Nhạc sĩ Hoàng Nguyên - người đội vương miện cho nhan sắc Đà Lạt

(PLVN) - Với “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ hoa đào”…, nhạc sĩ Hoàng Nguyên được coi là người đội vương miện cho nhan sắc Đà Lạt. Đây là những ca khúc ra đời trong thời gian nhạc sĩ gắn bó với thành phố mù sương ở tuổi hoa niên tươi đẹp, lãng mạn…

 

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên - người đội vương miện cho nhan sắc Đà Lạt

Mối tình âm nhạc với thành phố mù sương

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên tên khai sinh là Cao Cự Phúc, sinh năm 1930 tại xã Diễn Bình (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Sau một thời gian học hành ở Huế, ông lên Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) dạy học ở trường Bồ Đề từ năm 1954. Tại thành phố sương mù, bằng vốn kiến thức được trau dồi những ngày đi theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương ở Liên khu 4, anh giáo viên Cao Cự Phúc bắt đầu viết nhạc với bút danh Hoàng Nguyên.

Ca khúc đầu tiên nhạc sĩ Hoàng Nguyên viết về Đà Lạt là nhạc phẩm “Bài thơ hoa đào”. Có lẽ bởi tới từ vùng đất khô nóng, lần đầu tiên chạm mặt vào hơi sương lạnh, ngắm nhìn màu hoa đào mơ màng, rực rỡ, Hoàng Nguyên đã bật ra xúc cảm để viết những ca từ ca ngợi loài hoa đặc trưng nhất của thành phố mù sương: “Ngày nào dừng chân phiêu lãng/ Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi”.

Nhưng dù cảm hứng được nảy sinh từ hoa hay sương, nó vẫn không khỏi gắn với tuổi xuân, với tình yêu, với những dáng thiếu nữ áo dài xinh đẹp của phố núi: “Màu hoa in dáng trời/ Tình hoa lưu luyến người”.

Sau một vài năm sống và dạy học ở Đà Lạt, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã tích đủ tình yêu, sự gắn bó và cảm hứng để viết lên một trong những ca khúc tuyệt vời nhất, ca khúc mà dường như ai cũng biết về Đà Lạt. Đó là “Ai lên xứ hoa đào”.

Chắc hẳn rằng, trái tim đôi mươi dâng tràn nhựa sống, tình yêu của chàng trai trẻ mang tâm hồn nhạc sĩ đã vang lên những lời thúc giục, đòi hỏi thốt lên những lời tình nồng nàn. Ngay từ những lời đầu tiên, những nốt nhạc đầu tiên được cất lên, một Đà Lạt mơ huyền, lãng mạn, một Đà Lạt mang đậm “chất Đà Lạt” đã hiện ra trong lòng người nghe: “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi/ Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều xuân mây êm trôi/ Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ”.

Tờ nhạc “Ai lên xứ hoa đào” lần đầu phát hành
 Tờ nhạc “Ai lên xứ hoa đào” lần đầu phát hành

Ca từ tuyệt đẹp, giai điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào đã mang lại cho “Ai lên xứ hoa đào” một vị trí đặc biệt trong lòng người Đà Lạt, người yêu Đà Lạt và làng âm nhạc Việt. Và dù bài hát đã ra đời quá nửa thế kỷ, nhưng mỗi khi nhắc tới Đà Lạt, không ai có thể không nhớ tới ca khúc tuyệt vời này.

Không chỉ có “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ hoa đào” viết cho Đà Lạt, Hoàng Nguyên còn “Hoa đào ngày xưa”, “Đà Lạt mưa bay” dành cho phố núi. Đặc biệt, “Đà Lạt mưa bay” vẫn mang dáng dấp một Hoàng Nguyên tài hoa, đa tình với những dáng hình thiếu nữ dịu dàng: “Sương mù chiều vương trên làn tóc rối/ Chiếc gối chung đầu mình kể chuyện đêm đêm/ Chừ em đi rồi mình tôi còn ở lại/ Đà Lạt buồn mưa mãi mãi không thôi/ Sương ngủ trên đồi sương vây thành phố/ Nhớ cánh hoa đào nào vương trên áo tôi”.

Đà Lạt trong ca khúc Hoàng Nguyên quen mà lạ. Quen bởi những gì ông nhắc tới đều là những điều đặc trưng nhất của phố núi: là sương, là hoa, là thông, là tà áo dài thấp thoáng trong sương. Lạ bởi những hình ảnh thân quen ấy được nhìn qua lăng kính một tâm hồn lãng mạn, một “người phiêu lãng” như ông tự nhận về mình.

Ca từ lãng mạn, âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Nguyên cũng không khác, nhẹ nhàng, ngọt ngào, tha thiết như một lời tự sự. Giữa tuổi hoa niên cháy bỏng, ông đã trao hết tài năng thiên phú vào những ca khúc dâng tặng thành phố mù sương, nơi ông neo bước trên đường lữ hành xa tít.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (1940 - 2016, người em và là học trò thân thiết được nhạc sĩ Hoàng Nguyên dìu dắt trong thời gian dạy học ở trường Bồ Đề) từng chia sẻ: “Thầy Hoàng Nguyên sống rất lặng lẽ, hàng ngày chỉ đến trường học rồi về nhà cặm cụi bên cây đàn. Khi tôi theo học nhạc thì thầy cư ngụ ở khu vực Nhà thờ Con Gà. Thầy hiền lành và chan hoà với mọi người. Thầy chơi được rất nhiều nhạc cụ khác nhau. Dù mục đích tôi chỉ học chơi nhạc cụ, nhưng thầy đã gợi ý cho tôi đi theo con đường sáng tác ca khúc. Những bài hát đầu tay của tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều phong cách của thầy”.

Sống ở Đà Lạt được vài năm, nhạc sĩ Hoàng Nguyên rời phố núi bởi những biến cố bất ngờ. Theo lời nhạc sĩ Nguyễn Ánh, nhạc sĩ Hoàng Nguyên ít có dịp quay lại Đà Lạt. Nhưng tình yêu trong ông dành cho thành phố mù sương, nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp nhất thuở hoa niên thì không bao giờ phai nhạt. Vẫn thoảng đâu đó trong những ca khúc ông viết trong hoàn cảnh khác, tâm trạng khác, nhưng có chút mơ màng của phố núi.

Cung đàn tài hoa bạc mệnh

Năm 1956, trong một đợt truy lùng của chính quyền Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Nguyên bị nghi vấn tham gia kháng chiến nên bị khám xét nhà. Mật vụ đã tìm thấy trong hộc tủ có bản nhạc “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao nên anh giáo viên Cao Cự Phúc lập tức phải chịu án lưu đày ra Côn Đảo.

Dù là thân phận người tù, nhưng tài hoa của nhạc sĩ Hoàng Nguyên rất được mến mộ. Chỉ huy ngục Côn Đảo đã mời ông về tư dinh để dạy nhạc và dạy văn cho con gái cưng 19 tuổi. Không ngờ, lửa tình giữa chàng nhạc sĩ và cô học trò bùng cháy mãnh liệt. Cuộc tình ấy đã cho kết quả là cô học trò mang thai.

Chỉ huy ngục Côn Đảo lập tức tìm cách giải quyết hậu quả. Trước hết, vận động thả nhạc sĩ Hoàng Nguyên về Sài Gòn, rồi lo liệu đám cưới. Thế nhưng, Hoàng Nguyên đợi mãi vẫn không thấy người yêu xuất hiện. Thì ra, chỉ huy ngục Côn Đảo vẫn hoài nghi lý lịch của ông nên không dám chấp nhận ông làm rể. Do đó, chỉ huy ngục Côn Đảo đã đưa con gái mình về quê Huế sinh nở và sắp xếp một cuộc hôn nhân khác.

Bẽ bàng cho cuộc tình tan thành mây khói, nhạc sĩ Hoàng Nguyên viết ca khúc “Cho người tình lỡ” rất lâm ly: “Khóc mà chi, yêu thương qua rồi/ Than mà chi, có ngăn được xót xa/ Tiếc mà chi, những phút bên người/ Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua/ Anh giờ đây như là chim/ Rã rời cánh biết bay phương trời nào/ Em giờ đây như cành hoa/ Trót tả tơi đón đưa ngọn gió nào”.

Năm 1961, nhạc sĩ Hoàng Nguyên vào học Khoa Anh văn ở Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và tiếp tục đi dạy học. Trong thời gian học tại đây, do sớm nổi tiếng, nhạc sĩ Hoàng Nguyên kết thân với nhiều nhân vật thành đạt trong xã hội Sài Gòn lúc ấy. Một trong những người có quan hệ gắn bó với ông là nữ diễn viên Huỳnh Khanh. Nữ diễn viên đã đưa ông đến gặp chồng mình là Tỉnh trưởng Phan Thiết Phạm Ngọc Thìn.

Cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên
 Cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên

Ông Thìn sau đó nhờ nhạc sĩ Hoàng Nguyên làm gia sư cho con gái Phạm Thị Ngọc Thuần. Kết quả, nữ sinh Phạm Thị Ngọc Thuần không đậu đại học mà trở thành vợ của nhạc sĩ Hoàng Nguyên và sinh cho ông 3 người con.

Ngày 21/8/1973, nhạc sĩ Hoàng Nguyên bị tai nạn giao thông qua đời tại Vũng Tàu. Xung quanh cái chết bất ngờ ở tuổi 43 của ông có nhiều đồn đoán khác nhau. Và đến nay, cái chết đầy bí ẩn này vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

“Nhạc sĩ Hoàng Nguyên vĩnh viễn ra đi đã gần nửa thế kỷ, gửi lại cho đời không ít những tác phẩm đáng trân trọng bởi nét nhạc tài hoa và ca từ thấm đậm”, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng chia sẻ.

Có lẽ, trong lòng những người yêu nhạc sẽ mãi mãi vang vọng những giai điệu kỷ niệm của một thời. Và, khi dâng lên câu hát: “Ai lên xứ hoa đào…”, người Đà Lạt không quên nhạc sĩ Hoàng Nguyên, cũng như hàng triệu trái tim yêu âm nhạc không quên ông - người nhạc sĩ đã dành cho Đà Lạt những ca khúc tuyệt vời.

Đọc thêm