- Để vị trí, vai trò của Mặt trận ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội, theo ông, Nhà nước cần tạo cơ chế nào cho Mặt trận hoạt động, cũng như Mặt trận cần phải làm gì?
- Trong 85 năm hình thành và phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất, nay là MTTQ Việt Nam, Mặt trận đã có sự đồng hành cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do.
Qua đó, thể hiện đúng chức năng, vai trò, vị trí của mình, là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp tất cả các tầng lớp không phân biệt tôn giáo, dân tộc, giới tính, đều vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước ngày một hùng cường đúng như tâm niệm và nguyện vọng của nhân dân.
Vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị. Trong từng bước hoàn thiện đó, đến nay Mặt trận đã được thể chế hóa theo luật pháp, có điều kiện, cơ chế để hoạt động.
Song, để thực thi được các vấn đề đó, dù luật đã có, điều kiện đã có nhưng các tổ chức chính quyền, Nhà nước cũng như những tổ chức khác cần có cơ chế phối hợp thế nào, có trách nhiệm và nghĩa vụ trả lời ra sao để Mặt trận có sự phản hồi trở lại cho nhân dân, qua đó làm tốt được trách nhiệm của mình.
Đặc biệt là các cấp cơ sở, phải chấp hành việc này một cách nghiêm túc, tự giác, từ đó Mặt trận mới thể hiện được vai trò của mình trong công tác vận động, thuyết phục người dân.
Về phía Mặt trận, cần phải nâng tầm nhận thức của đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp. Người cán bộ mặt trận phải có sự hiểu biết, am tường và nắm chắc các vấn đề ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… đặc biệt là đối với những vấn đề mình giám sát, phản biện, phải tìm hiểu luật pháp đang cho phép mình giám sát, phản biện vấn đề gì và điều kiện nào mình tham gia góp ý để đạt hiệu quả.
- Trong 85 năm qua, những bài học lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn nào của quá trình hình thành và phát triển của Mặt trận mà ông cho là quan trọng và tâm đắc?
- Một bài học lớn là Mặt trận là nơi tập hợp tất cả các thành phần, các giới, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, chỉ một mục tiêu là đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước ngày một phát triển. Đây là kinh nghiệm tôi thấy quý nhất và lớn nhất, nó thể hiện vai trò, chức năng của tổ chức Mặt trận cả trong quá trình kháng chiến cũng như trong giai đoạn hòa bình xây dựng đất nước.
Bài học thứ hai, Mặt trận là nơi ngày càng thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân. Thông qua tổ chức Mặt trận, nhân dân các giới, các ngành có thể tham gia góp ý, thể hiện chính kiến, quan điểm của mình trong từng quy định, chính sách của Nhà nước mà có tác động đến đời sống của nhân dân.
Thứ ba, Mặt trận phải thể hiện là công tác vận động, thuyết phục, không phải Mặt trận đòi quyền lực này, kia mà là theo đúng chủ trương và quyền hạn của Mặt trận được Nhà nước quy định.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!