'Người Việt đều ghi nhớ - mình là con Rồng, cháu Tiên'

(PLVN) - Văn hóa Việt Nam suốt một ngàn năm Bắc thuộc và các cuộc chiến tranh liên miên đã thừa hưởng và chịu sự chi phối của nhiều nền văn hóa lớn, song chủ yếu là từ Trung Hoa và phương Tây… Thế nhưng, điều kì diệu, văn hóa Việt luôn giữ được bản sắc và đầy sáng tạo, bởi mỗi con người luôn có ý thức tự tôn dân tộc, ý thức từ hai chữ “đồng bào”,  từ bọc trứng nguồn cội của mẹ Âu Cơ…
Ý thức nguồn cội đã “định vị” người Việt trong thế giới phẳng. Ảnh minh họa.

“Tiếng ta còn thì nước ta còn”

Trong lịch sử, các nền văn hóa yếu thường bị nền văn hóa mạnh đồng hóa. Thời cổ, Trung Quốc là quốc gia đông người nhất và có nền văn minh tiên tiến nhất châu Á. Dân tộc Hồi ở phía Tây nước này, xưa dùng chữ Ả Rập, sau nhiều năm giao lưu với người Hán đã dùng chữ Hán và nói tiếng Hán. Ngay cả các dân tộc nhỏ nhưng mạnh về quân sự, sau khi thôn tính và thống trị Trung Quốc được ít lâu cũng bị nền văn hóa Hán ngữ đồng hóa.

Thế nhưng sau hơn 1.000 năm bị phong kiến người Hán thống trị và cưỡng bức đồng hóa, dân tộc Việt Nam vẫn không bị Hán hóa, vẫn giữ nguyên được nòi giống, tiếng nói và phong tục tập quán. Thực tế, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tổ tiên ta giành được thắng lợi chống đồng hóa không phải bằng đấu tranh vũ trang mà chủ yếu bằng tài trí.

Họ đã tìm ra cách giữ gìn được tiếng nói của dân tộc mình trong quá trình bị thống trị, cưỡng bức học chữ Hán. Mấy nghìn năm sau, một học giả lớn của dân tộc ta tóm tắt bài học lịch sử này trong một câu nói thấm đẫm lòng tự hào dân tộc: “Tiếng ta còn thì nước ta còn!”.

Sau khi chiếm nước ta (203 tr.CN), Triệu Đà đã ép buộc dân ta học Hán ngữ, nhằm đồng hóa họ bằng ngôn ngữ. Về sau, tất cả các triều đại người Hán cai trị Việt Nam đều thi hành chính sách này. Triều nhà Minh còn tìm cách tiêu diệt nền văn hóa của ta, như tiêu hủy toàn bộ các thư tịch do người Việt viết, bắt nhân tài, thợ giỏi người Việt sang Trung Hoa phục dịch.

Như vậy, dân tộc ta buộc phải chấp nhận học chữ Hán từ rất sớm (trước Triều Tiên, Nhật Bản nhiều thế kỷ). Do hiểu biết người Hán nên tầng lớp tinh hoa người Việt đã nhanh chóng nhận ra, nếu cứ học như thế thì cuối cùng tiếng Việt sẽ bị thay bằng tiếng Hán, dân ta sẽ trở thành một bộ phận của Trung Quốc.

Tuy nhiên, chữ Hán thời ấy khi vào Việt Nam còn chưa có tên nên tổ tiên ta bèn đặt cho nó cái tên là chữ Nho, với ý nghĩa là chữ của người có học. Dân ta gọi người dạy chữ là thầy đồ Nho, bút và mực họ dùng để viết chữ là bút Nho và mực Nho.

Trong khi, Hán ngữ xưa nay chưa hề có khái niệm chữ Nho, tất cả từ điển Hán ngữ cổ hoặc hiện đại và các từ điển Hán - Việt đều không có mục từ Nho tự  với ý nghĩa là tên gọi của chữ Hán.

Và như vậy, dân ta phải biết chữ Hán như một thứ ngoại ngữ. Song để dân chúng học và dùng được một ngoại ngữ là việc hoàn toàn bất khả thi. Hơn nữa, chữ Hán cổ khó đọc (vì không biểu âm), khó viết (vì có nhiều nét và cấu tạo phức tạp), khó nhớ (vì có quá nhiều chữ), thuộc loại chữ khó học nhất trên thế giới.

Ngoài ra, Trung Quốc là một nước rộng lớn, đông dân, tới trước nửa cuối thế kỷ 20, cả nước vẫn chưa thống nhất được âm đọc của chữ. Loại chữ này chỉ thể hiện ý nghĩa, không thể hiện âm đọc, cho nên nhìn chữ mà không biết cách đọc. Người dân các vùng xa nhau thường đọc chữ Hán theo âm khác nhau, thậm chí khác xa nhau, vì thế thường không hiểu nhau nói gì. 

Và để có thể học được chữ Hán mà không cần đọc âm tiếng Hán, tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta đã sáng tạo ra một giải pháp xuất phát từ ý tưởng: nếu người Hán khác vùng có thể tự đọc chữ Hán theo âm riêng của vùng thì ta cũng có thể đọc chữ Hán theo âm riêng của người Việt.

Nhà nghiên cứu Trần Gia Ninh đã lý giải: Thời Bắc thuộc, người Việt có thể không có chữ viết, hoặc có thể đã có chữ viết nhưng bị xóa sạch qua 1.000 năm bị Bắc thuộc. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là họ vẫn giữ được ngôn ngữ (tức là kho từ vựng, phát âm, ngữ pháp, cấu trúc) Việt.

Người Việt khá thông minh. Họ đã học chữ của người Hán để lưu giữ tiếng nói của dân tộc mình, giữ nguyên cách tư duy ngôn ngữ của mình, bởi vì ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Họ khôn khéo biến “kho” Hán ngữ thành “kho” Hán - Việt để làm giàu thêm ngôn ngữ của mình.

Có thể thấy, nhiều từ mà chúng ta vẫn thường dùng bây giờ như vô duyên, lãng mạn, bá đạo, triền miên, mạch lạc, la liệt... là từ gốc Hán 100% trong kho tàng Hán - Việt mà ông cha ta đã thu thập để thành vốn từ Việt.

Ý thức nguồn cội đã “định vị” chúng ta

Theo GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, sở dĩ chúng ta giữ được bản sắc văn hóa Việt chính bởi lòng tự tôn, ý thức dân tộc. Các nhà nghiên cứu về Việt Nam đều cho rằng, thời đại các Vua Hùng và kế tiếp là An Dương 

Vương (khoảng giữa thiên niên kỷ II đến thiên niên kỷ I trước Công nguyên), mà cái nền vật chất của nó là văn minh Ðông Sơn là thời kỳ hình thành tộc người Việt cổ, những nền tảng của văn hóa truyền thống và hình thành quốc gia dân tộc đầu tiên: Văn Lang - Âu Lạc. Bởi vậy, người Việt Nam, dù già hay trẻ, trai hay gái đều ghi nhớ trong lòng mình là con Rồng, cháu Tiên, cùng máu đỏ, da vàng, cùng sinh ra từ “một bọc” (đồng bào), cùng quê hương đất Tổ.

Từ thời đại các Vua Hùng đến nay, các danh xưng Lạc Long Quân - Âu Cơ, Quốc Tổ Hùng Vương, Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Ðồng Tử - Tiên Dung đã trở thành các biểu tượng lịch sử, văn hóa, trong đó chứa đựng hệ ý thức đầu tiên của dân tộc ta. Ðó là ý thức về cội nguồn, về đất nước, hun đúc lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm, xây dựng xã hội hài hòa, tự do, hạnh phúc.

Hệ ý thức này có giá trị vô cùng to lớn tạo nên sức mạnh của dân tộc, đưa đất nước vượt qua mọi trở ngại. Ðó chính là minh triết của dân tộc. Một hệ ý thức minh triết chứa đựng những ý nghĩa vô cùng to lớn, quan trọng như vậy, nhưng cha ông ta lại ký thác vào những huyền thoại, truyền thuyết mang đầy thi hứng.

Nhờ vào đôi cánh của huyền thoại mà ý thức cội nguồn, sức mạnh to lớn ấy theo thời gian cứ thấm tới mọi con dân đất Việt từ xa xưa tới ngày nay, ở bất cứ không gian, môi trường sống nào. Ðó cũng là tinh thần để “định vị” con người Việt Nam trong thế giới phẳng, trong xã hội toàn cầu.

Về mặt văn hóa phi vật thể, ta đã du nhập và cải biến nhiều thứ của Trung Quốc. Ta đã học chữ Hán nhưng cũng tạo ra chữ Nôm và các từ Hán - Việt. Khổng học và Phật học mang những nét Việt hóa, kể cả những thể chế, lễ nghi, tập quán gốc Trung Quốc. Làng xã là nơi chính quyền thực dân (Trung Quốc và sau này cả Pháp) không với tới, do đó là đồn lũy bảo tồn gốc dân tộc với những công trình tôn giáo (chùa, đền, đình...) dân gian.

Vào thế kỷ 17, các giáo sĩ phương Tây, đặc biệt một giáo sĩ Pháp đặt ra chữ Quốc Ngữ để truyền đạo Thiên chúa ở ta. Khi thực dân Pháp chiếm nước ta, ý đồ của họ là dạy chữ Quốc Ngữ để phục vụ mục đích cai trị của họ. Những người yêu nước Việt Nam sử dụng Quốc Ngữ để truyền bá lòng yêu nước, đấu tranh cho độc lập, xây dựng một nền khoa học Việt Nam. Đó là vai trò cá nhân khác nhau trong tiếp biến văn hóa.

Ở Việt Nam, thời kỳ “hiện đại hóa” lần thứ nhất là thời kỳ Pháp thuộc. Nhưng do chịu tác động phương Tây thời kỳ này chủ yếu là xã hội thị dân một số thành phố lớn, nên Việt Nam vẫn còn là một nước thuộc địa bán phong kiến. Từ những năm 20-30 thế kỷ 20, song song với đối đầu văn hóa, có hiện tượng đối thoại văn hóa.

Các nhà nho hiện đại như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, các trí thức mới như Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn, Nhất Linh... muốn đưa khoa học và dân chủ phương Tây vào. Khái niệm “cái tôi” của phương Tây và đặc biệt chủ nghĩa lãng mạn Pháp đã giúp tạo ra Thơ mới và cả một dòng văn học Việt Nam.

Chính phủ thuộc địa Pháp mở các trường đại học nhằm đào tạo người bản xứ phục vụ công cuộc cai trị. Việc thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương không thể nằm ngoài ý đồ ấy. Nhưng Tardieu và Nam Sơn đã hợp tác với nhau (đối thoại văn hóa Đông - Tây) để tạo ra một nền hội họa Việt Nam hiện đại.

Cùng với đó, từ khi phương Tây vào Việt Nam thì cùng lúc trang phục kiểu phương Tây và thời trang của họ cũng bắt đầu hiện diện ở Việt Nam và từ từ được người Việt Nam tiếp nhận càng ngày càng mạnh mẽ từ quần Tây áo Veston, quần Jean, Jupe, giày dép,v.v…

Đây thực sự là một sự tiếp nhận trọn vẹn chứ không phải là ảnh hưởng. Còn sự ảnh hưởng văn hóa phương Tây và kết quả đầu tiên của nó là vào những năm 30 của thế kỷ 20 này chiếc áo dài cổ truyền Việt Nam đã được cải tiến thành áo dài tân thời ngày nay... 

Và như thế, Việt Nam là một nước được coi như là điểm hội tụ của các nền văn hóa Đông - Tây nhưng vẫn luôn giữ được bản sắc riêng có và sự quyến rũ của mình. Bởi ở đó vừa lấp lánh cuộc sống hiện đại, vừa truyền thống, huyền bí Á đông… 

Đọc thêm