Nhiều người Việt không thích nghe lời ngược ý mình?

(PLVN) - Cãi nhau, chửi bới thay vì tranh luận… đó là những dấu hiệu cho thấy sự vắng bóng của tư duy phản biện. Từ bao giờ, người ta chỉ thích nói cho sướng miệng mà không thích lắng nghe những tiếng nói ngược ý mình?
Hình minh họa.

Nhiều người nói, người Việt là một dân tộc thích tranh cãi. Người ta có thể tranh cãi bất cứ chuyện gì, từ lớn như đặt tên đường, các dự thảo luật, các quyết định hay dự án, cho đến nhỏ như một kết quả cuộc thi, một câu nói trên mạng của ca sĩ hay những vấn đề khác rất nhỏ nhặt thường ngày.

Thích tranh cãi là thế, nhưng nhiều người lại không thích sự phản biện. Nghe có vẻ ngược đời là thế, nhưng đó lại hoàn toàn là một nghịch lý có thật. Xuất phát từ việc người ta rất thích đưa ra ý kiến, thích bình phẩm, đánh giá, “ném đá” các sự việc, nhưng lại không thích, không muốn hiểu những gì người khác nói, không chịu tiếp nhận những ý kiến trái ý mình.

Tư duy của một số nước tôn trọng sự tranh luận, thậm chí khuyến khích sự tranh luận, vì có tranh luận là có phản biện, có cơ sở, có điều kiện để nhìn nhận rõ cái hay, cái chưa hay, làm tiền đề cho sự phát triển của xã hội. Nhưng trong xã hội chúng ta, đã từ lâu nay “phản biện” là một từ rất ít khi được dùng tới. Thay vào đó là “ném đá”, là tranh cãi, là chửi bới, công kích. 

Thực tế, rất nhiều người trong chúng ta đang cố công, cố sức, gân cổ bày tỏ ý kiến của mình sau mỗi sự việc lớn nhỏ, nhưng căn bản không nắm được những nguyên tắc cần có của một cuộc tranh luận. Đó là nguyên tắc tôn trọng và không xúc phạm đối phương. Là nguyên tắc dùng lý lẽ để phản biện lý lẽ, dùng lập luận để phủ định lập luận.

Lý lẽ có thể sai, lập luận có thể lầm lẫn, nhưng phải tách biệt những vấn đề đưa ra với người đưa ra vấn đề đó. “Bỏ bóng, đá người”, không đưa phản biện nhưng quay sang tấn công cá nhân, xâm phạm đời tư là một cách thức tranh luận “phi văn hóa” mà xã hội phát triển quay lưng, nhưng rất nhiều người lại mắc phải.

Tất cả những tiêu cực trong văn hóa tranh luận ấy, phải chăng xuất phát từ nền tảng ý thức của mỗi người, của cả một cộng đồng? Xuất phát từ việc người ta không biết, không có thói quen lắng nghe và hiểu nhau.

Từ việc người ta không chấp nhận sự khác biệt với mình, cho rằng ý kiến của mình luôn là đúng đắn, là chuẩn mực, để rồi từ đó mọi ý kiến phản biện đều là sai trái, là đáng bị vùi dập, bỉ bai? Thật đáng buồn khi văn hóa phản biện ngày càng mất đi, lùi dần, thay vào đó là thói quen cãi cọ, “ném đá” đầy xấu xí.