Bùi Viện được biết đến không chỉ đơn thuần là một nhà nho, mà còn là một nhà chính trị, kiêm nhà kinh tế, nhà hàng hải, và đặc biệt là nhà ngoại giao, đã đi khắp bốn biển năm châu những lo cho nước nhà qua vận bĩ.
Chẳng thể mãi “bế quan, tỏa cảng”
Nước Đại Nam vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, đương thời trị vì của vua Tự Đức. Trong khi người Tây phương đã vượt trước phương Đông một chặng đường xa về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, thì căn Nho vẫn đang chi phối xã hội nước Nam.
Chính sách “bế quan, tỏa cảng” của triều đình làm ngăn trở sự giao thương buôn bán, cũng là làm mất đi cơ hội thay đổi hiện trạng đất nước bấy giờ. Sự lạc hậu, cũ kỹ đến từ tư tưởng cho đến kinh tế, xã hội.
Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản phương Tây kéo theo nhiều nhu cầu khác nhau về thị trường tiêu thụ hàng hóa, về nguồn nguyên liệu phát triển kinh tế, về nguồn nhân công lao động… và đó chính là những lý do khách quan dẫn tới tiếng súng Pháp – Tây Ban Nha vang lên nơi cửa bể Đà Nẵng năm Mậu Ngọ (1858).
Chẳng lâu sau, Gia Định thất thủ, rồi người Pháp cứ dần lấn tới, mà triều đình nhà Nguyễn thì nhu nhược, chống giặc yếu ớt, dẫn đến cái Hòa ước Nhâm Tuất (1862) cắt phăng 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho giặc.
Nhưng miếng mồi béo bở ăn mới một góc thì sao thỏa cơn thèm, những bước lấn tới về sau của thực dân Pháp ngày càng nhiều hơn, tham lam hơn. Chống lại tàu đồng, súng ống hiện đại hơn, đội quân nhà Nguyễn với trang bị cũ kỹ, tinh thần bạc nhược, phương lược nhà binh thiếu đổi mới, dĩ nhiên là cứ lùi bước dần.
Còn nhà Nguyễn, đứng đầu là vua Tự Đức, thì nhấp nhổm không yên với họa xâm lăng từ kẻ thù xa lạ, nên ngoài việc đưa quân cự chiến, thì việc thấy rõ việc mình sút kém hơn người, cũng dẫn đến yêu cầu phải đổi mới, canh tân, phải học hỏi để tiến bước so với thiên hạ, những mong xoay chuyển được cục diện địch ta.
Bởi vậy nên, dù là vị vua xuất thân Nho học truyền thống cùng triều đình toàn văn quan, võ tướng theo tư tưởng Khổng giáo, nhưng đa phần đều nhận thấy phải thay đổi. Và thế là, một cuộc vọng ngoại được thực hiện, dẫu còn tự phát, manh mún, nhưng đã có.
|
Từ đường họ Bùi ở Trình Phố thờ Bùi Viện |
Vọng ngoại cầu an
Trước thế nước lung lay dữ dội bởi ngoại xâm, vua Tự Đức phái sứ thần đi giao thiệp với nhiều nước phương Tây như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, rồi cả Tàu, Xiêm… Vua còn cho dịch sách của các nước phương Tây chuyên về các món khảo cứu như đạn dược, cơ khí, binh bị… ra chữ Hán và phát cho triều thần, những mong cho họ cập nhật được kiến thức tân tiến của thế giới.
Không chỉ thế, nhà Nguyễn còn nhìn xa hơn, nghĩ tới việc đào tạo nhân lực căn bản. Bởi thế nên nhiều thanh niên được phái ra nước ngoài du học, đơn cử như “Quốc triều chánh biên toát yếu” ghi:
“Tháng 10 năm Tự Đức thứ 31, triều đình thi hành nghị định cho con em các quan trên dưới 20 tuổi được sang Hương Cảng và sang Tây du học, tiền lộ phí Nhà nước chịu; hạn 5 năm thì trở về nước: người nào học được một thứ tiếng và một nghề như đóng tàu, khai mỏ hay luyện quân chẳng hạn thì được đãi ngang với tú tài bổ cửu phẩm; người nào học được hai thứ tiếng và hai nghề thì đãi ngang với cử nhân không có phân số; người nào học được ba thứ tiếng và ba nghề thì đãi như cử nhân có phân số, đều bổ ra làm quan cả”.
Trong thực tế, quả là đã có một số thanh niên nước Nam ra nước ngoài du học dưới sự bảo trợ của triều đình. Ví như năm Canh Thìn (1880) một đoàn cửu phẩm y sinh được phái sang Hương Cảng học về chủng đậu của người Anh. Hay năm Tân Tỵ (1881), Lễ bộ Thị lang Phạm Bính được giao trách nhiệm đem theo 12 thanh niên sang Hương Cảng nhờ người Tàu tên Thạch Thanh Tuyền nhận cho vào học tại trường của người Anh…
Những hành động vọng ngoại, cầu tiến trên của triều Tự Đức, là một góc nhìn khác về nhà Nguyễn, bởi vua Tự Đức “nghĩ rằng trong khoảng hai triều Minh Mệnh và Thiệu Trị thường phái thương thuyền ra ngoại quốc để mua hàng hóa và thám sát. Nhưng gần đây, việc đó bị đình chỉ, thành ra không biết gì nữa về hành vi của hai liệt quốc nên lại hạ lệnh cho Viện Thương bạc hợp với hai bộ Hộ và Công xem xét để sang năm cho người đi ngoại quốc”. Trong số những người ra nước ngoài dưới thời vua Tự Đức vì việc ích nước, lợi dân, ta không thể không nói đến Bùi Viện.
Thân thế họ Bùi
Nói về thân thế Bùi Viện, trong “Việt Nam danh nhân từ điển” cho hay, ông có hiệu là Mạnh Dực, một lương thần trong thời trị vì của vua Tự Đức. Cha Bùi Viện, được sách “Bùi Viện với công cuộc duy tân của triều Tự Đức” lưu ý, là nhà nho nghèo, kiếm sống bằng nghề dạy học. Cũng bởi thế, anh em Bùi Viện mới bén duyên với nghiệp bút nghiên.
Quê quán của họ Bùi, được “Thành ngữ, điển tích danh nhân từ điển” ghi, thuộc làng Trình Phố, huyện Trực Định, thuộc tỉnh Thái Bình. Nơi ấy, nay là Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải. Con đường quan lộ của Bùi Viện, trước hết cũng như nhiều bậc sĩ phu trong xã hội chuộng Nho gia của nước Việt, lại kinh qua việc sôi kinh, nấu sử. Khoa thi Hương năm Mậu Thìn (1868), là ân khoa thời vua Tự Đức, anh em Bùi Viện cùng nhau lều chõng đi thi, tranh tài cao thấp bút nghiên nơi trường thi Nam Định.
Năm ấy, theo “Quốc triều Hương khoa lục” thì trường thi Nam Định lấy đỗ 22 người. Trong đó có Bùi Viện và em là Bùi Bổng (Phan Trần Chúc thì ghi là Bùi Phủng). Sách này chép “Bùi Viện (Anh em cùng thi đậu). Người xã Trình Phố huyện Chân Ninh. Em Bùi Bổng”. Từ sau lần đăng khoa ấy, họ Bùi tham gia đội ngũ quan lại nhà Nguyễn, để về sau, tên tuổi được lưu lại ở đời.
Bước ban đầu khi ở Huế, Bùi Viện tập văn tại Quốc Tử Giám. Chức Tế tửu Quốc Tử Giám khi ấy do Trạng Bồng Vũ Duy Thanh nắm, mà cha Bùi Viện lại là bạn đồng môn với Tế tửu, nên Viện được ủy thác cho quan họ Vũ trông nom.
Bấy giờ, có quan Tham tri bộ Lễ là Lê Tuấn thường qua lại nhà Vũ Duy Thanh, Bùi Viện lại đang ngụ ở đây. Thế là trong lúc mạn đàm, quan Tham tri họ Lê thường hỏi Bùi Viện về tình hình Bắc Kỳ. Họ Bùi nhất nhất đem những hiểu biết thực tế của bản thân mà tỏ bày, nên được Lê Tuấn tin yêu, để ý việc cất nhắc về sau. Và rồi cơ hội để thi thố tài năng của họ Bùi cũng đến không lâu sau đó.
Lần đầu tiên họ Bùi góp công đền ơn vua, ấy là khi triều đình dẹp loạn giặc giã nổi lên ở Bắc Kỳ. Lúc ấy, ngoài dư đảng Thái Bình thiên quốc gây cho dân Việt bao nỗi thê lương nơi biên giới với bọn Cờ đen, Cờ vàng, thì những quản Uy, quản Thỏa, quản Cáo… nhất là Quận Tề làm cho quan quân triều đình nhiều phen đánh dẹp mà không xong. Thế rồi, Tham tri bộ Lễ Lê Tuấn được phái ra Bắc Kỳ làm Thị sư đốc quân. Nhưng Tuấn vốn gốc Trung Kỳ, không hiểu nhiều miệt ngoài. Vậy là Bùi Viện được chọn.
Ban đầu, họ Bùi được giao việc tiếp tế quân lương, bởi khéo thu xếp nên giúp việc hậu cần cho quân binh được yên ổn. Lê Tuấn thấy ông có năng lực, bèn giao cho ông việc do thám nội tình quân địch, nhờ đó, góp công to lớn cho việc đánh tan quản Uy, quản Cáo. Quan quân triều đình ca khúc khải hoàn, còn Bùi Viện thì “Gánh nặng hai vai đạo hiếu trung”, hẳn càng thêm nặng về sau.../.