“Tiếng đờn liêu trai, phù thủy, độc nhứt vô nhị”
Dẫu biết đã vượt qua cái ngưỡng “bách tuế” xưa nay hiếm nhưng khi nghe tin nhạc sư Vĩnh Bảo ra đi về cõi an lành thì trong lòng những người mộ điệu đều không khỏi chua xót, tiếc thương. Buồn cho sự mất mát, sự tổn thất quan trọng cho loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Một cây đại thụ, bậc thầy của các thầy dạy nhạc đã vĩnh viễn ra đi...
Có thể nói ở Việt Nam, nhạc sư Vĩnh Bảo là người duy nhất vừa là nhạc sĩ trình tấu vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, lại vừa là người đóng đàn sáng tạo. Ông cũng là người cao tuổi nhất dạy đàn dân tộc, thậm chí còn dạy qua mạng internet cho học trò khắp thế giới.
Lúc sinh thời, dù hơn 100 tuổi nhưng ngón đờn của nhạc sư vẫn điệu nghệ, trầm bổng, du dương, cuốn hút và làm lay động tâm hồn dân mộ điệu. Tiếng đờn ấy không chỉ phát ra từ những lần bấm, gãy phím đờn mà là tiếng lòng tâm cảm khởi phát từ trái tim, tâm hồn của vị nhạc sư. Thăng trầm của cuộc đời như hòa quyện vào những âm thanh trầm bổng tạo nên tiếng đờn của cuộc sống, của tình đời. Hình như với nhạc sư giữa ông và âm nhạc đã quyện vào nhau, tuy một mà hai, tuy hai mà một.
|
Nhạc sư Vĩnh Bảo đang nói chuyện với Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Thuận, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp. |
Tiến sĩ Lịch sử văn hóa Lê Hồng Phước - một học trò của nhạc sư Vĩnh Bảo từng có 2 câu thơ nói về tiếng đàn của thầy mình như sau: “Nhạc quyện vào hồn, hồn thành nhạc/ Hồn nương tiếng nhạc nhạc hóa hồn”. Đồng thời, theo TS Lê Hồng Phước, nhạc sư Vĩnh Bảo đã gắn bó với cổ nhạc gần trọn trăm năm. Những thịnh suy của đờn ca tài tử Nam Bộ và nghệ thuật cải lương từ khi mới mình thành ông đều trải nghiệm đầy đủ. Cố GS Trần Văn Khê xem nhạc sư Vĩnh Bảo là “hậu tổ” của Đờn ca Tài tử Nam Bộ.
Nhạc sư Vĩnh Bảo ngoài trăm tuổi nhưng tiếng đờn của ông thì không có tuổi. Bàn tay lả lướt trên cung đàn, những nốt nhạc nhấn nhá mềm mại trong trẻo và lảnh lót theo từng cung bậc cảm xúc. Từ tiếng nhạc của làng quê, của một vùng đất, ông đã biến nó thành nét đặc sắc của dân tộc và lan tỏa sang nhiều quốc gia trên thế giới. Cố GS Trần Văn Khê từng đánh giá: “Chưa từng nghe ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: phong phú, bay bướm, sâu sắc. Nếu ngày nào đó nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo mất đi, thế giới sẽ mất đi tiếng đàn liêu trai, phù thủy độc nhứt vô nhị”.
Khát khao lưu giữ nét nhạc cổ truyền nguyên bản
Cô Thu Anh - con gái nhạc sư kể về việc đầu tháng 12/2020 nhạc sư hôn mê. Nhiều học trò đến thăm, nhạc sư hoàn toàn không hay biết. Mãi đến khi nghe tiếng đàn của NSƯT Văn Hai, đạo diễn Tấn Phát và TS Lê Hồng Phước thì nhạc sư chợt mấp máy môi và hé mắt nhìn. Cứ như thế, mỗi khi nghe giai điệu tài tử của quê hương, nhạc sư lại như có thêm chút sức lực để phục hồi nghe đàn nghe hát và mấp máy môi gọi đúng tên từng người. Có lúc Nhạc sư nói nói những câu bằng tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ mà ngày trước nhạc sư hay dùng để làm thơ, viết văn.
Với nhạc sư, âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn, liên hệ trực tiếp với tim, với não và cuộc sống sâu kín. “Mỗi khi đàn, tôi lại đắm chìm vào trạng thái tĩnh lặng, tìm về nội tâm, hiểu bản thân mình, nỗi thống khổ của kiếp người để tự thanh lọc, tự giải thoát ra khỏi những nguồn gốc của giận dữ, thù hận, sợ hãi. Âm nhạc đưa tôi trên con đường đi tìm chân lý, yêu mến cái đẹp của thiên nhiên, con người, cuộc đời, yêu tất cả mọi người không phân biệt màu da, ngôn ngữ, địa vị, văn hóa...”, nhạc sư từng chia sẻ.
|
Đông đảo bạn bè và học trò chúc mừng Nhạc sư nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ. |
Trong suốt quãng thời gian gắn bó với âm nhạc, ngót ngét gần một thế kỷ làm việc miệt mài, tận tụy cho âm nhạc dân tộc nhưng với nhạc sư thế vẫn chưa đủ và không ngừng nỗ lực khi còn có thể. “Âm nhạc thì vô cùng, mà đời người thì hữu hạn. Tôi vẫn còn những ước mơ về âm nhạc chưa với tới được và còn nhiều kế hoạch vẫn phải tiếp tục...” Mong muốn lớn nhất trong cuộc đời nhạc sư Vĩnh Bảo là làm sao có thể lưu giữ những nét nhạc cổ truyền nguyên bản nhất cho thế hệ trẻ.
Trong một lần trò chuyện, nhạc sư còn tự coi mình là người của thời xưa, được trải nghiệm, làm chứng nhân, thụ hưởng chút gì đó của tiền nhân đã dày công thể nghiệm, sáng tạo. Và bây giờ ông làm nhiệm vụ “người cộng tác với người đương thời”, nơi nương tựa của hậu thế và sẵn sàng san sẻ những gì đã biết, đã học cho tất cả mọi người, không phân biệt...giống như trong bài thơ “Chân dung tự họa” (năm 2019), nhạc sư đã viết: “Trăm lẻ hai tuổi, tâm huyết vẫn còn/ Như cây cổ thụ, che bóng cành non/ Muốn trao báu vật cả đời tích lũy/ Cho cả mọi người, không chỉ cháu con”.