|
Mậu Lương giờ chỉ còn duy nhất một gia đình làm ngói. |
Ngói cổ thơm mùi rơm mới
Cụ Đặng Thị Nộ (78 tuổi, người làng Mậu Lương) cứ mủm mỉm cười khi nhớ lại những ngày còn son trẻ, cũng là những ngày mà làng ngói Mậu Lương rất sầm uất. Đó là những ngày tháng vất vả nhất nhưng lại hằn sâu biết bao kỉ niệm và dấu ấn về một làng nghề cổ. Khi ấy, cụ Nộ mới 22 tuổi. Lấy chồng xong chồng đi bộ đội, một mình cụ vừa lo cơm nước cho bố mẹ chồng, vừa chăm sóc mấy sào ruộng ngoài đồng, lại kiêm luôn cả nghề làm ngói. Ngày nào cũng vậy, sáng tinh sương cụ Nộ đã đội nón, cầm theo chai nước và 2, 3 cái khuôn gỗ cùng với bố mẹ chồng đi bộ qua cầu Bươu sang bên kia sông Nhuệ đóng ngói.
Hôm nào hết đất làm, mọi người trong nhà còn phải chia nhau cầm thêm cuốc, xẻng để xắn đất. Đất để làm ngói Mậu Lương phải là loại đất thịt hoặc đất sỏi vàng, nằm sâu dưới đất chừng 2m, nhất định không được dùng đất pha cát. Chở đất về rồi, gia đình cụ Nộ lại chia nhau mỗi người một lưỡi mai để… “thái” đất thành từng miếng nhỏ rồi dẫm cho đất thật nhuyễn rồi mới mang ra khuôn đóng. Kể đến đây, cụ Nộ lại bật cười khanh khách: “Gớm, ngày ấy sao mà khỏe, cứ quần đùi, áo cộc dẫm lên dẫm xuống, mồ hôi chảy tong tong, làm hàng tiếng đồng hồ cũng chẳng biết mệt là gì”.
Xã Kiến Hưng ngày ấy chỉ có duy nhất làng Mậu Lương có nghề làm ngói. Thời ấy, làm ngói rất lãi, có khi lãi một gấp đôi, gấp ba nên nhiều gia đình đầu tư làm ngói. Người nào không có tiền đầu tư thì đi làm thuê, tiền công cũng đủ lo cho cuộc sống.
Mỗi ngày, cả gia đình cụ Nộ cũng phải đóng được mấy nghìn viên ngói. Ngói đóng xong đem ra cáng phơi. Khi lượng ngói phơi đã đủ hàng, tầm 3 – 4 vạn viên, người ta lại gánh xếp vào lò than đá để nung cho ngói chín. Với 3 - 4 vạn viên như thế, cả gia đình cụ Nộ phải xếp trong mấy ngày mới xong. Sau bốn ngày nung ngói, người ta chuyển sang đun rơm để lấy độ bóng, độ dẻo.
Quá trình đun rơm cũng phải trải qua trong ba ngày, hết hơn 3 tấn rơm. Sau đó, người ta lại bịt chặt hai bên cửa lò, đến ba ngày sau mới mở ra lấy ngói. Bấy giờ, công đoạn làm ngói mới hoàn thành. Ngói thành phẩm được chia làm hai loại, loại A và loại B. Loại A tốt nhất là loại ngói có màu già, phẳng, đanh ngói và gõ rất kêu.
Làng mất nghề, lấy gì tôn tạo kiến trúc cổ?
Cụ Lê Đình Ngôn (76 tuổi) là một trong số những thợ ngói giỏi của làng Mậu Lương cho hay, nhờ nắm bắt được những kĩ thuật quan trọng mà ngói Mậu Lương được người dân khắp vùng yêu thích và ưa chuộng. Trên mỗi viên ngói dù không đóng mác Mậu Lương nhưng dựa vào kiểu dáng và hoa văn, người dân dễ dàng nhận ra được loại ngói mà họ đã từng dùng và tin tưởng. Nhờ thế mà ngói Mậu Lương được các lái buôn đến đóng hàng rồi đưa đi tiêu thụ khắp nơi, len lỏi xuống đến tận đất Hải Phòng.
|
Cụ Ngôn và những viên ngói cổ Mậu Lương. |
Trong tiềm thức 50 năm trước, Mậu Lương tấp nập với nghề làm ngói, ngày cũng như đêm làng nhộn nhịp người đi lại. Rơm đun ngói đổ đầy đường cạnh nhà thành những đống lớn như những quả đồi. Cách đó không xa, trên những cánh đồng nghi ngút khói bên kia sông, những người đàn ông, đàn bà xắn quần đạp đất, đóng ngói, thổi lò…
Vậy mà giờ nghề làm ngói chỉ còn trong tiềm thức của những thế hệ như cụ Nộ, cụ Ngôn, vì thị trường không chuộng, nhà cổ ngày càng được thay thế bằng nhà cao tầng đổ trần xi măng, mái lợp kim loại, vì ô nhiễm môi trường khiến đất làm ngói cũng bị biến chất… nên những lớp con trai, con gái của các cụ cũng đã xao nhãng với nghề.
Ngay tại Mậu Lương giờ cũng chỉ còn lác đác vài nhà lợp ngói. Hiện làng Mậu Lương chỉ còn duy nhất gia đình chị Lưu Thị Mai vẫn trung thành với nghề làm ngói cổ. Nhiều người lo ngại, nếu vài năm nữa gia đình chị Mai bỏ nghề thì việc tôn tạo, khôi phục lại kiểu dáng kiến trúc của các đình, chùa cổ ở khắp miền Bắc sẽ gặp muôn vàn khó khăn vì ngói công nghiệp thì không đảm bảo chất cổ. Đứng giữa làng ngói nhộn nhịp xưa kia, chợt thấy tiếc cho một nghề truyền thống của ông cha đã bị mai một, thất truyền. Và cũng từ đây, một câu hỏi đặt ra rằng phải chăng công tác bảo tồn làng nghề đang có sự bất cập?