Người nuôi trồng thủy sản "khóc ròng" vì thiệt hại
Suốt nhiều tháng qua, gần 30 hộ dân gồm nhiều hộ nuôi trồng thủy hải sản xung quanh khu vực cầu Sông Cạn (thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) liên tục phản ánh tình trạng ô nhiễm nguồn nước do xả thải từ một số công ty trong khu vực nhưng tình hình không hề được cải thiện.
Anh Hồ Văn Thành (người nuôi thủy hải sản ở xã Cam Thịnh Đông) cho biết: “Trong khu vực có nhà máy của Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cam Ranh, phía đối diện là Nhà máy của Công ty Yến sào Khánh Hòa hoạt động. Việc họ xả thải ra môi trường mà trực tiếp là nguồn nước ở sông Cạn đã làm cho các hộ nuôi trồng thủy hải sản như chúng tôi điêu đứng. Riêng tôi năm vừa rồi có 3 đìa tôm, cá mú bị mất trắng, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng do nguồn nước bị ô nhiễm. Nhiều hộ dân thua lỗ đành chấp nhận không làm nữa mà bỏ đìa không, xót xa lắm”.
Chỉ tay vào dòng nước đen kịt, hôi thối đầy ruồi nhặng ngay trước mặt, anh Thành nói thêm: “Nước ở cầu Sông Cạn bị ô nhiễm nặng, cứ thủy triều lên thì chảy vào khu dân cư, thủy triều rút lại chảy ra biển, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân và nguồn nước mà chúng tôi dẫn vào đìa”.
Ông Trần Đức Tú (người nuôi trồng thủy hải sản tại thôn Hiệp Thanh) giãi bày: “Nhà tôi ở TP Cam Ranh nhưng nuôi trồng thủy hải sản ở đây đã lâu. Tôi có 4 đìa. Con trai tôi là Trần Đức Vương có 3 đìa, nhưng đều phải bỏ vì không làm được, nước bị ô nhiễm thế này chẳng cá tôm nào sống được”.
Theo ông Tú, diện tích nuôi trồng thủy hải sản tại Hiệp Thanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc ô nhiễm nguồn nước do xả thải ước tính khoảng 30ha. “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh sự việc lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết”, ông Tú cho hay.
Đại diện một hộ nuôi trồng thủy hải sản khác là ông Cao Văn Hồng bức xúc: “Tôi là người dân ở đây, nuôi tôm và ốc hương cũng gần 20 năm rồi. Việc nhà máy của Công ty Yến sào Khánh Hòa xả thải ra sông Cạn kéo dài gần 2 năm nay. Trước đây họ xả thải ra cầu nước mặn trong thôn Mỹ Thanh đã bị người dân phản đối nên họ di dời ống xả thải ra thôn Hiệp Thanh này”.
Cũng theo ông Hồng, tháng 6/2015, thông qua tiếp xúc cử tri ông đã phản ánh việc này lên UBND TP Cam Ranh và cả tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, các ban ngành có về kiểm tra, xác nhận việc xả thải của Công ty Yến sào Khánh Hòa, yêu cầu công ty này phải xử lý lọc lắng, đảm bảo tiêu chuẩn xả thải. “Nhưng đến nay họ vẫn gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước tại sông Cạn”, ông Hồng thở dài.
Phát hiện ống xả thải
Ống xả thải ra sông Cạn (ảnh chụp lúc 15h15 ngày 16/3/2016) |
Có mặt tại khu vực cầu Sông Cạn, phóng viên chứng kiến cả đoạn sông dài khoảng 500m mùi hôi thối nồng nặc, nước đen kịt không thể đứng lâu. Trong khu vực trực tiếp bị ảnh hưởng bởi mùi khó chịu trên, quán cơm Cây Dừa trong khoảng vài tháng qua đã mất nhiều khách do ô nhiễm môi trường tại khu vực.
Một nhân viên quán Cây Dừa cho biết: “Trước quán đông lắm vì xe khách đường dài và xe tải thường dừng lại dùng bữa. Giờ vắng hẳn khách vì mùi nước sông Cạn bốc lên, không ai muốn ăn cơm”.
Cầu Sông Cạn là ranh giới tự nhiên giữa nhà máy của Công ty Yến sào Khánh Hòa và Xí nghiệp Nuôi trồng - Phát triển dừa. Sau khi Xí nghiệp dừa giải thể, toàn bộ diện tích và cán bộ công nhân viên của Xí nghiệp đã sáp nhập vào Công ty Yến sào Khánh Hòa nên phần đất đặt ống xả thải của nhà máy yến sào nằm trong diện tích trồng dừa.
Muốn đi vào đây, phóng viên phải men theo rìa sông đi ngược lên khoảng 300m. Suốt chặng đường đi vào, lòng sông Cạn bị ô nhiễm, do đúng thời điểm thủy triều lên nên phóng viên phải ngửi mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Anh Hồ Văn Thành phán đoán: “Phải có ống xả thải của nhà máy nằm đâu đó bên bờ sông thì mới xả trực tiếp ra sông Cạn như thế này”.
Sau hơn nửa giờ đồng hồ mục sở thị khu vực bờ sông ô nhiễm do bị xả thải trực tiếp, chúng tôi phát hiện một ống nhựa nhô ra ở bờ sông Cạn, nằm về phía Xí nghiệp dừa. Đầu ống xả thải nhô ra khoảng 40cm, nằm khuất sau một lùm cây um tùm, nước thải từ đầu ống này chảy thẳng xuống sông Cạn.
Nước chảy từ ống ban đầu có màu vàng nhạt, đục và có mùi chua. Tuy nhiên, anh Thành cho biết, chỉ sau một thời gian ngắn ra môi trường, có thể vì điều kiện tiêu chuẩn của nước xả thải không đảm bảo nên nước sẽ nhanh chóng bốc mùi hôi thối và chuyển sang màu đen, ứ lại những đoạn trũng ở sông Cạn, chỉ cần thủy triều rút sẽ lại từ từ chảy về phía biển.
Cũng tại đoạn đầu ống xả thải này, nước sông Cạn bốc mùi kéo dài về phía cầu, qua nhà máy của Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cam Ranh gây ô nhiễm nặng nề cho cả một khu vực.
Ghi nhận của phóng viên tại đoạn sông Cạn bị Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cam Ranh xả thải gây ô nhiễm, khoảng gần 1 tiếng đồng hồ có mặt tại hiện trường, đến thời điểm thủy triều bắt đầu rút, phóng viên mới thấy rõ ống xả thải chảy mạnh hơn, lưu lượng nước gấp nhiều lần so với khi mới phát hiện. Anh Thành bức xúc nói: “Nếu chính quyền không vào cuộc xử lý việc này, chúng tôi sẽ họp nhau để tự đào một đập ngăn nước ô nhiễm chảy ra biển để đảm bảo việc nuôi trồng thủy hải sản”.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Thứ (Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông) xác nhận việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước tại khu vực cầu Sông Cạn là có thực. Nguyên nhân ban đầu được xác định do nhà máy của Công ty Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cam Ranh và nhà máy của Công ty Yến sào Khánh Hòa gây ra.
Trước đó, ngày 29/2/2016, ông Thứ cùng tổ công tác của UBND xã Cam Thịnh Đông đã xuống hiện trường, lập biên bản về việc gây ô nhiễm. Đến ngày 3/3/2016, UBND xã đã có văn bản gửi UBND TP Cam Ranh để báo cáo và kiến nghị hướng giải quyết.
Báo Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.