Theo đó, nhiệm vụ thứ năm được xác định là: “Thứ năm, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật (HTPL), cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Bản thân nhiệm vụ thứ năm đã cho thấy nhiều “nội hàm”, nhiều nội dung rộng lớn, thuộc về thể chế luật pháp của đất nước, vừa vĩ mô và vi mô, vừa có ý nghĩa cấp thiết, vừa lâu dài. Chỉ riêng nội dung hoàn thiện đồng bộ HTPL đã cho thấy: đó là nhiệm vụ vô cùng lớn.
Hoàn thiện đồng bộ HTPL là nhiệm vụ được Đảng đặt ra từ lâu. Năm 2005, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện HTPL đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48-NQ/TW). Nghị quyết là văn kiện đầu tiên của Đảng chuyên sâu về công tác pháp luật. Nghị quyết này có 06 nội dung định hướng xây dựng và hoàn thiện HTPL Việt Nam và đề ra 02 nhóm giải pháp trọng tâm với nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện.
Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, tuần trước, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Như vậy, chỉ riêng CCHC, đất nước đã trải qua 20 năm với hai chương trình cho hai giai đoạn 2001 – 2010 và giai đoạn 2011 – 2020.
Hội nghị đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Chắc chắn sắp tới Chính phủ sẽ có Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, vì CCHC là giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như Đại hội XIII đề ra.
Đất nước đã và đang phát triển, thế và lực hoàn toàn mới. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn hạn chế, năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn bất cập; những thách thức an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu… đối với đất nước ngày càng nặng nề, khó dự báo.
Để năm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, không thể không tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện HTPL (trong đó có thể chế luật pháp, thể chế thị trường...) gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng HTPL thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận. Hoàn thiện đồng bộ HTPL luôn là nhiệm vụ trọng tâm.