Nhà Nguyễn và những cuộc binh biến trong cung cấm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những cuộc khởi nghĩa nông dân chống Pháp và chống cả nhà Nguyễn nổi dậy khắp nước khiến nhà Nguyễn rất mỏi mệt và lo sợ. Trong cung cấm đã xảy ra ba cuộc binh biến lớn từ những vị trong dòng tộc nhà vua.
Cung điện nhà Nguyễn tại Huế. (Ảnh minh họa: PV)
Cung điện nhà Nguyễn tại Huế. (Ảnh minh họa: PV)

Ba cuộc binh biến

Theo nguồn tham khảo từ sách “Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1856 - 1897) của TS. Nguyễn Xuân Thọ do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành và sách “Kho báu Kinh thành Huế sau ngày thất thủ Kinh đô” của tác giả François Thierry do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành thì khi lòng dân ly tán, phẫn uất, triều đình chia nhiều phe phái chủ chiến và chủ hoà. Trong bối cảnh đó, ở Huế đã xảy ra ba cuộc binh biến trong cung cấm do người trong hoàng tộc khởi xướng nhưng bất thành. Đó là cuộc binh biến của Hồng Bảo vào tháng 1/1851; của Hồng Tập vào năm 1864 và của Đoàn Trưng vào năm 1866.

Việc Tự Đức được Vua Thiệu Trị cho lên ngôi năm 18 tuổi khiến Hồng Bảo (người anh em cùng cha khác mẹ) âm thầm nổi giận. Hồng Bảo lớn tuổi hơn Tự Đức nhưng bị gạt ra do lối sống không tốt và học hành không bằng Vua Tự Đức. Hồng Bảo ấm ức vì tự cho mình bị thất sủng và bất công khi cũng là con của Vua Thiệu Trị. Ông đã liên hệ với các giáo sĩ để đặt mục đích đảo chính nhưng âm mưu bị bại lộ vào năm 1854. Hồng Bảo bị bắt và giam vào ngục tối, ông đã thắt cổ tự tử, kết thúc một vị hoàng tộc bị thất sủng, nhiều tham vọng, nhưng không có đường lối rõ ràng, nên kết thúc trong bi kịch. Lịch sử cũng không ghi chép nhiều về Hồng Bảo nữa.

Cuộc binh biến thứ hai là do ba anh em tri thức thấy nước nhà bị xâm lăng, triều đình hèn nhát, dâng đất cho Pháp, xây lăng mộ Vạn Niên khi dân đang nghèo đói, lầm than, nô lệ. Ba anh em Đoàn Trưng, Đoàn Hữu Ái và Đoàn Tử Trực đều ở kinh thành Huế lập nên hội thi văn “Sơn Đông Thi Tửu Hội”. Họ có tham vọng đưa lên ngôi người cháu năm đời của Vua Gia Long là Ưng Đạo. Đoàn Trưng là chồng của Công chúa Thể Cúc, con gái Tùng Thiện Vương. Vua Tự Đức gọi Tùng Thiện Vương là chú. Với mối quan hệ lớn trong triều đình nên ba anh em họ Đoàn lập nên một âm mưu lớn cho cuộc đảo chính. Họ kết nối với các tướng lãnh, các quan có vị trí như Tôn Thất Cúc, Lê Chí Trực, Bùi Văn Liệu, Nguyễn Văn Đệ, Trương Trọng Hòa, Phạm Lương Thành…

Sách Kho báu Kinh thành Huế sau ngày thất thủ Kinh đô của tác giả François Thierry do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.

Sách Kho báu Kinh thành Huế sau ngày thất thủ Kinh đô của tác giả François Thierry do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.

Ngày 8/9/1866, Đoàn Trưng chỉ đạo quân lính là thợ thuyền, lao công đang xây lăng Vạn Niên nổi dậy chiếm Cửu Tây kinh thành Huế. Đội quân ô hợp, thiếu vũ khí phải dùng chày giã vôi đi đánh nhau với quân triều đình nên dân gian gọi là “giặc chày vôi” nên cuộc đảo chính cũng tan rã và bị đập tan nhanh chóng. Khi đội quân tiến vào cung điện, gần đến nội cung nơi Vua Tự Đức ẩn náu, họ bị người chỉ huy đội quân thị vệ là Hồ Oai gài bẫy, đóng hết cửa cung điện. Đám quân ô hợp cùng với các thủ lĩnh bị tóm gọn và bị đàn áp đẫm máu. Thất bại này là điều khó tránh khỏi khi họ hoạt động ngẫu hứng, thiếu tính chuyên nghiệp, nhưng dù sao là một cảnh báo lớn với thời Vua Tự Đức khi những cuộc binh biến lại nổi dậy trong cung cấm.

Cuộc binh biến thứ ba là do Hồng Tập lãnh đạo. Hồng Tập là con trai của Hoàng thân Miên áo, một nhân vật có quyền lực và được tôn kính trong hoàng gia. Ông đã lãnh đạo cuộc nổi dậy tháng 12 năm Tự Đức thứ 17 sau khi Hiệp ước Sài Gòn 1862 được ký. Hồng Tập có tham vọng lớn đó là bắt đại thần Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành được dân gian coi là “kẻ bán nước”, thân Pháp.

Hồng Tập kết hợp với Trương Văn Chất, Nguyễn Văn Viên, huy động tới bốn đội quân. Kế hoạch của họ là bao vây bắt Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành và tiêu diệt giáo dân ở làng An Truyền, An Vân và An Hòa. Đội quân đi bắt hai đại thần Phan Thanh Giản và Trần Tiễn Thành không vượt qua được quân lính canh phòng nghiêm ngặt, nên đành rút lui, không dám bắn súng báo hiệu cho đội quân đang chờ tấn công ở cầu Lim Luông. Việc bối rối và không có đủ sức mạnh khiến cuộc binh biến chưa thực sự nổ ra đã tan vỡ nhanh chóng. Hồng Tập, Hồng Ty, con của Hoàng thân Vĩnh Tường; Miên Hoàng con thứ 5 của Vua Minh Mạng; Lương Trinh, con trai của Hoàng thân Kiến An (con thứ 5 của Vua Gia Long), cùng một số Hoàng thân trong hoàng gia bị chém đầu.

“Lời sám hối” của nhà vua

Sách Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1856 - 1897) của TS. Nguyễn Xuân Thọ do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành.

Sách Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1856 - 1897) của TS. Nguyễn Xuân Thọ do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành.

Ba cuộc binh biến đó đều kết thúc trong bi kịch dù mục đích của họ là hạ bệ Tự Đức để thay thế một thể chế mới mạnh mẽ hơn khi đối diện với người Pháp. Tự Đức - vị vua nhiều đau khổ, mắc kẹt giữa các phe phái trong triều đình chỉ biết than khóc, nhưng cái dở nhất của ông là không đứng về Nhân dân chính nghĩa mà ông đã thẳng tay đàn áp họ, khiến cho triều đình ngày càng xa lạ với dân chúng.

Hai đại thần nhà Nguyễn lúc đó là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp nhận nhiệm vụ của Vua Tự Đức ký Hiệp ước Sài Gòn 1862 với người Pháp. Hiệp ước này được coi là “bán nước” khi nhượng 3 tỉnh miền Đông là Gia Định, Định Tường và Biên Hòa cho Pháp. Nhân dân đã tức giận có câu ca “Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khi dân”. Sau này, dù cho Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bị giáng chức sau khi ký vào Hòa ước Sài Gòn 1862 cũng không làm giảm sự hờn căm của dân chúng.

TS. Nguyễn Xuân Thọ trong cuốn “Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam 1858 - 1879” nhận định: “Triều đại nhà Nguyễn tự đặt mình lên ngôi thống trị Việt Nam đầu thế kỷ 19 chẳng bao lâu phải đối diện với chủ nghĩa thực dân Pháp, không được sự ủng hộ của Nhân dân. Họ thiếu một cái gì đó để dân chúng thừa nhận, để thực sự trở thành những biểu hiện sống của giang sơn: đó là cái uy tín của một sự nghiệp lớn vì Tổ quốc.

Thực dân Pháp đã lợi dụng “lòng người ly tán” ấy để tiến hành cuộc chinh phục của họ. Cái di sản mà Tự Đức thừa kế của cha ông đã nặng điều hăm doạ, đến nỗi trong lúc ông ta trị vì, ông đã chẳng làm được gì để gạt bỏ đi những điều hăm doạ đó; trái lại còn làm cho nó thêm trầm trọng hơn lên. Đó là nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng và loạn ly ngày càng gia tăng mà hậu quả là đất nước mất độc lập và trở thành nô lệ ngoại bang”.

Trong một chỉ dụ của Vua Tự Đức vào năm 1867 ta thấy sự bất lực của ông trong việc kêu gọi lòng yêu nước và đổi mới: “Nhìn lên trời, Trẫm sợ mệnh trời và nhìn xuống dưới, lòng thương cảm đối với trăm dân khiến Trẫm ngày đêm đau khổ. Trong thâm tâm, Trẫm vừa run sợ, vừa xấu hổ. Trẫm luôn gánh nhận mọi sự thù địch cho trăm họ khỏi chịu trách nhiệm và tai ương này chưa xong thì tai ương mới đã tới. Quả thực, chẳng biết nói cách nào, làm cách nào để giúp đỡ cho thần dân, đất nước…

Cái gì cũ kỹ, không hợp lý nữa hoặc tồi tệ, xấu xa thì phải bỏ đi. Cái gì có lợi thì phải đi tìm cho được. Những bậc hiền tài hãy hiến kế, những người có sức hãy góp sức, những người giàu hãy góp của và những kẻ có một sở trường riêng, một nghề nghiệp, những kẻ có sáng chế, phát minh một vài điều có ích, phải sử dụng người tài năng, nghề nghiệp đó phục vụ cho nhu cầu quân đội, của giang sơn… Trẫm sẽ sung sướng biết bao, trong nỗi đau thương sâu sắc của mình chuộc lại những lỗi lầm quá khứ, làm được chút gì đáp lại công lao ngày trước của tổ tiên! Đây là những lời nguyện của Trẫm, là đối tượng chính Trẫm thường xuyên ước vọng, mong chờ…”.

Nhưng “lời sám hối” của vị vua này không được dân chúng chào đón và đất nước vẫn quẩn quanh trong vòng nô lệ và những cuộc đấu tranh chống Pháp của dân ta vẫn tiếp tục nổ ra, ngoan cường và khốc liệt.

Ngày 19/7/1883, Vua Tự Đức băng hà, sau 36 năm trị vì. Lúc này ông 56 tuổi. Vua Dục Đức lên ngôi chỉ được có 3 ngày, tiếp đến là Hoàng tử Văn Lãng lên ngôi, lấy niên hiệu Hiệp Hòa rồi đến Vua Kiến Phước... Đây có thể xem là giai đoạn đen tối nhất của nhà Nguyễn.