Nguy cơ 'mất lửa' làng rèn hơn 500 tuổi

(PLO) - Làng rèn Hiền Lương đã có thời phát triển rất thịnh vượng, thế nhưng theo thời gian khi ngành công nghiệp phát triển, sản phẩm rèn thủ công cũng không mấy ai ưa chuộng và nguy cơ “tắt lửa” lò rèn Hiền Lương đang trở thành sự thật.
Những sản phẩm rèn được trưng bày tại Tổ đình làng nghề rèn Hiền Lương.
Những sản phẩm rèn được trưng bày tại Tổ đình làng nghề rèn Hiền Lương.

Được hình thành cách đây gần 600 năm, làng Hiền Lương thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế nổi tiếng với nghề rèn từ lúc chúa Nguyễn Hoàng vào vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân. 

Làng rèn một thời nổi danh

Hiền Lương trước đây có tên là làng Hoa Lang, một trong những ngôi làng có lịch sử lâu đời của vùng đất Thuận Hóa được thành lập từ năm 1445. Hiền Lương nghĩa là con người nơi đây giàu đức hạnh, tài năng vượt trội, giữ lòng không bao giờ thay đổi. Từ khi người Việt vào làng Hiền Lương khai sơn phá thạch, lập làng xã thì ngoài nghề nông, người dân lúc đó lấy nghề rèn làm kinh tế. Họ chuyên rèn các sản phẩm cho nông nghiệp như: cuốc, rựa, liềm, dao, búa, kiềm, cuốc, rựa, dao phay, giáo mác, kéo, lưỡi bào, xẻng, khâu liêm…

Cụ Hoàng Kim Hứa (80 tuổi) đã có 65 năm gắn bó với nghề rèn. Cụ kể, từ rất xưa, làng rèn Hiền Lương được nhiều người biết đến vì có nhiều kỳ tích, trước đây khi rèn ra nông cụ phục vụ nông nghiệp có thợ Hoa Lang; sản xuất vũ khí cho quân đội Tây Sơn có người Hoa Lang hay chế tạo thành công tàu thủy chạy bằng hơi nước đầu tiên của Đại Nam có người Hiền Lương tức là  ngài chánh giám đốc Hoàng Văn Lịch.

Do nhu cầu phát triển của xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt là những tháng năm khai hoang, chống chọi với mọi kẻ thù nên nghề rèn Hiền Lương phát triển mạnh và có tiếng khắp nơi. Với đôi bàn tay khéo léo và đầu óc sáng tạo người Hiền Lương đã biến những phế liệu chiến tranh làm nguyên liệu sản xuất nông cụ, vật dụng sinh hoạt đến những chiếc xe rờ-nông của Pháp… đạt đến độ tinh xảo. 

Trong làng còn có những tên tuổi như Dương Phước Thiệu, người rất giỏi về kỹ thuật rèn, tiện… chuyên sửa chữa các loại súng đạn, máy móc của Pháp chế tạo hay Trương Quang Sừng, người được xem là thợ cơ khí bậc cao hiếm có, một vị thầy dạy nghề tài ba ở trường kỹ nghệ dưới thời vua Thành Thái và đã góp công đào tạo nên một thế hệ người tài trong lĩnh vực cơ khí, gò, rèn, tiện, nguội, phay, bào.

Nguy cơ thất truyền

Có mặt tại nhà cụ Hoàng Kim Hứa vào một buổi trưa khi cơn mưa đã tạnh, lò rèn nhà cụ không đỏ lửa. Cụ đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng của một cây dao phay, cụ tâm sự: “Bây giờ lớp trẻ trong làng khi lớn lên đều chọn các công ty để xin vào làm, không ai chịu theo nghề rèn này vì thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu.

Với lại, người dân bây giờ họ cũng không mặn mà với những sản phẩm rèn thủ công. Hiện, ở làng Hiền Lương chỉ còn vài ba người tuổi xế chiều vì yêu nghề nên vẫn nhóm bếp. Ít năm nữa khi chúng tôi già không đủ sức ngồi rèn nữa thì chắc nghề rèn cũng phải “tắt bếp”. 

Chung tâm trạng với cụ Hoàng Kim Hứa, bác Trương Văn Thêm (65 tuổi) lo lắng trước nguy cơ các lò rèn trong làng sẽ không còn được “giữ lửa”. “Bây giờ trong gia đình chỉ có mỗi mình tôi theo nghề, con cái lớn lên không đứa nào chịu theo nghề này. Mai đây không biết cái lò rèn này có còn đỏ lửa nữa hay không, cái nghề hàng trăm năm tuổi mà nay mai mất đi thì xót quá” - bác Thêm tâm sự. 

Dẫn chúng tôi đến thăm Tổ đình nghề rèn, ông Hoàng Ngọc Trung -Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền, huyện Phong Điền cho biết: Nghề rèn Hiền Lương đã đi vào quốc sử, làm nên những kỳ tích và đây cũng là ngôi làng rèn cổ duy nhất của miền Trung một thời gian dài rất hưng thịnh. Nhưng từ năm 1988 cho đến nay, nghề rèn Hiền Lương dần dần mai một. 

Để vực dậy và phát triển làng nghề rèn, xã đã lên phương án xây dựng làng Hiền Lương thành điểm đến du lịch. Bởi không chỉ là làng rèn cổ duy nhất của miền Trung mà làng rèn Hiền Lương còn có lợi thế nằm trên trục QL1A, cách trung tâm TP.Huế chưa đầy 20 km. Hơn thế nữa, làng rèn này còn có ngôi chùa làng cổ lần đầu tiên và duy nhất ở Huế được công nhận là di tích cấp quốc gia. 

Đọc thêm