Nhiều ĐH đang chật vật "níu" chân thí sinh

(PLO) - Hôm nay (10/9) là ngày kết thúc đợt 2 xét tuyển cao đẳng, đại học. Trong khi hầu hết các trường đại học công lập  gần như đã đủ chỉ tiêu tuyển sinh thì nhiều trường cao đẳng, trường ngoài công lập  lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển khá ít ỏi.
Nhiều ĐH đang chật vật "níu" chân thí sinh
Nhận thừa vẫn lo “ảo”
Mặc dù nhiều trường ĐH công lập cho biết đã nhận được lượng hồ sơ tương đương với chỉ tiêu cần tuyển nhưng chưa thể chắc chắn là đã khép lại công tác tuyển sinh hay chưa. ĐH Mỏ - Địa chất nhận gần 2.000 hồ sơ/1.450 chỉ tiêu. Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết đợt này Trường xét tuyển 119 chỉ tiêu cho các ngành: Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp, Công tác xã hội, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất. Đến thời điểm này, việc tuyển sinh của Trường có thể coi là khá khả quan khi số hồ sơ nộp vào trường khá cao. 
Tương tự, Trường ĐH Điện lực (Hà Nội) cho hay tuyển 900 chỉ tiêu cho cả hệ ĐH và CĐ nhưng sau một nửa thời gian xét tuyển đã nhận được hơn 1.000 hồ sơ. Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cũng nhận được số hồ sơ xét tuyển nhiều hơn với 290 chỉ tiêu bổ sung cho hệ ĐH và CĐ ngay khi mới xét tuyển được một nửa thời gian. 
Học viện Thanh, Thiếu niên Việt Nam tuyển bổ sung 220 chỉ tiêu nhưng số hồ sơ nhận được đã vượt nhiều lần, điều đặc biệt là nhiều hồ sơ xét tuyển vào trường này có điểm khá cao, từ 21-24 điểm, trong khi điểm nhận xét tuyển lại chỉ ở mức trung bình là 16.
Ở đợt 2 này, việc Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh nộp cùng một lúc cả 3 giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho 3 đợt xét tuyển bổ sung khiến mỗi thí sinh có đến 12 nguyện vọng xét tuyển. Điều này dẫn đến khả năng các trường sẽ không tuyển đủ thí sinh bởi tỷ lệ hồ sơ “ảo” khá  lớn. Nếu rơi vào tình trạng này, các trường sẽ phải tiếp tục công bố xét tuyển bổ sung đợt 3, kéo dài thêm 10 ngày tuyển sinh nữa.
Và “ngồi trên đống lửa”
Trong khi các trường ĐH công lập phần nào yên tâm về lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung thì tình hình tuyển sinh của nhiều trường ngoài công lập không mấy khả quan. Đành rằng trường công lập và ngoài công lập đều phải đối mặt với tình trạng thí sinh “ảo”, tuy nhiên, phần bất lợi trong cuộc cạnh tranh giữ chân thí sinh luôn rơi về phía các trường ngoài công lập bởi mức học phí cao hơn các trường công lập. 
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết mới nhận được trên 1.000 hồ sơ và sẽ còn khoảng 3.000 chỉ tiêu để tiếp tục xét tuyển. Trường ĐH Nguyễn Trãi cũng cho biết còn khoảng 300 chỉ tiêu trên tổng số 800 chỉ tiêu. Trường này sẽ liên tục nhận hồ sơ cho các đợt xét tuyển từ nay đến khi đủ chỉ tiêu hoặc tới khi kết thúc thời hạn xét tuyển quy định của Bộ GD-ĐT vào cuối tháng 10.
Trường ĐH Dân lập Đông Đô năm nay tuyển 1.500 chỉ tiêu nhưng mới tuyển được 500 thí sinh trong đợt 1,  1.000 chỉ tiêu còn lại, nhà trường sẽ tuyển trong đợt xét tuyển bổ sung. Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội có 1.200 chỉ tiêu, trong đợt xét tuyển nguyện vọng đợt 1 nhà trường đã tuyển được 450 thí sinh, 750 chỉ tiêu còn lại nhà trường sẽ tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trường CĐ Nghề Kinh tế Công nghệ TP.HCM mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh là 1.600 nhưng tính cho đến thời điểm hiện tại, trường chỉ mới chắc chắn tuyển được 400 em, bằng 1/4 so với kế hoạch đề ra.
Lý giải về việc xét tuyển ế ẩm, đại diện một số trường CĐ cho biết, do năm nay có đến 5 đợt xét tuyển nên nhiều thí sinh vẫn cố gắng nộp hồ sơ vào các trường ĐH, chỉ khi không còn cơ hội mới nghĩ đến việc nộp hồ sơ vào trường CĐ hay trung cấp. Và việc phải chờ thí sinh cho đến đợt xét tuyển cuối cùng là 20/11 để đủ chỉ tiêu sẽ khiến các trường gặp khó khăn trong công tác đào tạo. 
Thêm một lý do nữa dẫn tới việc các trường CĐ gặp khó khăn trong tuyển sinh là điều đã được báo trước khi nhiều trường ĐH được Bộ GD-ĐT duyệt đề án tuyển sinh riêng với việc xét học bạ THPT. Năm nay, sau khi kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức xong, thí sinh đã có điểm thì Bộ GD-ĐT định mức điểm sàn ĐH là 15, CĐ là 12. 
Nhưng nếu nhìn vào tưởng là các trường CĐ đã có một thị phần riêng là những thí sinh có điểm thi từ 12 đến dưới 15 nhưng thực tế nó không có giá trị bởi ngay cả thí sinh có kết quả thi dưới 12 điểm vẫn có thể trúng tuyển ĐH bằng cách xét học bạ. 
Hiệu trưởng một trường CĐ khác thì cho rằng, chỉ những trường CĐ công lập có thương hiệu mới dễ tuyển sinh, còn lại thì rất khó. Bởi lẽ thực tế, tâm lý xã hội vẫn thích có bằng ĐH hơn là CĐ và đường vào ĐH lại quá dễ dàng so với trước kia. Đó là chưa kể học phí so sánh giữa trường ĐH và CĐ ngoài công lập chênh lệch nhau không nhiều nên đa phần TS vẫn chọn học ĐH hơn là CĐ.
Có thể nói, bức tranh tuyển sinh năm nào cũng vậy, nếu như có những trường “gạt” không hết thí sinh thì ngược lại những trường tư, trường ĐH địa phương rất khó tuyển sinh dù họ có đưa ra rất nhiều ưu đãi, mời gọi. Bởi đích đến của hầu hết thí sinh là những trường ĐH có thương hiệu và uy tín. Việc khó tuyển sinh cũng bởi hầu hết các tỉnh đều có ĐH địa phương và thí sinh không mấy mặn mà…
Nhận hồ sơ xét tuyển đợt 3 từ ngày 11 đến 21/9
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường xét tuyển bổ sung đợt 2 sẽ  công bố kết quả trúng tuyển trước ngày hôm nay 10/9. Đợt 3, các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ ngày mai 11/9 đến 21/9, công bố kết quả trúng tuyển trước 24/9. Đợt 4, các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu chủ động công bố thời gian nhận hồ sơ từ ngày 25/9 đến ngày 15/10 và công bố kết quả trúng tuyển trước 19/10. Tuyển sinh ĐH kết thúc ngày 20/10.

Đọc thêm