghiêm cười.
Công việc nhọc nhằn, đòi hỏi trí và lực mà thu nhập không cao nên có một số thợ theo ông làm tạc tượng con vật đều không trụ được với nghề. Họ bỏ đi làm việc khác. Thế nên, ở Thạch Thất số người làm nghề như ông rất hiếm. 
Trong 12 con vật, ông thích nhất là tạc con ngựa. Đối với ông, ngựa là loại vật thiêng của đất trời, hội đủ những đức tính tốt đẹp: chịu khó, khỏe khoắn, trung thực, khoáng đạt, nhanh nhẹn, lãng mạn, quả cảm, giúp ích cho đời.  Ngựa cho ông nhiều hứng khởi. 
Tượng ngựa ông tạc đến đâu hết tới đó. Ông chỉ giữ cho mình chú ngựa nhỏ hiền lành. Những chú ngựa đá ong thường “chu du” ở những nơi đình, chùa, miếu, vườn hoa, công viên, sân vườn, biệt thự, trước nhà các gia đình. Tùy diện tích ở đó để đặt ngựa kích thước to hay nhỏ. Nhiều gia đình có thú chơi tao nhã: mua tặng hoặc đặt tượng ngựa ở nhà bởi quan niệm “Mã đáo thành công”. 
Đôi bàn tay và thân thể của nghệ nhân làm nghề tạc tượng đá luôn bám đầy bụi đá nhưng ánh mắt luôn chất chứa niềm đam mê thổi hồn cho đá, để mỗi pho tượng trở nên có hồn, có cốt. Những khối đá ong tưởng chừng vô cùng cứng rắn, xù xì bỗng chốc biến thành những chú ngựa khoan thoai, mạnh mẽ, trở thành “đặc sản” của miền đá ong. Niềm vui trong nghệ nhân vỡ òa khi mọi người cảm nhận được “linh hồn” và tiếng vó của những chú ngựa đá ong vàng rộm xứ Đoài.

Đọc thêm