Tạo khan hiếm vé, cho nhiều doanh nghiệp (DN) thuê toa xe để kinh doanh du lịch làm ảnh hưởng đến khách hàng phổ thông, chậm thay đổi hình thức bán vé, tự đưa ra hình thức giấy đi tàu việc riêng trị giá hơn 1,6 tỷ đồng… Cụ thể là chi phí làm cơ sở xác định giá vé chưa tính đúng, tính đủ, đặc biệt một số chi phí lớn như tiền lương và chi phí khấu hao.
Hiện việc bán vé tại ga là chủ yếu nhưng các ga đều không công khai các thông tin về số lượng vé còn lại theo quy định cũng như kế hoạch bán vé, việc tổ chức bán vé chưa linh hoạt, chưa có hình thức bán vé qua mạng, thanh toán qua thẻ mà vẫn còn bán vé bằng thủ công. Cụ thể, có tới 114 ga/194 ga bán vé thủ công.
Theo thống kê của Bộ GTVT, năm 2013 có 24 DN tham gia vận chuyển hành khách theo hình thức cho thuê toa xe trọn gói. Tuy nhiên, Công ty khách Hà Nội và Sài Gòn để các DN này tự công bố giá dịch vụ gia tăng. Một số công ty sau khi ký hợp đồng đầu tư cải tạo toa xe đã nhượng lại quyền khai thác cho các đơn vị khác.
“Các đơn vị thuê toa xe tự xây dựng giá của dịch vụ gia tăng cao hơn chi phí dịch vụ gia tăng; bán giá chưa được kiểm soát do các đơn vị này tự bán và việc phát hành hóa đơn VAT để hợp thức công tác quyết toán thuế. Ngoài ra, các hóa đơn hầu hết không có chữ ký của hành khách…” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Không những vậy, Tổng Công ty ĐSVN chia vé ra làm 10 kho, trong đó có 2 kho chỉ trước 48 giờ mới được chuyển ra bán công khai. Với việc hạn chế này đã tạo ra tình trạng khan hiếm vé “ảo”.“Các tồn tại nêu trên thuộc trách nhiệm của Tổng Công ty ĐS VN, Công ty khách Hà Nội và Công ty khách Sài Gòn” - Thứ trưởng Đông khẳng định.
Ngoài ra, việc sử dụng giấy đi tàu việc riêng không đúng quy định gây thất thu ngân sách, chỉ tính riêng trong hai năm 2011, 2012 việc thực hiện sử dụng giấy đi tàu này đã gây thất thoát cho ngân sách hàng tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng có yêu cầu đề nghị Tổng Công ty ĐSVN chấm dứt ngay việc cho thuê mặt bằng tại các ga Hà Nội, Sài Gòn, Lào Cai.