34 năm qua, người thương binh hạng 4/4, ông Trần Thanh Bình (SN 1950, ngụ thôn Cẩm Toại Trung xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) luôn luôn tâm nguyện tìm được anh em đồng chí, đồng đội, đưa họ về với quê hương, gia đình. Hàng ngàn liệt sĩ vô danh còn lưu lạc trên chiến trường xưa luôn làm cựu chiến binh này ngày đêm trăn trở.
Tự bỏ tiền túi thực hiện ước mơ!
Trò chuyện với PV, đôi mắt ông Bình như đỏ hoe khi nhắc đến những tháng ngày tham gia chiến đấu cũng như băng rừng, lội suối đi tìm hài cốt đồng đội.
Năm 1965, ông Trần Thanh Bình tham gia vào Tiểu đoàn biệt động Lê Độ. Sau khi bị “lộ”, ông Bình thoát ly về phòng 12 thuộc Biệt động tỉnh Quảng Đà. Từ đây, ông kinh qua nhiều vị trí như Trưởng ban Trinh sát Trung đoàn 31, Trung đoàn 141, Đại đội trưởng Đại đội 2 Hòa Vang, Đại đội Đặc công ở cánh trung mặt trận Khu 4...
Đơn vị ông tham gia nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ như trận đánh 3 ngày, 2 đêm chiếm đình Bồ Bản (Hòa Phong, huyện Hòa Vang), tiêu diệt hơn 400 lính Mỹ, diệt gọn Tiểu đội biệt kích ngụy trên hồ Đồng Nghệ (Hòa Khương, Hòa Vang)... Năm 1981 ông làm trưởng phòng khoa học hình sự Viện kiểm sát quân sự Quân khu 5 và nghỉ hưu vào tháng 4/1988.
Cũng chính những trận đánh nảy lửa này, rất nhiều lần ông lặng lẽ tiễn biệt các đồng chí, đồng đội của mình về với đất. “Tôi đã thoát hiểm qua nhiều trận đánh như thế, nên tự hứa với lòng, nếu còn sống, mình phải có trách nhiệm tìm ra các anh để đưa về quê hương cho ấm lòng người đã khuất.
Khi hòa bình lập lại được mấy năm, việc đầu tiên thôi thúc ông phải làm đó là đi tìm hài cốt đồng đội. Biết được điều này, vợ ông, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc (SN 1957, thương binh hạng 4) cũng là đồng chí, đồng đội đã giành lấy gánh nặng “trụ cột”, nuôi 5 người con ăn học để chồng toàn tâm, toàn ý hoàn thành với lời hứa năm xưa.
Cuộc hành trình đầu tiên đi tìm kiếm hài cốt đồng đội bắt đầu vào năm 1982. Hành trang mang theo là những đồng lương ít ỏi và tấm lòng luôn đau đáu với đồng đội.
Với khả năng sử dụng thành thạo máy định vị, “đọc” được bản đồ quân sự (UMT) và biết rõ vị trí mà anh em đã ngã xuống khi tham gia các trận đánh do đơn vị mình thực hiện, được vợ thu xếp chuyện nhà, ông Bình mới nhiều lần cơm đùm, áo gói tìm về lại chiến trường xưa để tìm đồng đội.
Khi nhắc lại, cho đến nay, từng cái tên của hàng chục đơn vị đóng quân tại Hòa Vang vẫn được ông đọc làu làu, chi tiết cả thời gian tham gia lẫn địa điểm chiến đấu.
34 năm trèo đèo lội suối tìm đồng đội
Sau ngày về hưu, ông Bình có thêm thời gian thực hiện ý nguyện tìm hài cốt đồng đội của mình. Nhà tuy còn nghèo, nhưng hàng tháng, ông vẫn quyết dành số lương hưu cộng với chế độ thương binh để thực hiện 2 đến 3 chuyến “về nguồn” tìm lại đồng đội.
Những chuyến đi rừng vất vả, khó khăn nhưng không làm nản lòng người cựu chiến binh này. Trong chuyến hành trình mới nhất của mình lên huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), “lận lưng” được 5 triệu, ông cùng vài người bạn phải cắt rừng lên sát biên giới Việt- Lào, nơi bệnh viện Quân y 79 (Quân khu 5) đóng chân.
Tại đây, để tiết kiệm chi phí, ông cũng không dám thuê người địa phương mà tự khoanh vùng, phát dọn cây cối, lần tìm từng dấu vết dù nhỏ nhất để phát hiện vị trí nơi đồng đội đang nằm. Qua gần 7 ngày đấu cật với gió Lào, đói, sốt rét cùng nhiều khó khăn của cảnh rừng thiêng nước độc, ông đã tập hợp đủ 18 hài cốt liệt sỹ đưa về.
Ông kể, trong một lần, ông nhìn thấy lính Mỹ có 2 thể bài trên người dùng đã xác định, nhận dạng. Ông nghĩ, nếu đồng đội ta hy sinh mà có vật đánh dấu thì sau này sẽ thuận lợi cho việc tìm kiếm. Vì thế, ông đưa ra sáng kiến là dùng lọ thuốc thủy tinh rồi ghi họ tên, quê quán, người thân của mỗi người trên tờ giấy, bỏ vào lọ thuốc để mang bên mình.
Nếu không may hy sinh, chiếc lọ này sẽ được chôn cùng. Tuy nhiên, do bom đạn và thời gian, nhiều khi tìm lại thì “vật đổi sao dời”, nên mọi dấu tích đều bị vùi lấp. Bản thân ông Bình, mặc dù được ví như một bản đồ “sống” nhưng cũng lắm phen ông phải đi về tay không.
Đáng nói, ngoài tìm hài cốt, tìm thân nhân liệt sĩ cũng khó khăn không kém. Như trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Đức Vĩ (quê ở Hà Nội) Lúc ông Vĩ hy sinh, ông Bình là người trực tiếp chôn cất. Sau khi tìm được mộ của liệt sĩ Vĩ, ông Bình lần theo địa chỉ ghi trên tờ giấy bỏ trong bình thuốc để tìm gia đình liệt sĩ Vĩ. Trong tờ giấy này, liệt sĩ Vĩ có ghi địa chỉ của vợ, chị gái, em gái.
Qua tìm kiếm 3 năm trời, ông Bình mới gặp được vợ của ông Vĩ để báo tin cho gia đình. Hay như trường hợp của liệt sĩ Đinh Văn Ngũ (quê ở Thanh Hóa). Ông Bình cũng lần theo địa chỉ về Thanh Hóa tìm gia đình liệt sĩ Ngũ nhưng ở đây gia đình không còn ai.
Mới đây, qua thông tin, ông Đinh Đức Luân (em trai của liệt sĩ Đinh Văn Ngũ, chuyển vào Lâm Đồng sinh sống từ năm 1976) mới biết mộ của anh trai mình đang ở nghĩa trang của Đà Nẵng nên về cất bốc.
Cho đến nay, ông Bình đã tìm được 159 bộ hài cốt được gia đình đưa về quê an táng, Còn 38 hài cốt không có tên và 18 hài cốt có tên nhưng chưa có người nhận đang được chôn cất tại các nghĩa trang trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Nhận xét về ông Trần Thanh Bình, ông Lê Văn Bút- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) cho biết, ông Bình là một người rất nặng tình với đồng đội. Thời gian qua, ông Bình đã rất tích cực trong việc tìm kiếm hài cốt các đồng đội đã hy sinh của mình.