Sôi nổi văn hóa đọc phương Nam
Người Sài Gòn đang đọc sách nhiều hơn, văn hóa đọc phía Nam đang dần bứt phá, vượt lên, nhận định ấy có lẽ phần nhiều xuất phát từ những hoạt động sôi nổi của làng sách phía Nam trong những năm vừa qua.
Thị trường sách phía Nam nhiều năm nay để lại những dấu ấn mạnh mẽ so với cả nước. Sự ra đời của Đường sách TP HCM là một mô hình đặc sắc mang tính tiên phong, giúp “cụ thể hóa” văn hóa đọc của người Sài Gòn. Vốn tiếp nối truyền thống của một đường sách truyền thống tồn tại từ xưa, đường sách Nguyễn Văn Bình đã được xây dựng, làm mới vào năm 2016.
Đường sách thiết kế đẹp, vị trí cực kì hợp lý (nằm trên một con đường nhỏ, rợp bóng mát ngay khu vực trung tâm TP, liền kề các di sản như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP….). Con đường không chỉ là nơi tập trung hầu hết các thương hiệu xuất bản, phát hành sách danh tiếng trong cả nước với những cửa hiệu thiết kế lạ mắt, mà còn là địa điểm trưng bày văn hóa, diễn ra các sự kiện văn hóa thú vị. Đây còn là nơi giải trí, thư giãn kết hợp ẩm thực.
Với nhiều công năng hấp dẫn, kể từ khi ra đời, đường sách đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân TP. Hơn 4 năm sau khi thành lập, đường sách đã trở thành một địa điểm không thể thiếu trong hoạt động giải trí, tinh thần của người dân địa phương và điểm đến thu hút khách du lịch.
Trong 7 ngày diễn ra lễ hội đường sách Tết Canh Tý 2020, tổng doanh thu của các đơn vị đạt hơn 3,6 tỉ đồng, tăng 28,5% so với năm trước. Tính riêng năm 2019, đường sách duy trì ở nhịp độ cao các hoạt động (252 sự kiện), bao gồm: các hoạt động chủ đề, trưng bày, triển lãm sách, các loại hình văn hóa, nghệ thuật và thường xuyên diễn ra giới thiệu sách, giao lưu tác giả, tác phẩm.
Theo thống kê, trung bình đường sách đón 8.500 lượt khách/ngày; trong đó, 30% là du khách nước ngoài. Doanh thu năm 2019 tại Đường sách TPHCM là 44 tỷ đồng, tăng 10,74% so với cùng kỳ năm 2018, tương ứng tăng 4.269 tỷ đồng. Số bản sách bán được là 913.243 cuốn (số tựa sách mới trong năm 2019 là 5.256 tựa), tăng 138.176 cuốn so với năm 2018 (tăng 17.83%).
Những con số đáng mơ ước của ngành sách ấy đã chứng minh sức hút của đường sách, đồng thời cũng cho thấy tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ cũng như sức ảnh hưởng của đường sách đối với thị trường sách và văn hóa đọc của người dân TP.
Người làm sách năng động
Tất nhiên, như đã nói, đường sách chỉ là sự “cụ thể hóa” văn hóa đọc của TP HCM. Đằng sau sự phát triển của thị trường sách cũng như của văn hóa đọc phía Nam trong những năm qua, không thể không nhắc đến những nỗ lực rất lớn của các nhà làm sách. Thị trường sách phía Nam có lợi thế và cũng có sức cạnh tranh rất lớn bởi hàng loạt tên tuổi phát hành sách mạnh tập trung ở đây: Phương Nam, Cty CP Phát hành sách TP HCM (Fahasa), Trí Việt (First News), Văn Lang…
Cạnh đó, trong những năm qua, TP HCM còn chứng kiến sự xuất hiện của không ít đơn vị phát hành mới, trẻ như Sài Gòn Books, AnBooks… Các đơn vị phát hành phía Nam là những đơn vị đầy năng động trong ngành làm sách. Với họ, việc phát hành sách không còn gói gọn ở phong cách truyền thống, mà có nhiều “chiêu thức” mới mẻ trong việc đem sách tiếp cận với bạn đọc.
Đường sách TP HCM, một điểm đến của người yêu sách. |
Các buổi ra mắt sách, những sự kiện triển lãm, giao lưu cả offline lẫn online. Fahasa thời gian này tăng cường tương tác với người yêu sách trên mạng xã hội với các trò chơi, cuộc thi tặng sách. Trí Việt nổi tiếng với loạt sách về tâm hồn, dạy làm người và đơn vị này từng tổ chức giao lưu, tặng sách cho… các tù nhân.
AnBooks, một đơn vị làm sách mới toanh ra mắt cách đây vài năm, khi phát hành quyển sách đầu tay có lượng sách bán ế ẩm, đơn vị này đã thực hiện các books tour trên cả nước, hướng đến đối tượng sinh viên, giao lưu với tác giả, là một doanh nhân, để rồi lượng phát hành tăng vọt…
TP HCM những năm qua ghi nhận nhiều hoạt động sôi nổi của ngành sách. Mà sự kiện nổi bật hàng đầu có lẽ phải kể đến Hội sách TP HCM, tổ chức cách năm một lần. Đây quả thật là ngày hội của người làm sách và người đọc sách với việc trưng bày, triển lãm, bán sách số lượng khủng. Cùng với đó là các hoạt động khuyến mãi, tặng sách, giao lưu văn hóa nghệ thuật, giao lưu tác giả độc giả…
Lần tổ chức gần đây nhất, năm 2018, Hội sách TP HCM đạt con số kỉ lục 5 tỉ đồng ngay trong ngày đầu tổ chức, và 60 tỉ đồng tổng doanh thu, với hàng triệu lượt người đến tham dự. Tiếc rằng, Hội sách TP HCM năm 2020 hiện đang tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch, nếu không, có lẽ con số tiêu thụ sách lẫn người tham dự có lẽ còn “khủng” hơn.
Có thể thấy, với hoạt động mạnh mẽ, sự năng động, ưa đổi mới, làng sách phía Nam đã giúp cho thị trường sách khởi sắc. Gần chục năm về trước, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định rằng, sách in đang chết dần vì thời cuộc, vì phải đối mặt với sự cạnh tranh không hề nhỏ của sách công nghệ. Quả thực, những năm gần đây, sự ra đời của sách điện tử, audio books với sự tiện dụng khiến thị trường sách gặp không ít khó khăn.
Nhưng càng trong khó khăn, người làm sách càng có nhiều nỗ lực, đổi mới để tự cứu mình. Vô hình trung, chính sự khó khăn và cạnh tranh lại thúc đẩy sáng tạo, khiến cho sách in thay đổi cách làm truyền thống, được đổi mới cả nội dung, hình thức lẫn cách tiếp cận bạn đọc. Thế là, người đọc là người được lợi nhất.
Người Việt đang đọc nhiều sách dần lên
Một điều đáng mừng, theo sự ghi nhận của các đơn vị làm sách tại TP HCM, lực lượng đọc sách đang “trẻ hóa”. Người trẻ đọc sách nhiều hơn, quan tâm đến sách hơn, dĩ nhiên cũng đến từ sự thức thời, năng động nắm bắt thị hiếu, chịu đổi mới của giới làm sách. Năm 2019, khảo sát “Niềm tin và thói quen đọc sách của giới trẻ TP HCM” do Hội xuất bản Việt Nam tổ chức đã diễn ra.
Với 1.600 phiếu khảo sát được thực hiện trên nhiều đối tượng trẻ từ tiểu học đến phụ huynh, kết quả cho thấy: Có 42% học sinh cấp 1, và 36% học sinh cấp 2 được hỏi đã trả lời là có thích đọc sách theo cấp độ là từ mê đọc đến thích đọc. Có 86% học sinh cấp 1 và 95% học sinh cấp 2 cho rằng việc đọc sách cần thiết cho việc học theo các mức độ rất cần thiết, cần thiết và đôi khi cần thiết. Học sinh cấp 3 được hỏi đồng ý đọc sách là niềm yêu thích. 73% đồng ý cho rằng việc đọc giúp phát triển trí tuệ của bản thân.
Với sinh viên cao đẳng, đại học, kết quả cho thấy: 58% bạn được hỏi cho rằng việc đọc là niềm vui thích. 34% cho rằng đọc sách còn có mục đích phát triển tinh thần. 33% đồng ý người đọc sách thường xuyên hạnh phúc hơn, hài lòng với cuộc sống hơn, có nhiều khả năng cảm thấy những chuyện mình làm trong cuộc sống đáng giá hơn. 72% sinh viên được hỏi trả lời rằng một cuốn sách hay, một câu châm ngôn, một lời nói hay ảnh hưởng đến việc đọc của mình.
Khảo sát không phản ánh tất cả, nhưng cũng phần nào cho thấy tín hiệu đáng mừng về tư duy, nhận thức trong việc đọc sách của giới trẻ. Một bằng chứng cụ thể hơn, nếu lang thang đường sách bất kể ngày thường hay cuối tuần, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những người trẻ đang mua sách, đọc sách tại chỗ. Đời sống đô thị hiện đại với nhịp sống quay cuồng, lại bỗng khiến giới trẻ muốn tìm về hơn với những giá trị của tâm hồn, với lối sống chậm rãi, bình yên.
Nhưng, theo một chuyên gia trong ngành sách, thì với số liệu cụ thể về lượng sách tiêu thụ của cả ba miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, văn hóa đọc tăng trưởng không chỉ ở phía Nam. Cả hai miền Bắc và Trung, đặc biệt phía Bắc cũng có lượng tiêu thụ sách tăng không nhỏ trong những năm gần đây. Chỉ là do hoạt động làm sách phía Nam sôi động nên nhìn vào dễ “choáng ngợp” hơn. Chuyên gia này nhận định, văn hóa đọc đang có sự chuyển động sâu về chất và người Việt đang đọc sách nhiều hơn trên cả nước.
Người Việt đang đọc sách nhiều hơn trên cả nước! Đó quả là một nhận định dáng mừng làm sao giữa thời buổi công nghệ này. Trước đó, năm 2016, một khảo sát quốc tế đưa ra kết quả, người Việt thuộc trong số những quốc gia ít đọc sách với 26% dân số không bao giờ đọc sách. Điều này đã làm dấy lên mối lo lớn về sự suy giảm văn hóa đọc của người Việt. Nhưng với những gì đang diễn ra, có lẽ chúng ta sẽ bớt lo về điều này.
Đô thị phương Nam phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa. Mong rằng, văn hóa đọc miền đất phương Nam cũng luôn đổi mới, sôi động như thế, để làm liều thuốc kích hoạt tinh thần cho niềm yêu thích đọc sách của người đọc cả nước.