* Bài 1: Người Việt muôn phương - Quá trình hình thành cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Hành trình xuất ngoại của Hoàng tử Đại Việt
Ông Lý Long Tường sinh năm 1174 (Giáp Ngọ), là con thứ 7 của vua Lý Anh Tông (trị vì 1138-1175) và Hiền Phi Lê Mỹ Nga. Ông được ban chức Thái sư Thượng trụ quốc, Khai phủ nghị đồng tam tư, Thượng thư tả bộc xạ, lĩnh đại đô đốc hải quân, tước Kiến Bình vương. Ông là em trai vua Lý Cao Tông.
Năm 1225, Thái sư Trần Thủ Độ lật đổ nhà Lý bằng cách đưa cháu là Trần Cảnh vào hầu Lý Chiêu Hoàng, dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và nhường ngôi để lập ra nhà Trần. Sau đó Trần Thủ Độ tiến hành tàn sát con cháu nhà Lý, buộc con cháu nhà Lý đổi qua họ Nguyễn, đày lên vùng núi non hiểm trở phía Bắc. Đó là nguyên nhân khiến Hoàng tử Lý Long Tường đành rời bỏ quê hương.
|
Bản đồ hành trình trên biển của Lý Long Tường đến Cao Ly năm 1226 (Ảnh tư liệu). |
Cuộc di cư của Hoàng tử Lý Long Tường cùng gia quyến được sử sách ghi lại nhưng có nhiều dị bản. Theo tài liệu của Bách khoa từ điển mở Wikipedia: “Năm 1226 (tức niên hiệu Kiến Trung thứ hai đời Vua Trần Thái Tông), để bảo toàn tính mạng và lo việc thờ cúng tổ tiên, Lý Long Tường đã bí mật về Bắc Ninh, vái lậy tạ biệt lăng miếu Đình Bảng, tới Thái miếu thu gom các bài vị, các đồ tế khí, rồi trở lại Đồ Sơn cùng sáu ngàn gia thuộc qua cửa Thần Phù, Thanh Hóa chạy ra biển Đông trên ba hạm đội rời Việt Nam.
Sau một tháng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền gặp bão lớn phải ghé vào Đài Loan. Khi Lý Long Tường quyết định lên đường đến Bán đảo Triều Tiên thì con trai là Lý Long Hiền ốm nặng nên phải ở lại cùng 200 gia thuộc để định cư tại Đài Loan. Trên đường đi tiếp đoàn thuyền bị bão dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây Cao Ly”.
Tương truyền rằng trước đó Vua Cao Tông của Cao Ly nằm mơ thấy một con chim cực lớn bay từ phương Nam lên, vì vậy ông lệnh cho chính quyền địa phương tiếp đón ân cần, và đồng ý cho Lý Long Tường ở lại dung thân.
Cũng nói về sự kiện nay, trên diễn đàn lịch sử - văn hóa sinh viên Đông du tại Nhật có viết rằng: “Lý Long Tường cùng với Lý Quang Bật (là em của học sĩ Lý Quang Châm đã bị Trần Thủ Độ giết trong cuộc diệt trừ dòng họ Lý) mang đồ thờ cúng chạy ra biển Đông. Một thuyền bị bão dạt vào Trung Hoa không rõ sống chết ra sao”.
|
Lễ trao tộc phả Hoàng thân Lý Long Tường (Ảnh Thanh Niên) |
Theo tiểu thuyết dã sử Hoàng thúc Lý Long Tường của nhà văn, nhà nghiên cứu Kang Moo Hak thì Lý Long Tường có ghé Nam Kinh, Trung Hoa, nhưng khi ấy nhà Tống đã chấp nhận sứ thần nhà Trần (đồng nghĩa với việc công nhận vương triều mới của nước Đại Việt) nên ông đành phải tiếp tục đi tìm nơi nương tựa khác.
Còn theo chứng cứ lịch sử thu thập được của nhà văn Vũ Ngọc Tiến (Hà Nội), đoàn thuyền vượt biển của Lý Long Tường “lênh đênh trên biển gần một tháng thì gặp bão lớn, phải ghé vào Đài Loan lúc đó hoang vu, thưa vắng người. Ở đó ít lâu, người chết vì đói hoặc say sóng, bệnh tật mất già nửa. Long Tường quyết định đi tiếp, nhưng con trai là Lý Long Hiền (có tài liệu viết tên là Lý Đăng Hiền) ốm nặng, cùng gia đình và 200 thuộc hạ ở lại đảo Đài Loan”.
Tại xứ Cao Ly, Hoàng tử Lý Long Tường cùng tướng sĩ, gia thuộc trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi. Ông cho mở Độc thư đường dạy văn (thi phú, lễ nhạc, tế tự) và Giảng võ đường dạy võ (chiến thuật quân sự, các loại binh pháp, binh khí, võ thuật). Học trò theo học rất đông, lúc nào cũng trên nghìn người.
Thành danh nơi xứ người
Khi Lý Long Tường sang Cao Ly tị nạn, quyền hành trong triều nằm trong tay Thừa tướng là Choe Woo. Choe Woo là một người văn võ xong toàn, có tài trị nước nên ít nhiều thu phục được lòng dân chúng.
Vào năm 1225, dưới triều vị vua thứ 23 của nhà Cao Ly là Cao Tông (trị vì từ 1213-1259), Mông Cổ gửi sứ giả đến Cao Ly yêu cầu cống nộp nhưng Cao Ly từ chối, đồng thời còn giết chết sứ giả của Mông Cổ là Trứ Cốc Dư.
Năm 1232, Đại hãn Oa Khoát Đài đem quân tiến đánh Cao Ly bằng hai đường thủy bộ. Về đường thủy, quân Mông vượt biển tiến đánh tỉnh Hoàng Hải nhưng bị Lý Long Tường lãnh đạo tướng sĩ, gia thuộc và quân dân địa phương đẩy lui. Khi ra trận, ông thường cưỡi ngựa trắng đôn đốc quân sĩ, nhân dân gọi ông là Bạch Mã Tướng quân.
Năm 1253, Đại hãn Mông Ca lại đem quân đánh Cao Ly lần thứ hai. Quân Nguyên Mông do Đường Cơ chỉ huy tấn công Hoàng Hải cả đường thủy lẫn đường bộ. Lý Long Tường lãnh đạo quân dân trong vùng chống trả suốt 5 tháng ròng bằng binh pháp của Đại Việt do ông truyền dạy.
|
Ông Lý Xương Căn bên cây lưu niệm trồng tại Đền Đô (Bắc Ninh). |
Sau chiến công này, Vua Cao Ly đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn Tướng Quân. Nơi quân Nguyên Mông đầu hàng gọi là Thụ Hàng Môn. Vua Cao Ly cũng cho lập bia tại đây để ghi công ông, di tích này hiện nay vẫn còn.
Khi mất, ông được chôn tại chân núi Di Ất, gần Bàn Môn Điếm bây giờ. Thời gian sống ở Hoa Sơn, Lý Long Tường thường lên đỉnh núi ngồi trông về phương Nam mà khóc, nơi ấy gọi là Vọng Quốc đàn.
Ngày nay trên đại lộ từ phi trường Kimpo về thủ đô Hán Thành, du khách được chiêm ngưỡng pho tượng Bạch Mã Tướng Công do chính phủ Hàn Quốc xây dựng từ thập niên 1960. Hậu duệ họ Lý dòng dõi Lý Long Tường có khoảng hơn 600 người.
Năm 1993, ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ và là hậu duệ đời thứ 26 của Lý Long Tường, qua Việt Nam, tìm đến từ đường họ Lý ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để bái tổ tiên.
Ông Lý Xương Căn tâm sự, mỗi lần nhắc tới hai tiếng Việt Nam trong tim ông luôn có sự rung động lạ kỳ. Thời nhỏ, ở Seoul , ông được chú ruột Lý Huân (Lee Hoon) kể cho nghe nhiều câu chuyện về nguồn gốc dòng tộc Việt Nam của gia đình và chú ông cũng dành nhiều tâm sức cho việc xác thực thông tin. Nhưng vì chiến tranh, chú ông không thể về thăm quê hương ở Bắc Ninh được. Khi chú lâm bệnh và qua đời, những tài liệu mà chú sưu tầm được Lý Xương Căn lưu cất giữ cẩn thận.
Năm 1992, khi bước vào tuổi 34 tuổi và đã có gia đình riêng, câu chuyện về nguồn gốc Việt Nam càng thôi thúc ông mạnh mẽ hơn. Ông Lý Xương Căn mang những tài liệu lịch sử mà chú mình đã sưu tầm được tới Đại sứ quán Việt Nam gặp Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc khi đó là ông Nguyễn Phú Bình.
Sau cuộc gặp, Lý Xương Căn về thăm Việt Nam vào tháng 5/1993 và đã đi thăm viếng Đền Đô tại Bắc Ninh. Kể từ chuyến ấy, một sự rung động kỳ lạ dường như được thức tỉnh trong trái tim ông Lý Xương Căn. Ông thường xuyên đi lại giữa Hàn Quốc và Việt Nam nhằm tìm hiểu sâu sắc hơn về nguồn cội của mình.
Năm 2000, ông Lý Xương Căn quyết định đưa cả gia đình gồm: cụ thân sinh (Lý Khánh Huân), vợ và 3 con về Việt Nam sinh sống. Năm 2010, ông và cả gia đình ông được nhập quốc tịch Việt Nam
Ông Lý Xương Căn hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Lý Miền Trung (trụ sở tại thành phố Đà Nẵng), chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn từ các nguyên liệu tái chế để bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, ông đã cùng những người nhiệt tâm lập Hội giao lưu Văn hóa Hàn - Việt nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền chặt. Bên cạnh đó, Lý Xương Căn còn là Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông còn được lựa chọn giữ chức Đại sứ Du lịch Việt Nam toàn cầu trong 3 năm liền, từ 2018 đến 2020.