Vừa tài văn chương lại giỏi cầm quân
Nguyễn Cư Trinh tên thật là Nguyễn Đăng Nghi, hiệu Đạm Am. Ông người xã An Hòa, huyện Hương Trà, nay là phường An Hòa, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổ tiên ông vốn gốc Thanh Hóa (có tài liệu cho là Hà Tĩnh), cụ tổ xưa kia là Trịnh Cam, làm quan thời nhà Lê đến Binh bộ Thượng thư.
Nguyễn Cư Trinh khi mới 11 tuổi đã có tài nghiên bút, hay văn, giỏi thơ phú. Năm ông 18 tuổi, ông được sung làm Huấn đạo. Năm 24 tuổi, ông thi đỗ Hương cống, được cử làm Tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Một năm sau ông được thăng văn chức (chức đại thần bên văn). Năm 1750, ông được phong làm Tuần phủ Quảng Ngãi tước Nghi Biểu hầu.
Tài văn thơ của ông được người đời nể phục bởi nhiều tác phẩm giá trị. Lê Quý Đôn đã nhận xét rằng sự nghiệp văn học của Nguyễn Cư Trinh gắn với tâm sự và chí khí kinh bang tế thế. Một số bài thơ có khí vị lối thơ biên tái, vừa phấn phát sôi nổi, hùng tráng; vừa lắng động, trầm tĩnh, bi hoài. Một số bài khác thì lại phản ánh tâm sự cô đơn, phiền muộn của một người đầy lòng ưu ái,… thấu hiểu nỗi cơ cực, đau khổ của dân, muốn “bàn nói mưu ngay, lẽ phải, nhưng đều không được theo”.
|
Lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh Nguyễn Cư Trinh được tổ chức tại mộ ông ở tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Nguyễn Cư Trinh sau còn là một danh tướng có tài cầm quân, một nhà chính trị khôn khéo. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), tộc người thiểu số ở Đá Vách (Quảng Ngãi) nổi dậy chống đối, quấy phá người Việt thời gian dài nhưng chưa dẹp được. Năm 1750, chúa Nguyễn phong Nguyễn Cư Trinh làm Tuần phủ những mong tài năng của ông có thể dẹp loạn tặc.
Nhiệm vụ này không dễ, bởi tộc người thiểu số hung tợn dù bị quan binh nhiều lần đánh dẹp nhưng vẫn nổi lên. Một phần là bởi vùng núi này thế cao chót vót, vách đá hiểm trở, việc tiến đánh vô cùng khó khăn, binh sĩ e sợ núi rừng hiểm dữ, sơn lam chướng khí, trong khi tộc người thiểu số vạm vỡ, khỏe lẹ.
Để khích lệ, cổ vũ tinh thần binh sĩ và nhân dân, ông sáng tác bài vè Sãi vãi rồi cho phổ biến rộng rãi. Khi lòng quân hăng hái ông liền cho tiến quân đến tận hang ổ, nhóm loạn tặc sợ hãi trốn sạch. Sau đó ông không rút quân mà dựng trại, khẩn hoang vỡ đất, vừa tăng gia sản xuất vừa canh phòng các nơi xung yếu, làm vẻ như sẽ đóng quân lâu dài.
Nhóm phản loạn thấy vậy sợ hãi đành kéo nhau ra hàng. Nguyễn Cư Trinh lúc này dùng đạo lý đối đãi, vỗ về và chỉ hướng làm ăn. Tộc người này từ đó quy thuận, vấn nạn được giải quyết triệt để mà không hao binh tổn tướng khiến ai nấy nể phục. Tài năng của ông càng thể hiện rõ nét khi phụng lệnh vào Nam, hoàn thành công nghiệp mở nước, an dân cho chúa Nguyễn.
Hoàn thành công nghiệp mở cõi
Những năm 1750, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thường hiếp đáp người Côn Man (người Chăm định cư trên đất Chân Lạp). Năm 1753, chúa sai Cai đội Thiện Chính làm thống suất, Nguyễn Cư Trinh làm tham mưu, điều khiển tướng sĩ năm dinh Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ đi đánh Nặc Nguyên.
Sau khi ổn định quân ngũ ở Gia Định, năm 1754, quân binh chia hai đường theo hướng Tây đánh Chân Lạp. Quân Việt tiến đến đâu chiến thắng tới đó và giải thoát cho người Côn Man. Người Côn Man vốn dĩ căm hận triều đình Chân Lạp nên đã đứng về phía quân Việt. Nguyễn Cư Trinh lúc này dùng kế lấy người Côn Man đánh Chân Lạp, cho chiêu dụ những người Côn Man làm để tiếp ứng.
|
Năm 1756, Trương Phước Du cùng Nguyễn Cư Trinh tiến đánh Chân Lạp. Nặc Nguyên thua chạy sang Hà Tiên, nhờ Mạc Thiên Tứ xin hộ với chúa Nguyễn, hiến hai phủ Tầm Bôn (Tân An) và Lôi Lạp (Gò Công) để xin chuộc tội. Nhưng chúa Nguyễn không cho.
Nguyễn Cư Trinh đã trình lên chúa Nguyễn bản tấu: “… Muốn mở mang đất đai cũng nên lấy hai phủ này trước để củng cố mặt sau của hai dinh (Trấn Biên và Phiên Trấn). Nếu bỏ gần, mưu xa, e rằng hình thế cách trở, binh dân không liên tiếp, lấy được tuy dễ mà giữ thì thật khó. Trước kia mở rộng phủ Gia Định, tất phải mở trước đất Hưng Phước, rồi đến đất Đồng Nai, khiến quân dân đông đủ, rồi sau mở đến Sài Gòn. Đó là cái kế tằm ăn lá dâu…”.
Chúa Nguyễn chấp thuận thu lấy đất hai phủ ấy cho sáp nhập vào châu Định Viễn. Nguyễn Cư Trinh khí đó xin cho dân Côn Man định cư ở hai phủ này, cùng các cộng đồng người khác, để khai thác và bảo vệ vùng đất mới này.
Năm 1757, Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận xin hiến đất Ba Thắc (gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu) và Trà Vang (gồm Trà Vinh, Bến Tre) để xin chúa Nguyễn phong làm vua Chân Lạp. Chúa chấp thuận nhưng sau đó Nặc Nhuận bị con rể là Nặc Hinh cướp ngôi. Cháu Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy ra Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ tâu với chúa Nguyễn xin được phong làm vua Chân Lạp.
Chúa thuận cho và sai Trương Phước Du cùng Mạc Thiên Tứ đánh dẹp Nặc Hinh đưa Nặc Tôn về nước làm vua. Để tạ ơn, Nặc Tôn cắt đất Tầm Phong Long (tức vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu về phía Bắc) dâng chúa Nguyễn. Đây là vùng đất cuối cùng được nhập vào lãnh thổ nước ta, nối liền Gia Định và Hà Tiên.
Nguyễn Cư Trinh cho đặt nền hành chính cai quản vùng đất rộng lớn này, dời dinh Long Hồ đến xứ Tầm Bào. Lại đặt đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở Hậu Giang. Dùng người Côn Man thủ đất Tây Ninh và Hồng Ngự. Để tạo điều kiện cho lưu dân người Việt đến sinh sống, khai hoang, ông đã thực hiện việc tổ chức an sinh vùng đất mới này.
Trong 11 năm trấn giữ biên cương phía Nam, ngoài công lao mở đất an dân, ông còn có nhiều sáng kiến nhằm phát triển Nam bộ về mọi mặt. Nam bộ bấy giờ sông rạch chằng chịt, thuyền ghe như mắc cửi và hay quẹt húc nhau. Để khắc phục tình trạng này ông nghĩ ra quy tắc đi lại cho ghe thuyền cũng như căn cứ xác định đúng sai khi có va quẹt. Sáng kiến của ông giảm thiểu được tai nạn sông nước, giao thông thủy dần vào nền nếp.
Vấn nạn khác là cướp sông hoành hành, chúng thường cải trang, dùng thuyền đi trà trộn, cướp bóc nhưng không dẹp hẳn được. Để giúp dân thuyền buôn, ông lệnh cho các hạt, phàm thuyền lớn nhỏ, đều phải khắc tên họ quê quán chủ thuyền ở đầu, do quan sở tại làm sổ thuyền để tiện tra xét. Bọn trộm cắp từ đó không còn trà trộn cướp phá được nữa.
Nguyễn Cư Trinh nổi tiếng là người thương dân, trong tất cả mọi việc, từ việc doanh điền đến dẹp loạn biên cương, ông đều lấy việc thu phục nhân tâm làm đầu. Vì yêu quý dân mà ông từng tấu lên chúa Nguyễn: “Dân là gốc của nước, gốc không bền thì nước không yên, nếu ngày thường không gia ân để buộc lòng dân thì khi có việc xảy ra, còn mong chờ vào đâu…”.
Ông cũng nêu rõ những việc hại đến sức dân, ví như là việc cấp lương cho lính, nuôi voi, nộp tiền án. Ông lại khuyên chúa bốn điều tệ hại cần bỏ để an dân, như việc phiền nhiễu của quan phủ huyện khi thu thuế trong dân; thực trạng bòn rút tiền của dân qua việc bắt, xét các án; là tình trạng lậu đinh để trốn sưu thuế; bắt dân cung tiến sản vật…
Ông cũng thể hiện mình là một vị quan liêm chính, thẳng thắn ngang tàng, không sợ uy vũ. Chuyện là năm 1765 ông được triệu về Kinh thăng Lại bộ kiêm Tào vận sứ, khi đó quyền thần Trương Phúc Loan ỷ thế lộng hành, ông không những không sợ mà còn mắng y. Phúc Loan dù quyền lực tột đỉnh nhưng vẫn e dè trước vị công thần vốn nhiều công trạng và được muôn người kính nể.
Năm 1767, ông bị bệnh và mất, được truy tặng Tá lý Công thần, Vinh lộc Đại phu, thụy Văn Định. Đến đời Minh Mạng, ông được truy tặng là Khai quốc Công thần, Hiệp biên Đại học sĩ, đổi tên thụy thành Văn Cách, truy phong tước Tân Minh hầu, cho tòng tự ở Thái miếu (Huế). Khu mộ Nguyễn Cư Trinh ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1998.