Chưa vào cuộc chính thức, đã nhắc vấn đề “chuyển công an điều tra”
Trong cuộc thanh tra trên, Chi nhánh Tây Ninh (Nhà máy Nhựt Phát) của Cty TNHH Sản xuất tinh bột khoai mì Nhựt Phát là đối tượng thanh tra. Cty Nhựt Phát trụ sở tại TP HCM; có duy nhất 1 Nhà máy Nhựt Phát đặt tại ấp Đông Thành, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, chuyên sản xuất tinh bột, sản phẩm từ tinh bột.
Ngày 8/12/2022, ông Nguyễn Tấn Lợi, Cục trưởng Cục Thuế Tây Ninh ký Văn bản 6133/CTTNI-TTKT2 gửi UBND tỉnh, nhận định Nhựt Phát và một số Cty “có dấu hiệu mua bán hóa đơn lòng vòng”, “trốn, tránh việc phát hiện sử dụng bất hợp pháp hóa đơn” nhằm “trốn thuế”. Nhà máy Nhựt Phát “sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp (thông qua Cty Nhựt Phát) để trốn thuế tại Nhà máy”, “kê khai không trung thực (…) để trốn thuế”.
Ngay khi ký văn bản đề xuất thanh tra, ông Nguyễn Tấn Lợi, Cục trưởng Cục Thuế đã nhấn mạnh “xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan công an”. (Ảnh: Huỳnh Hiếu) |
Đáng lưu ý, dù không thuộc lĩnh vực thẩm quyền, nhưng Cục Thuế đề nghị “kiểm tra làm rõ việc chấp hành pháp luật của Nhà máy Nhựt Phát liên quan sử dụng đất, tài nguyên”. Cục Thuế đề xuất lập đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra, Cục Thuế, Sở TN&MT, Công an “thanh tra toàn diện Nhà máy Nhựt Phát”. Ngay trong văn bản đề xuất, Cục Thuế đã nhấn mạnh “xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan công an điều tra xử lý theo thẩm quyền”.
Nửa năm sau, ngày 9/6/2023, UBND tỉnh có Quyết định 1236/QĐ-UBND “thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, thuế và một số nội dung khác có liên quan tại Nhà máy Nhựt Phát”.
Có 4/15 thành viên là người của Cục Thuế trong Đoàn thanh tra, đã thanh tra Nhà máy Nhựt Phát trong hơn 3 tháng (từ 21/6 - 29/9/2023). Ngày 31/10/2023, có báo cáo kết quả thanh tra, ngày 3/4/2024 ra kết luận chính thức. Bản KLTT về “đất đai, thuế và một số nội dung khác có liên quan” gồm 15 trang, nhưng chiếm khoảng 90% nội dung liên quan thuế.
Chi tiết quan trọng nhất, KLTT cho rằng Nhà máy Nhựt Phát đã sử dụng hóa đơn GTGT không hợp pháp của Cty Trần Cao (quận 4, TP HCM) không đủ điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT; với 41 hóa đơn là 11,5 tỷ đồng.
KLTT cho rằng xác minh việc chuyển tiền mua bán hàng, có việc Cty Nhựt Phát chuyển tiền cho Cty Trần Cao, nhưng “dòng tiền thanh toán của Cty Nhựt Phát chỉ làm điều kiện khai khấu trừ thuế GTGT. DN bán hàng (Cty Trần Cao - NV) rút tiền mặt hoặc chuyển tiền mua hàng (…) Nhựt Phát có dấu hiệu hợp thức hóa chứng từ thanh toán”.
Từ đó, KLTT nhận định Nhựt Phát “mua hóa đơn không có hàng hóa để gian lận, trốn thuế”, “có dấu hiệu tội phạm theo Điều 200 BLHS, cần phải được chuyển sang CQĐT để tiếp tục làm rõ xử lý”.
Dùng công văn trả lời để kết luận “trốn thuế”
Nhà máy Nhựt Phát cho rằng kết luận trên là chưa phù hợp, có văn bản phản hồi UBND tỉnh. Theo Nhựt Phát, muốn kết luận các hóa đơn trên có vi phạm hay không, phải làm việc với Cty Trần Cao là bên xuất hóa đơn.
Nhựt Phát cho rằng có đầy đủ hợp đồng nguyên tắc bán hàng, thư ngỏ chào hàng, hóa đơn GTGT, chứng từ giao dịch, phiếu xuất kho… chứng minh giữa hai Cty có mua bán hàng hóa. Nhựt Phát đã chuyển trả đủ tiền mua hàng, Trần Cao nhận đủ tiền bán hàng, sau đó số tiền này Trần Cao làm gì là quyền của Trần Cao; Nhựt Phát không liên quan. “Nếu muốn kết luận đây là động thái hợp thức hóa dòng tiền thanh toán để đủ điều kiện khấu trừ thuế, thì cơ quan chức năng phải làm việc với Cty Trần Cao và phải có trách nhiệm chứng minh, đưa ra các chứng cứ”, đại diện Nhựt Phát nói.
Trả lời vấn đề trên, ngày 2/5/2024, tỉnh Tây Ninh có Văn bản 1235/UBND-NC, cho rằng “ngày 11/10/2023, Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) trả lời tại Công văn 1745/CCTQ4-KT2 cho Đoàn thanh tra và xác định các hóa đơn trên là không có giá trị sử dụng”.
Cũng theo UBND tỉnh Tây Ninh, “làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương thể hiện là Cty Trần Cao không tồn tại ở nơi đăng ký trụ sở”. Từ những lập luận này, Tây Ninh cho rằng KLTT 987 “là đúng theo quy định pháp luật”.
LS Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn LS TP HCM) đánh giá: “Tình tiết quan trọng nhất trong KLTT 987 là 41 hóa đơn do Trần Cao xuất có hợp pháp hay không. Tỉnh Tây Ninh và TP HCM giáp ranh nhau, cuộc thanh tra với 15 thành viên làm việc đến 90 ngày, từ khi bắt đầu thanh tra đến khi có KLTT gần 300 ngày. Nhưng Đoàn thanh tra không đi xác minh, mà lại sử dụng công văn trả lời của chi cục thuế địa phương khác, để làm căn cứ kết luận Nhựt Phát “trốn thuế”, nhận định “có dấu hiệu tội phạm”, là thiếu trách nhiệm, chưa phù hợp quy định”.
LS Trâm nói: “Trong trường hợp Cty Trần Cao không tồn tại ở nơi đăng ký trụ sở, theo mục 2.2 Văn bản 7333/BTC-TCT ngày 24/6/2008 của Bộ Tài chính, thì các hóa đơn nêu trên thậm chí có thể được xác định có giá trị sử dụng”.
“Nếu chưa có các chứng cứ chứng minh Trần Cao và Nhựt Phát bắt tay nhau mua bán hóa đơn khống, thì không được vội quy kết Nhựt Phát đã “mua hóa đơn không có hàng hóa để gian lận, trốn thuế” như KLTT 987 đã nêu. Cơ quan chức năng phải có trách nhiệm đưa ra các chứng cứ chứng minh vi phạm, phải áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” với đối tượng thanh tra; chứ không được định kiến, không được đẩy rủi ro về đối tượng thanh tra; có thể dẫn đến oan sai”, vẫn lời LS Trâm.
LS Trâm cho rằng, trong sự việc này, cơ quan chức năng Tây Ninh cần phải cân nhắc lại thẩm quyền thanh tra thuế thuộc về TP HCM (nơi đặt trụ sở chính Cty Nhựt Phát) hay tỉnh Tây Ninh (nơi Cty Nhựt Phát có nhà máy sản xuất”. Để chắc chắn, nên xin ý kiến hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ.
Về phía đại diện Cty Nhựt Phát, cho biết trước nội dung KLTT như trên, DN rất lo lắng vì sau quá trình thanh tra cả năm trời, có thể tiếp tục phải đối mặt quá trình điều tra, ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm người lao động, sức khỏe, uy tín, danh dự cá nhân. “Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng Tây Ninh xem xét lại KLTT, đưa ra các chứng cứ vững chắc thuyết phục chứng minh. Nếu có, chúng tôi xin chịu trách nhiệm. Nếu không, xin sớm khép lại sự việc này”, đại diện Nhựt Phát nói.
KLTT và Văn bản 1235/UBND-NC cho rằng Nhà máy Nhựt Phát “chỉ sấy bột từ dây chuyền sản xuất khép kín, không có hệ thống đốt bột” nên đã “không có hàng hủy” nhưng vẫn khai là có hàng hủy để “có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ”. Văn bản 1235/UBND-NC còn cho rằng “qua kiểm tra, đối chiếu lượng điện tiêu thụ những tháng liền kề thì không có tăng đột biến, từ đó chứng minh lượng điện tiêu thụ của Nhà máy không dùng cho mục đích hủy hàng”.
Về phía Nhựt Phát, trình bày nhiều thời điểm Covid-19 bùng phát, lượng hàng lớn bị dính hóa chất khử khuẩn hoặc tồn kho, buộc phải đốt. Có khi nhà máy vận hành chỉ để đốt hàng hư hỏng. Dây chuyền sấy bột cũng có thể đốt bột, đơn giản bằng cách điều chỉnh nhiệt độ đến một mức nhất định, bột tự cháy thành tro. Bản thân bột đã là một loại nhiêu liệu, nên máy móc không cần tiêu thụ điện năng gì.