Nhà thờ Đức Bà Paris: Phục hồi nguyên trạng hay thêm công nghệ mới?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris - công trình vốn được xem là biểu tượng của thủ đô nước Pháp đang được gấp rút triển khai nhằm đảm bảo thời hạn mở cửa trở lại đúng vào dịp Thế vận hội 2024 dù vẫn vướng phải nhiều ý kiến trái chiều.
Vẻ đẹp cổ kính của nhà thờ Đức Bà Paris trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn.
Vẻ đẹp cổ kính của nhà thờ Đức Bà Paris trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn.

Ba năm sau trận hỏa hoạn kinh hoàng, đến nay, phần muội chì ở Nhà thờ Đức Bà Paris đã gần như sạch bóng. Việc trùng tu công trình vốn được xem là biểu tượng của thành phố Paris của nước Pháp đang được gấp rút triển khai nhằm đảm bảo thời hạn mở cửa trở lại đúng vào dịp Thế vận hội 2024 dù vẫn vướng phải nhiều ý kiến trái chiều.

Tranh luận gay gắt

Nhà thờ Đức Bà Paris được khởi xướng xây dựng vào năm 1160, đến năm 1163. Quá trình xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris kéo dài trong gần hai thế kỷ, đến năm 1345, với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư danh tiếng lúc bấy giờ như Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Pierre de Chelles, Jean Ravy và Jean le Bouteiller.

Giữa thế kỷ XIX, Nhà thờ Đức Bà Paris được trùng tu và được nâng tầm kiến trúc một cách đáng kể với sự kết hợp nét truyền thống, hiện đại và cả sự phá cách của kiến trúc sư Viollet-le-Duc. Được xem là người có tầm nhìn, quan điểm kiến trúc khác thường, Viollet-le-Duc cho rằng phục dựng không có nghĩa là làm cho Nhà thờ trông giống trước đây mà phải đưa nó đến trạng thái mà các kiến trúc sư ban đầu muốn nhưng đã không làm được.

Với quan điểm như vậy, ông đã dùng 500 tấn gỗ sồi già và 250 tấn chì để tạo nên tháp nhọn cao. Chiếc tháp đầu tiên, được dựng lên từ năm 1250, bị hư hỏng nặng nên được tái thiết bằng tháp nhọn. Tháp nhọn chính có chiều cao 93 m tính từ mặt đất, được đánh giá là một trong những điểm độc đáo mang lại dáng vẻ hiện đại của Nhà thờ Đức Bà Paris vào thời ấy và so với tháp cũ.

Không chỉ là biểu tượng của hơn 850 năm lịch sử, kiến trúc, hội họa và điêu khắc của Pháp, công trình mang phong cách Gothic lừng danh này còn được xem là di sản kiến trúc vĩ đại của nhân loại. Nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật, tác phẩm nghệ thuật và di tích được thu thập qua hàng thế kỷ, mỗi hiện vật đều có câu chuyện và giá trị riêng.

Đêm 15/4/2019, người dân Pháp và thế giới bàng hoàng khi công trình kiến trúc đã sừng sững hơn 8 thế kỷ, không hề hấn gì trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới bất ngờ bị hỏa hoạn. Vụ cháy bắt đầu từ phần đỉnh ngọn tháp, sau đó nhanh chóng lan ra toàn bộ phần mái, kéo dài tới 15 giờ đã làm phần khung trung tâm của Nhà thờ bị sụp đổ, phá hủy phần tháp nhọn nổi tiếng, cũng như tháp đồng hồ và một phần khung vòm, khiến hàng triệu người trên toàn thế giới bị sốc.

Thời điểm này, ở Pháp diễn ra cuộc tranh luận gay gắt giữa hai luồng quan điểm: một bên muốn bảo tồn kiến trúc cổ và một bên là luồng ý kiến muốn làm mới diện mạo của Nhà thờ theo kiến trúc phù hợp với thời đại hiện nay. Theo một cuộc thăm dò dư luận được công bố vào tháng 4/2019, hầu hết những người được hỏi cho biết họ muốn Nhà thờ được xây dựng lại y như trước khi xảy ra hỏa hoạn.

Ở luồng dư luận ngược lại, một số công ty kiến trúc thậm chí còn đi xa hơn, đưa ra những thiết kế “đầy sáng tạo”. Ví dụ, Công ty kiến trúc Vincent Callebaut của Pháp đề xuất làm mới diện mạo Nhà thờ với phần mái mới bằng kính, gỗ sồi và sợi carbon có thể chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện năng. Trong khi đó, Công ty Ulf Mejergren Architects của Thụy Điển lại muốn tái thiết toàn bộ mái Nhà thờ thành một bể bơi hình chữ thập.

Những thiết kế có ý tưởng “kết hợp kim-cổ” nhận được hàng nghìn ý kiến phản hồi, khen vì có sự sáng tạo để phù hợp với thời hiện đại và chê vì cho rằng đó là sự pha trộn kiến trúc, không còn giữ được hình dáng đặc trưng, tôn giáo của Nhà thờ Đức Bà Paris.

Ban hành riêng một đạo luật

Để triển khai việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris, một dự luật đã được soạn thảo và đưa ra thảo luận tại Hạ viện Pháp từ đầu tháng 5/2019. Ngày 16/7/2019, Quốc hội Pháp đã thông qua đạo luật quản lý việc phục dựng và bảo tồn Nhà thờ Đức Bà Paris và chính thức ban hành luật vào ngày 29/7 cùng năm.

Đạo luật này quy định rằng việc trùng tu công trình biểu tượng của Pháp phải “bảo tồn các giá trị lịch sử, nghệ thuật và kiến trúc của di tích”, đồng nghĩa với việc yêu cầu phải trùng tu di tích một cách nguyên vẹn.

Luật cũng hạn chế mọi sự vi phạm các quy định về di sản, quy hoạch, môi trường và xây dựng ở mức tối thiểu. Như vậy, Chính phủ Pháp không thể thực hiện kế hoạch tổ chức một cuộc thi quốc tế để chọn một thiết kế mới, vừa giữ được những nét kiến trúc xưa vừa có tính sáng tạo nhằm khôi phục một biểu tượng nổi tiếng của Paris và nước Pháp như công bố trước đó.

Theo ông Francesco Bandarin, một kiến trúc sư, cựu cán bộ cấp cao của Unesco, từng giữ chức Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới từ năm 2000 đến năm 2010 và là trợ lý Tổng giám đốc phụ trách văn hóa của UNESCO (2010-2018), vì Pháp là một bên ký kết Công ước Di sản Thế giới và Nhà thờ Đức Bà Paris là một phần tài sản Di sản Thế giới “Paris, bờ sông Seine”, các nguyên tắc quốc tế về bảo tồn được Công ước Di sản Thế giới thúc đẩy, dựa trên các Điều lệ của Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS) như Hiến chương Venice về bảo tồn và phục hồi di tích và di tích năm 1964, sẽ cần được tuân thủ trong quá trình tái thiết và phục hồi công trình nói trên.

Vẫn theo các quy định của đạo luật đã được Quốc hội Pháp thông qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ người trực tiếp và gián tiếp kiểm soát tất cả các giai đoạn của quá trình trùng tu, thay vì do cơ quan của Bộ Văn hóa quản lý như các công trình bình thường. Cùng với đó, luật cũng bao gồm quy định thành lập một cơ quan mới với quyền hạn rộng lớn và rộng khắp để chịu trách nhiệm điều phối và quản lý toàn bộ hoạt động trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris.

Sau khi đạo luật nói trên được thông qua, đầu tháng 7/2020, kế hoạch trùng tu Nhà thờ Đức Bà đã được trình lên cho Ủy ban Di sản và Kiến trúc Quốc gia (CNPA), hội đồng tư vấn chịu trách nhiệm xét duyệt các dự án trùng tu quan trọng ở Pháp.

Bản thiết kế của kiến trúc sư người Bỉ gốc Pháp Vincent Callebaut - Nhà thờ được tái thiết với mái bằng kính thân thiện với môi trường và có một khu vườn bên trong.

Bản thiết kế của kiến trúc sư người Bỉ gốc Pháp Vincent Callebaut - Nhà thờ được tái thiết với mái bằng kính thân thiện với môi trường và có một khu vườn bên trong.

Khẳng định quan điểm tôn trọng cấu trúc vốn có trước đây của Nhà thờ và khôi phục di tích về nguyên trạng, bản kế hoạch bao gồm việc xây dựng lại một ngọn tháp giống hệt với ngọn tháp được thiết kế vào thế kỷ 19 bởi kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc; trả lại diện mạo của Nhà thờ như trước vụ hỏa hoạn; sử dụng các vật liệu ban đầu, như gỗ để lợp mái nhà; đảm bảo tính chân thực, hài hòa và nhất quán của kiệt tác kiến trúc Gothic này.

Bản kế hoạch sau đó đã được CNPA thông qua. Trong phát biểu vào tháng 7/2020, Tổng thống Pháp chính thức tuyên bố chọn hướng phục dựng nguyên trạng Nhà thờ Đức Bà Paris, trung thành tuyệt đối với hình dáng cũng như cấu trúc, vật liệu gỗ và chì của ngọn tháp mũi tên như nó được cải tạo lần cuối vào giữa thế kỷ 19.

Tranh cãi chưa hồi kết

Cho đến nay, vào dịp kỷ niệm 3 năm xảy ra vụ hỏa hoạn, nhờ nỗ lực không ngừng của những người chịu trách nhiệm làm sạch bề mặt các bức tường, những mái vòm và phần sàn, Nhà thờ Đức Bà Paris đã khôi phục được bề ngoài màu trắng vốn có.

Dù đạo luật năm 2019 đã yêu cầu phải trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris một cách nguyên vẹn nhưng cùng với việc khôi phục lại kiến trúc của công trình như vốn có, việc trùng tu công trình hiện vẫn bao gồm kế hoạch thêm một vài chi tiết mới, tích hợp nghệ thuật đương đại vào các kiến trúc cổ, như thêm hệ thống chiếu sáng hiện đại hơn, thay thế những chiếc hộp xưng tội, bàn thờ và các tác phẩm điêu khắc cổ điển bằng các bức tranh treo tường theo phong cách nghệ thuật hiện đại cùng hàng loạt hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hay việc trang trí các nhà nguyện cổ nhiều chủ đề đa dạng với những trích dẫn trong Kinh thánh được chiếu lên vách tường bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Ngoài ra, dự kiến, Nhà thờ cũng sẽ được thêm một hệ thống cửa mới dành cho du khách, đồng nghĩa với việc khi Nhà thờ mở cửa trở lại dự kiến vào năm 2024, du khách sẽ đi vào bằng cửa lớn ở trung tâm chứ không phải cửa phụ như trước kia. Những thay đổi này được lý giải là hướng tới phục vụ tốt hơn “trải nghiệm của khách tham quan”.

Theo Đức ông Aumônier, Giám mục phụ trách thiết kế nội thất của nhà thờ thay mặt cho Giáo hội Công giáo, những thay đổi nói trên là một phần trong nỗ lực để công nhận giá trị của Nhà thờ không chỉ đối với nước Pháp mà còn trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình đã lên tiếng phản đối những chỉnh sửa như vậy. Một số chuyên gia Pháp cho rằng, dù chưa hoàn thiện nhưng với những thay đổi như vậy, diện mạo mới của Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ làm mất đi sự cổ kính vốn có, thay vào đó là những yếu tố hiện đại “vô hồn”.

“Nhà thờ sau khi trùng tu trông như lâu đài trong công viên giải trí trẻ con và quá tầm thường so với lịch sử và sự hùng vĩ trước đây. Thế hệ sau sẽ không bao giờ được tận mắt chiêm ngưỡng một nhà thờ Đức Bà đúng nghĩa như Tu viện Westminster hay Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Rome”, ông Maurice Culot, một kiến trúc sư từng đoạt nhiều huy chương và giải thưởng kiến trúc danh giá tại Paris, nhận định.

Ở chiều ngược lại, nhiều người vẫn bày tỏ sự tiếc nuối, thậm chí phê phán hướng phục dựng Nhà thờ theo phương án hiện nay. Theo luồng ý kiến này, việc sử dụng lại gỗ sồi, mái chì làm công trình khiến Nhà thờ sau khi được phục dựng vẫn đứng trước các nguy cơ hoả hoạn và gây nhiễm độc chì.

Bên cạnh đó, việc dùng lại kết cấu và vật liệu theo cách thực hiện cách đây hơn 8 thế kỷ và phục dựng nguyên trạng lại tháp mũi tên theo thiết kế của Viollet-le-Duc sẽ làm mất cơ hội cách tân, lồng ghép dấu ấn thời đại vào công trình này. Song, điều này là không thể tránh khỏi, một phần do những yêu cầu chặt chẽ của một công trình được xếp hạng trong quần thể di sản kiến trúc nhân loại của UNESCO.

Tái thiết công trình văn hóa có bề dày lịch sử hàng nghìn năm là điều không hề dễ dàng. Ông Bertrand De Feydeau, Phó chủ tịch Tổ chức bảo tồn du Patrimoine, cho rằng, ngay cả khi được xây lại, Nhà thờ Đức Bà Paris cũng sẽ không thể hoàn toàn như cũ.

Đọc thêm