Nhà yêu nước Phan Bội Châu - Biến phiên luận tội thành diễn đàn yêu nước

(PLO) -Bí mật đưa cụ Phan về nước để xử kín và tử hình, nhưng âm mưu của người Pháp không thành, việc bị lộ, và trước sức mạnh của quốc dân nước Nam, dù phiên tòa xử cụ có ra án nghị, nhưng Toàn quyền Pháp cuối cùng phải ký giấy ân xá cho nhà yêu nước. 
Cụ Phan Bội Châu
Cụ Phan Bội Châu

Đưa cụ Phan về nước, theo “Việt sử tân biên” (phần sách này có những quan điểm sai khác về người bán đứng cụ Phan không giống chính lời cụ kể trong “Phan Bội châu niên biểu”, độc giả có đọc, nhớ gạn lọc thông tin để tránh hiểu nhầm), Pháp giam cụ tại Hỏa Lò với cái tên Trần Văn Đức. Thế nhưng, việc vẫn lộ...

Bào chữa cho chính mình

Vốn cụ Phan dù bôn ba hải ngoại lâu ngày, nhưng toàn thể quốc dân đa phần đều biết đến cụ. Thế nên giám thị Hỏa Lò là Đội Kiêm biết được, kể cho vợ nghe, việc cứ thế truyền đi, tin lan nhanh chóng khắp Hà thành, chẳng bao lâu nơi nơi đều biết. Vậy là vỡ mưu xử kín, không còn cách nào khác và chẳng nên để lâu, thực dân Pháp đưa cụ ra xét xử, dĩ nhiên là phải công khai. 

Phiên tòa Đề hình được tổ chức ngày 23/11/1925 do Bride làm Chánh án; Dupuy, Bellié, Boyer làm Bồi thẩm; Arnoux Patrix làm Lục sự; Bona, Larre làm Trạng sư; Saintonge, Bùi Bằng Đoàn làm Thông ngôn. Liên tiếp mấy phiên xử, trong “Hồi ký Quách Tấn” cho hay “công chúng đến xem đứng chật cả trong ngoài”. Về việc xử cụ Phan, “Cận đại Việt sử diễn ca” viết:

“Đề hình họp xử mấy phiên,

Dài dòng cáo trạng oan khiên buộc vào”. 

Quả đúng như vậy. Sáng ngày hôm ấy, phiên tòa bắt đầu khoảng 8g25. Viên Chánh án hỏi cụ Phan về lai lịch, quê quán, cụ trả lời dõng dạc. Tiếp đến, Bride đọc bản cáo trạng có thông ngôn Saintonge dịch ra tiếng Việt, buộc cụ vào 8 tội, đại ý: 1. Khi ở Xiêm và Trung Hoa xúi giục, thủ mưu cùng Phạm Văn Tráng giết Tuần phủ Thái Bình; 2. Trong thời gian ấy, cấp cho Tráng hung khí làm việc này; 3. Xúi giục, thủ mưu với Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Khắc Cần ném bom khách sạn Hà Nội giết hai quan Tây; 4. Cấp lựu đạn cho Quý, Cần làm việc trên; 5. Dự mưu xúi giục dân hai xứ Bắc, Trung Kỳ làm loạn; 6. Cấp khí giới cho dân hai xứ làm việc trên; 7. Trong thời gian ấy, địa hạt trên có âm mưu bạo động, phát động nhiều cuộc rối loạn về chánh trị; 8. Dự vào những đoàn thể ở địa hạt trên mục đích làm hại sinh mạng, tài sản tư nhân. 

Cụ Bùi Bằng Đoàn làm thông ngôn trong vụ án xử cụ Phan Bội Châu
Cụ Bùi Bằng Đoàn làm thông ngôn trong vụ án xử cụ Phan Bội Châu

Dĩ nhiên nếu vin vào 8 tội trên, cụ Phan chỉ có thể bị án tử chứ chẳng còn đường sinh. Tiếp đó, Bride còn kể lại rành rọt hoạt động của cụ Phan từ thuở thiếu thời cho đến khi bị bắt. Chẳng lấy làm lúng túng, cụ Phan làm thầy cãi cho chính mình. Theo đó, xem trong “Vụ án Phan Bội Châu”, có thuật lại lời cụ, thì sau khi biện luận phản bác, cụ Phan khẳng định “Nếu tôi là người có tội, thì tôi chỉ có bốn tội sau đây:

1. Chính phủ Pháp sang bảo hộ nước Nam, không ai phản đối mà một mình tôi phản đối, lại muốn cho nước Nam độc lập.

2. Nước Nam xưa nay là chính phủ chuyên chế, mà tôi muốn cho nước Nam thành ra một dân quốc.

3. Nhà nước cấm không cho người đi du học ngoại quốc, mà tôi trốn đi và rủ người đi ngoại quốc.

4. Tôi trước thư, lập ngôn để cổ động dân Nam thức dậy, yêu cầu chính phủ cải lương chính trị, làm hết cái thiên chức khai hóa của mình”. 

Ấy, bốn cái tội ấy, lại thực là thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của nhà chí sĩ, vang lên giữa phiên tòa trước bao nhiêu thính giả quốc dân đang nghe như rót mật từng tiếng thần tượng của họ, cũng khác nào là lời “vạch mặt” cái gọi là “khai hóa” giả hiệu của thực dân đâu. 

Án khổ sai chung thân

Lời bào chữa đanh thép của cụ Phan, cũng chính là lời khẳng định cái nhiệt huyết cứu nước bấy lâu của cụ vậy. Nghe xong, viên Chánh án vặn hỏi “Cụ phản đối chính trị của chính phủ bảo hộ, hay là chính trị của nước Nam”.

Lại một lần nữa, nhãn quan chính trị sắc bén của nhà yêu nước được thể hiện: “Tôi muốn phản đối chính trị của chính phủ bảo hộ, còn như nước Nam có nước đâu mà có chính trị cho tôi phản đối”. Tiếp đó, cụ phản đối cả 8 điều luận tội của tòa, và khẳng định rõ “Năm 1913, tôi nghe tin tôi vào tội tử hình thì tôi vẫn đi lại ở Thượng Hải, có gì sợ đâu, vì tôi tự biết là tôi vô tội”. 

Trạng sư Bona cãi cho cụ đứng lên phát biểu, viên Chánh án sau đó xác định rõ, “Hội đồng Đề hình chỉ xét lại cáo án năm 1913 xử vắng mặt cụ vào tử hình mà thôi, còn việc từ năm 1913 trở về sau, thì không cần nói đến; vậy những tội kia cụ có nhận hay không thì nói”. Đáp lại lời hắn, cụ Phan một lần nữa khẳng định, nếu có nhận, chỉ nhận 4 tội do mình vạch ra, ngoài ra không nhận tội nào khác. Phiên xử buổi sáng dừng lại để buổi chiều tiếp tục.

Phiên buổi chiều diễn ra với nhiều tình tiết hấp dẫn, thể hiện sự ủng hộ không chỉ của người dự khán với nhà yêu nước vĩ đại, mà ngay cả hai trạng sự người Pháp, cũng tỏ rõ cảm tình với cụ Phan. Trạng sư Larre với sự chuẩn bị kỹ càng, đứng lên khái lược lại hoạt động cách mạng của nhà yêu nước người Việt, cũng như chỉ ra sự bất hợp lý trong việc “hợp tác” giữa chính quốc với thuộc địa. Trạng sư Bona tiếp nối, vẫn với cảm tình dâng cao đối với nhà yêu nước họ Phan. 

Trang báo Le Paria đăng bài “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” của Nguyễn Ái Quốc
Trang báo Le Paria đăng bài “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” của Nguyễn Ái Quốc

20g, phiên dịch Bùi Bằng Đoàn đứng ra dịch vắn tắt cho cụ Phan nghe. Tòa nghỉ giải lao để chờ nghị án. Ý kiến của hai trạng sư đều đề nghị tòa tha bổng cho cụ Phan, còn nhà yêu nước đất Nghệ thì cảm ơn phiên tòa đã diễn ra công khai. Nói về án quyết cuối cùng dành cho cụ Phan, trong “Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ” cho hay “Hội đồng Đề hình Pháp kết án cụ khổ sai chung thân”.

Còn lời thuật nơi “Vụ án Phan Bội Châu” của Bùi Đình xuất bản năm 1950, tức là sau vụ án này 25 năm, thì cho biết sau khi cụ Phan phát biểu “ông Chánh án lại ra lệnh nghỉ để Hội đồng bàn cãi. Và kết quả đa số dự thẩm đều đáp là “có”, nghĩa là phạm tám tội kể trên, nhưng xét án tình cũng nên có chỗ khoan dung.

Vậy chiếu luật, trong tám tội đáng phạt khổ sai chung thân, còn một tội đáng tử hình, nhưng tòa lượng thứ kết án phạt: KHỔ SAI CHUNG THÂN”. Vẫn khảng khái như bấy lâu, cụ Phan đáp lại việc không nhận 8 tội danh trên và quyết chống án. Hội đồng chấp thuận đề nghị ấy.

Xin chết thay nhà yêu nước

Trong phiên tòa xử cụ Phan, có một tình huống xảy ra ngoài dự liệu của những người điều khiển phiên tòa, được “Việt sử tân biên” ghi lại. Theo đó trước khi nghị án, viên Bồi thẩm Boyer là người phát biểu cuối cùng và yêu cầu xử tử cụ Phan, làm đám đông dự khán phía dưới không khỏi ồn ào xúc động. Giữa lúc ấy…

… Một người chừng 50 tuổi mặc quốc phục “rẽ đám thính giả hết thảy có nét lo âu trên mặt mạnh dạn bước vào. Nhân viên giữ trật tự ngăn không nổi, mọi người đều nhốn nháo quay đầu nhìn, lấy làm lạ lùng hết sức, kể cả viên Chưởng lý Pháp. Mấy tên sen đầm Pháp liền nắm lấy tay ông ta. Chánh thẩm Bride ra lệnh ngừng xử và cho mõ tòa Mahamed hỏi ông về sự đột ngột.

Đây là một nhà nho, mặc đồ đen, đội khăn lượt, tầm vóc nhỏ nhưng vẻ mặt cương quyết bước lẹ đến trước vành móng ngựa giơ tay tự giới thiệu là “Nguyễn Khắc Doanh, quán ở Trình Xuyên huyện Nam Trực tỉnh Nam Định, xin nộp đơn tình nguyện chết thay cho cụ Phan”.

Tượng cụ Phan Bội Châu tại Huế.
Tượng cụ Phan Bội Châu tại Huế.

Tất nhiên, đề nghị ấy bị bác bỏ, còn ông Doanh bị kéo ra khỏi pháp đình. Nhưng tình huống ấy, tỏ rõ hơn bao giờ hết sự ủng hộ của quốc dân với nhà chí sĩ đang bị thực dân công khai mưu hại qua phiên tòa này. Sau khi án được tuyên, kháng nghị của cụ Phan được gửi lên Hội đồng Bảo hộ.

Như chúng ta đã biết, thời gian sau đó, khắp nơi nơi rầm rộ nổ ra phong trào đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu của các giới. Án chung thân khổ sai của thực dân quàng vào cổ cụ, chỉ càng làm cho tinh thần đoàn kết, ngọn lửa yêu nước của dân Việt buổi ấy thêm ngùn ngụt mà thôi.

Sau này, Toàn quyền Varenne đã phải họp Hội đồng Bảo hộ để xem xét lại bản án. Trước sức mạnh của lòng dân Việt, chính phủ bảo hộ phải ân xá, tha bổng cho nhà yêu nước, nhưng giam lỏng cụ tại Bến Ngự của Huế cho đến cuối đời.

Nhà yêu nước họ Phan từng tổng kết đời hoạt động của mình rằng, 100 thất bại không có 1 thành công. Nhưng dẫu ý nguyện chưa đạt, mà tấm lòng và hành động của cụ, đã khuấy động hồn quốc dân Việt sâu lắm rồi.../.

Đọc thêm