Người Việt đầu tiên xưng đế

(PLO) - Chúng tôi đang muốn nhắc tới Lý Nam Đế, ông là người Việt đầu tiên xưng đế, vị Vua đầu tiên nhà Tiền Lý, lập ra Nhà nước Vạn Xuân với ước vọng xã tắc truyền tới muôn đời.
Hội thảo bàn về vương triều Tiền Lý và quê hương Lý Nam Đế
Hội thảo bàn về vương triều Tiền Lý và quê hương Lý Nam Đế

Thoát khỏi ách Bắc thuộc

Trước tiên xin cắt ngang lịch sử Trung Hoa điểm lại các cột mốc để thấy rõ tình hình bấy giờ. Ở Trung Hoa, tới đời nhà Tấn sau khi đánh bại các quân Ngụy, Thục, Ngô đã cử họ hàng sang trấn giữ đất Giao Châu ((gồm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ của Việt Nam ngày nay và một phần đất Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc).

Tuy nhiên cũng như các đời vua trước, các thân vương liên tục dấy binh chém giết lẫn nhau khiến dân chúng lầm than. Sau nhà Tấn đến lượt nhà Tề rồi nhà Lương cai trị đất Giao Châu. Nhà Lương sai Tiêu Tư sang làm Thứ sử cai trị đất Giao Châu, áp dụng các biện pháp hà khắc khiến dân chúng khổ cực, người người oán giận.

Lý Nam Đế- Hoàng đế đầu tiên nước ta

Lý Nam Đế- Hoàng đế đầu tiên nước ta

Năm 542 ở đất Giao Châu xuất hiện người anh hùng văn võ song toàn đứng lên lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Ông chính là Lý Nam Đế (503-548). Ông tên thật là Lý Bí, còn gọi là Lý Bôn, theo nhiều tài liệu chép là người Thái Bình, phủ Long Hưng. Địa danh Thái Bình theo sách Cương mục và Đại việt sử ký toàn thư được đặt từ năm Vũ Đức thứ 4 (621), thời nhà Đường, tên gọi Long Hưng đặt từ thời nhà Trần. Còn theo sách Việt Nam sử lược, phủ Long Hưng thuộc tỉnh Sơn Tây. Còn theo Đại Việt sử ký toàn thư ông là người Thái Bình, tuy nhiên, quê hương của Lý Nam Đế vẫn chưa được xác định chắc chắn vì thời đó, Thái Bình còn là biển.

Về tổ tiên của Lý Bí có nhiều sử sách chép lại khác nhau, có sách ghi tổ tiên Lý Bí là người Trung Quốc, cuối thời Tây Hán lánh sang Việt Nam để trốn tránh nạn binh đao, ông là con cháu đời thứ 7 họ Lý. Còn sách “Văn minh Đại Việt” căn cứ vào gia phả cho rằng Lý Bí là con cháu đời thứ 11 của họ Lý từ khi sang Việt Nam. Tuy nhiên cũng có tài liệu nói rằng Lý Bí là con của Lý Toản, người Ái Châu, Thanh Hóa. Từ nhỏ Lý Bí đã thông minh, hiểu biết. Cha mất lúc 5 tuổi, mẹ mất năm 7 tuổi nên Lý Bí chuyển đến ở với chú ruột. Một hôm có vị thiền sư đi ngang thấy chàng trai khôi ngô tuấn tú bèn xin Lý Bí về nuôi dạy. Sau mười năm chàng trai trở thành người văn võ song toàn, hiểu biết rộng và được tôn làm thủ lĩnh địa phương.

Năn 2012, nhân dịp kỷ niệm 1.470 năm khởi nghĩa Lý Bí bùng nổ, tại Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo khoa học “Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê hương của Vua Lý Nam Đế” với sự tham dự của đông đảo các nhà sử học, nhà khoa học.

Dựa trên cơ sở tư liệu điền dã thực địa ở các vùng xã Tiên Phong (Phổ Yên, Thái Nguyên), Thái Thụy (Thái Bình), kết hợp với thần tích, truyền thuyết… còn lưu giữ tại các xã Giang Xá, Lưu Xá (Hoài Đức, Hà Nội), các nhà khoa học đưa ra kết luận Lý Nam Đế có quê gốc ở xã Tiên Phong (Thái Nguyên). Ông là con của một hào trưởng nhưng sớm mồ côi cha mẹ nên được một thiền sư đưa về chùa nuôi dạy. Lý Bí vì thế trở thành người học rộng, hiểu sâu, thiên tư lỗi lạc, có tài văn võ. Ông làm quan dưới thời nhà Lương (triều đình phương Bắc), nhưng bất bình với sự cai trị tàn ác nên bỏ mũ áo, mưu việc dấy binh.

Trở lại dòng chảy lịch sử, năm 541, Thứ sử Giao Châu của nhà Lương là Tiêu Tư hà khắc tàn bạo khiến lòng dân oán thán, phía Nam lại có giặc Lâm Ấp quấy phá khiến dân chúng khổ cực trăm bề. Không chịu cảnh xiềng xích đô hộ, tháng giêng năm 542, Lý Bí tập hợp lực lượng khởi binh tấn công giặc. Với khí thế hừng hực, uân khởi nghĩa đánh đâu thắng đó khiến Thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ vội bỏ chạy về nước thoát thân. Không đầy 3 tháng, quân của Lý Bí đã chiếm được hầu hết các quận, huyện và thành Long Biên. Năm sau, Vua Lương điều binh mã sang xâm lược lần nữa nhưng quân Lý Bí chủ động tấn công trước, tiêu diệt bảy, tám phần lực lượng địch. Ở phía Nam, tháng 4/543, quân Lâm Ấp (tiền thân của nhà nước Chămpa) đánh chiếm Giao Châu nhưng cũng bị tướng Phạm Tu của Lý Bí đánh tan.

Sau khi dẹp yên bờ cõi, tháng giêng năm 544, Lý Bí xưng là Nam Việt Đế, lập trăm quan, lấy niên hiệu Thiên Đức, đặt tên nước Vạn Xuân thể hiện ước vọng xã tắc truyền tới muôn đời. Lý Bí là người Việt Nam đầu tiên xưng hoàng đế, tuyên bố chủ quyền độc lập với các triều đại phương Bắc.

Ý chí độc lập dân tộc

Các nhà sử học đã có nhiều phân tích cho thấy ý thức tự tôn dân tộc của người xưng đế đầu tiên nước ta. Sau khi xưng là Nam Việt Đế, Lý Bí đã bãi bỏ lịch Trung Quốc, lấy niên hiệu riêng, đúc tiền riêng. Ý thức tự tôn của ông còn thể hiện ngay trong cụm từ Nam Việt Đế, ở đây Lý Bí đã lấy Nam đối với Bắc, lấy Việt đối sánh với Hoa cho thấy sự trưởng thành trong ý thức dân tộc, lòng tự tin ở khả năng tự vươn lên, phát triển độc lập.

Nhà nước Vạn Xuân sau khi thành lập đã xây dựng một ngôi chùa lớn, sau này trở thành trung tâm phật giáo và phật học lớn của Việt Nam. Đó là chùa Khai Quốc, tiền thân chùa Trấn Quốc ở Hà Nội hiện nay. Các nhà sử học đánh giá ngay tên gọi “chùa mở nước” cũng đã hàm chứa nhiều ý nghĩa. 

Đầu năm 545, nhà Lương lại mở cuộc xâm lược Vạn Xuân, quân Vạn Xuân có khoảng vài vạn người kiên cường giữ thành ở cửa sông Tô Lịch, chiến đấu chống giặc đến cùng. Do quân giặc quá mạnh, Lý Nam Đế phải rút quân về giữ thành Gia Ninh ở ngã ba sông Trung Hà- Việt Trì (Phú Thọ). Cục diện cố thủ của Lý Nam Đế ở thành Gia Ninh kéo dài suốt mùa khô năm 545. Sang tháng 2/546 quân địch hạ được thành Gia Ninh, Lý Nam Đế cùng tướng lĩnh rút lui vào vùng rừng núi Việt Bắc, vừa mộ thêm nghĩa quân vừa củng cố lực lượng.

Đền thờ Lý Nam Đế ở Thái Bình
Đền thờ Lý Nam Đế ở Thái Bình

Sau thời gian dài chỉnh đốn lực lượng, tháng 10/546, Lý Nam Đế kéo quân ra hạ thủy trại bên hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay), đóng nhiều thuyền đậu chật cả mặt hồ. Quân Lương sợ, cứ đóng lại ở cửa hồ không dám tiến vào. Đêm hôm ấy nước sông lên mạnh, dâng cao 7 thước, tràn đổ vào hồ. Trần Bá Tiên nhân đó đem quân theo dòng nước tiến trước vào. Quân Vạn Xuân không phòng bị, vì thế tan vỡ. Đây là trận đánh lớn cuối cùng của Lý Nam Đế. Sau đó ông vào nương náu trong động Khuất Lão. Ngày nay, các sử gia trong hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã thống nhất xác định địa danh động Khuất Lão thuộc địa bàn xã Văn Lương, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ. 

Theo sử chép, từ sau khi rút về động Khuất Lão, Lý Nam Đế bị đau yếu, hai năm sau ông mất (548). Ông ở ngôi được 5 năm (543-548), thọ 46 tuổi. Theo sách “Việt Nam văn minh sử cương” của Lê Văn Siêu dẫn một số nguồn tài liệu cổ, Lý Nam Đế ở lâu ngày trong động, vì nhiễm lam chướng nên bị mù hai mắt. Vì vậy đời sau đến ngày giỗ thường phải xướng tên các đồ lễ để vua nghe thấy. Cũng theo tài liệu này, có thuyết cho rằng không phải Lý Nam Đế ốm chết mà vua bị kẻ làm phản giết hại. Tướng Lý Phục Man cũng mất theo vua vì nạn này. Cuộc kháng chiến chống ách Bắc thuộc của người Việt sau đó được tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Triệu Quang Phục, một tướng cũ của Lý Bí với căn cứ khởi nghĩa ở đầm Dạ Trạch. (còn tiếp)

 “Lý Bí - Lý Nam Đế là Hoàng đế đầu tiên của nước ta. Ông lập một triều đình riêng là sự khẳng định chủ quyền độc lập, bền vững muôn đời của dân tộc ta. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người Việt tự xây dựng cho mình một cơ cấu nhà nước mới theo chế độ tập quyền trung ương”, sách 54 vị hoàng đế Việt Nam viết.

Đọc thêm