Người vô tính giằng xé tâm can khi đi tìm bản ngã

(PLO) -Chỉ chiếm chưa đầy 1% dân số, vì lẽ đó mà người vô tính ít nhận được sự “bình thường” trong con mắt của xã hội. Họ thường xuyên phải nhận những “mũi dao” từ phía dư luận. Thế nên, ít ai trong số họ dám sống thật với chính con người của mình. 
Hình minh họa

Mất 8 năm để đi trả lời được: Tôi là ai?

Tôi gặp Minh Tùng (Tên nhân vật đã được thay đổi) vào một ngày hè tháng 6 gay gắt. Tôi cứ liên tục kêu ca về sự khắc nghiệt của thời tiết và nhận về câu nói khiến tôi giật mình “Sự khó chịu của thời tiết này chỉ chiếm 1/10 trong sự khó chịu khi biết mình là người vô tính của em thôi chị ạ”. 

Phải khó khăn lắm tôi mới gặp được em, một chàng trai 21 tuổi, cái quãng mà đáng lý ra em sẽ được chào đón bởi những điều tuyệt với nhất từ cuộc sống. Thế nhưng, thẳm sâu trong đôi mắt của chàng trai lập trình viên máy tính ấy là nỗi sầu bi thương khó giấu trọn.

Phát hiện mình là người vô tình cách đây 2 năm, khi mà ở Việt Nam cái từ “người vô tính” dường như quá đỗi xa lạ, thậm chí là chưa hề tồn tại. Theo lời Tùng, biết mình vô tính dù hơi bất ngờ và “sốc” nhưng ít ra còn dễ chịu hơn khi suốt một quãng thời gian dài cứ phải tự đi tìm lời giải cho câu hỏi: Mình là ai?

Năm  lớp 8, giai đoạn “lột xác” để trở thành trẻ vị thành niên, khi các bạn trong lớp truyền tay nhau những câu chuyện tế nhị, nhưng hình ảnh “nóng” với tâm trạng khá là “hào hứng” thì Tùng lại không hề có hứng thú và chút cảm xúc nào với việc đó.

Tại thời điểm ấy, Tùng tin rằng đó là do tính cách mình xưa nay “lập dị” mang lại. Sau rồi, Tùng vào học ở trường nội trú mà ở đó 100% đều là nam. Mọi người chuyền tay nhau những bộ phim “đen” ai cũng thích thú, thậm chí có người “say sưa” thì Tùng khi xem lại cảm thấy buồn nôn.

Kể đến đây Tùng cười, “lúc đó mọi người nhìn em bằng ánh mắt kinh dị lắm chị ạ! Em chắc nhớ mãi không quên thôi. Rồi sau lần đó, chả ai nói gì, mọi người mặc định cho em là “thằng gay”. Và từ đó, em phải chấp nhận mọi lời trêu đùa, phỉ báng của bạn bè… Những ngày tháng đi tìm câu hỏi Em là ai? Sự giằng xé lương tâm muốn tìm ra được câu hỏi bản thân mình muốn gì của em bắt đầu từ đây”.

Thế rồi, với tính hiếu thắng và để chứng tỏ với mọi người bản thân không hề bị gay Tùng quyết định “đi tán gái”. Hạnh (tên nhân vật đã được thay đổi) - đối tượng Tùng nhắm tán ban đầu cũng nhìn Tùng bằng ánh mắt dò xét và có phần khinh thường. Nhưng rồi, vì Tùng thật sự không phải như mọi người đồn đoán nên Hạnh cũng đến với nhau như những đôi tình nhân khác. 

Nhưng Hạnh và Tùng chỉ dừng lại ở hôn và nắm tay. Thậm chí nhiều khi hôn Tùng còn cảm thấy “ghê ghê” người. Những lần Hạnh có nhu cầu hoặc “bật đèn xanh”, Tùng đều chạy trốn hoặc nói sang chuyện khác. Khi Hạnh cố hỏi thì Tùng đáp bâng quơ: “Anh chưa bao giờ để ai chạm vào người như vậy. Anh nghĩa để sau này sẽ tốt hơn”.

Đến đây, Tùng cười lớn hơn nữa rồi nói: “Ai đời như vậy không chị, mấy câu đó toàn con gái nói với con trai chứ ai như em, con trai đi nói với con gái”. Dĩ nhiên, sau những lần đó, Hạnh quyết định chia tay. Tùng cũng chấp nhận. 

Tùng kể, “Đó là một tình yêu đẹp, nhưng bọn em phải chia tay vì bạn ấy cần tìm một người chồng đúng nghĩa, có thể cho bạn ấy một đứa con, chứ không phải một người chỉ biết ôm và hôn. Và lúc đó, so với giữ Hạnh thì em muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao mình lại như vậy?

Thật sự tâm trạng lúc đó rất khó hiểu….Đã có hàng ngàn lần em tặc lưỡi định làm cho xong, cho biết như thế nào nhưng em một chút cảm xúc không hề…”

Thế rồi, khi biết mình là người vô tình thông qua báo đài, sách vở. Và biết mình chỉ chiếm 1% trong dân số Tùng lại càng hoang mang hơn. “Em thử lân la đọc nhưng trang nói về người vô tính. Mọi người thật sự không có những cái nhìn tích cực về người vô tính. Nhưng từ như: “Lãnh cảm", "yếu sinh lý" hay "ảo tưởng", "ngộ nhận" là một trong số những lời bàn tán mà em thường xuyên gặp phải. Và em quyết định không công khai giới tính của mình.

Với em, tốt nhất nên cứ để mọi thứ cứ đến tự nhiên, rồi tớ một lúc nào đó mọi người cũng biết một cách tự nhiên. Bởi bây giờ phải giải thích vô tính là gì thì sẽ rất phiền và dễ gây hiểu lầm” – Tùng bộc bạch.

Tùng chọn một cuộc sống bình thường, và Tùng dường như hài lòng với cuộc sống hiện tại bởi Tùng không chỉ có một mình mà còn có những thành viên trong Asexual in Vietnam (Một trang facebook về người vô tính). Ở đó, Tùng và mọi người được là chính mình và Tùng biết, những gì Tùng đã phải trải qua chỉ là “hạt cát” so với rất nhiều người. 

Chúng tôi chỉ là không thuộc về số đông

Trước giờ, chúng ta vẫn luôn mặc định, nam hoặc nữ hoặc giới tính thứ 3 chứ không hề biết tới người vô tính. Tùng kể rằng, bản thân đã từng thử nói chuyện của mình với một người bạn, nhưng là mượn tên người khác. Người đó cho rằng có thể vì chưa tìm được người yêu thật sự.

Bởi tình yêu luôn phải đi liền với tình dục. Mặc nhiên, người hữu tính không tin vào một tình yêu không có tình dục. Họ cho rằng tình yêu phải có tình dục. Còn với người vô tính, thì không hiểu vì sao tình yêu lại phải có tình dục.

Người vô tính (trong tiếng Anh là Asexual) được định nghĩa là "người không cảm thấy bị hấp dẫn về mặt tình dục". Thái độ đối với tình dục của người vô tính rất khác nhau: Có người ghê sợ; có người chỉ đơn giản là không thích thú; có người vẫn có ham muốn tình dục nhưng không bị hấp dẫn tình dục (một số người vô tính vẫn có thể thích xem "phim người lớn", thủ dâm, nhưng họ không muốn làm "chuyện đó" với người khác). Ở Việt Nam, nhiều người vẫn còn chưa biết đến người vô tính và có cái nhìn “khác thường” về người vô tính. 

Facebook Asexual in VietNam lập ra trở thành “mảnh đất” cho những người vô tính dễ dàng chia sẻ và viết lên những suy nghĩ của bản thân mình. Ở đó, mọi người vô tính đều được thấu hiểu và họ chọn cách chia sẻ lẫn nhau. Lâu dần, rời việc an ủi nhau qua mạng xã hội, họ tìm đến nhau ngoài đời. Asexual in VietNam cung cấp kiến thức vững chắc về người vô tính, là nơi ghép đôi cho người vô tính và cũng là nơi “nhóm” lên ngọn lửa “sống” cho những người thuộc 1% dân số. 

Và giống như lời chia sẻ của một bạn người vô tính trên diễn đàn Asexual rằng: “Cái bình thường hay không không phải do con người quyết định. Tạo hóa tạo ra mọi thứ đều bình thường theo cách của nó. Mình thấy mình hoàn toàn bình thường. Thế giới luôn luôn đa dạng, luôn có cái là số đông và những cái khác số đông đó”.

Võ Mai Hiền (23 tuổi, Hà Nội), admin của Asexual in Vietnam chia sẻ: “người vô tính cũng như bao người khác, có người sống tích cực và có người sống tiêu cực bên cạnh nhiều người không mấy để ý đến xu hướng tính dục đâu, cứ sống và làm việc bình thường thôi.

Tuy nhiên, cũng có những người để ý đến sự khác biệt của mình nên dễ cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Chính vì lẽ đó mà mọi người nên có cách nhìn tích cực cũng như hiểu biết về người vô tính”.

Thiết nghĩ, những nhãn mác như "đồng tính", "dị tính" hay "vô tính" cũng chẳng thể quyết định bạn là người thế nào. Thế nên “sống sao để không hổ thẹn với chính mình” mới là quan trọng. Đó là mong muốn của Tùng cũng như tất cả mọi người trong cộng đồng LGBT.

Đọc thêm