Chính phủ Nhật đã quyết định dành khoản vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá lên tới 40 tỷ Yên, tương đương khoảng 480 triệu USD, cho chương trình thăm dò vũ trụ của Việt Nam, tờ Yomiuri Shimbun của nước này cho biết.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Trung tâm vũ trụ Tsukuba. |
Theo tờ báo trên, đây sẽ là lần đầu vốn ODA của Nhật Bản được phân bổ cho lĩnh vực vũ trụ. Khoản vốn vay này được cho là sẽ chi vào ba dự án, bao gồm một trung tâm mặt đất, hai vệ tinh quan sát, và chương trình đào tạo kỹ sư.
Nguồn tin thân cận còn tiết lộ với Yomiuri Shimbun rằng, quyết định cuối cùng về khoản viện trợ sẽ được đưa ra trong tháng 1 này tại một cuộc gặp cấp bộ trưởng về gói hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài. Sau đó, thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam sẽ được hoàn tất vào tháng 6 năm nay.
Theo giới quan sát, động thái trên cho thấy Tokyo đang muốn gia tăng uy tín toàn cầu về công nghệ vũ trụ của Nhật Bản, đồng thời hy vọng dự án góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp tại đất nước mặt trời mọc. Một số quan chức của Chính phủ Nhật nói với tờ Yomiuri Shimbun rằng, Nhật Bản hy vọng trúng thầu cả ba dự án về vũ trụ trong khuôn khổ khoản hỗ trợ ODA này tại Việt Nam. Mục tiêu của Tokyo là sẽ hoàn tất một hợp đồng chính thức vào mùa thu năm nay.
Cũng theo tờ Yomiuri Shimbun, dự kiến, trung tâm vũ trụ sẽ được xây dựng tại khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc. Tại đây sẽ có một trung tâm thử nghiệm cho việc lắp đặt vệ tinh, một trung tâm vận hành về tinh và phân tích dữ liệu, và một ăng-ten lưỡng hướng lớn với bán kính 7m.
Theo dự kiến, một trong hai vệ tinh quan sát trái đất sẽ được sản xuất tại Nhật Bản và sẽ được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa H-2A từ trung tâm vũ trụ Tanegashima của Nhật vào năm 2017. Các công ty phát triển vũ trụ tư nhân của Nhật và cơ quan thăm dò vũ trụ của nước này sẽ đào tạo các kỹ sư Việt Nam về sản xuất và vận hành vệ tinh cũng như phân tích dữ liệu. Vệ tinh còn lại sẽ được sản xuất bởi các kỹ sư đã được phía Nhật đào tạo, quá trình sản xuất được kỳ vọng sẽ bắt đầu tư khoảng năm 2019. Nhật Bản sẽ chuyển linh kiện và kỹ sư tới Việt Nam để chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh này vào năm 2020.
Tờ Yomiuri Shimbun nhận định, việc Chính phủ Nhật quyết định cấp vốn ODA cho chương trình phát triển công nghiệp vũ trụ tại Việt Nam là một sự chuyển hướng chính sách đặc biệt. Trước đây, vốn ODA của nước này chủ yếu tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng như cầu đường, trong khi những dự án như phóng vệ tinh nhân tạo hay phát triển tên lửa bị xem là “xa xỉ”.
Tuy nhiên, dữ liệu quan sát do vệ tinh cung cấp đóng một vai trò quan trọng trong thời đại ngày nay trong việc dự báo và giảm thiểu tác động của thiên tai. Đây là lý do chính đằng sau sự thay đổi quan điểm của Tokyo. “Hoạt động hỗ trợ sử dụng công nghệ vũ trụ của Nhật Bản sẽ làm lợi cho nền ngoại giao của đất nước”, một quan chức Chính phủ Nhật nói.
Nhiều quốc gia đi đầu về công nghiệp vũ trụ đã tìm đến các nền kinh tế đang phát triển nhằm mở rộng thị trường. Năm ngoái, Nhật đã bắt đầu bán vệ tinh cho châu Phi và Mỹ Latin. Nhưng trong việc phát triển thị trường này, Nhật vẫn tỏ ra chậm chân hơn so với châu Âu và Trung Quốc.
Việt Nam đã phóng vệ tinh viễn thông đầu tiên vào năm 2008 và đang xây dựng một trung tâm tiếp nhận dữ liệu.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam