Nhiều trẻ em bị bóp chết giấc mơ vì một tờ giấy

(PLO) - Tăng Thị Thanh T. là một cô bé đã gần 15 tuổi, thế nhưng sự hiện diện của em trong cuộc đời này chỉ mỗi gia đình và những người xung quanh biết. Còn đối với pháp luật, với cơ quan quản lý hộ tịch, em là một con số 0 tròn trĩnh.

Thiếu chứng minh thư đành từ bỏ giấc mơ đại học 
Ra đời đã được 15 năm, nhưng Tăng Thị Thanh T.  chưa từng thấy, cầm tờ giấy khai sinh chính mình, bởi đơn giản là em không có. Cha chết, mẹ sinh ra em trong cơn túng quẫn cùng cực nên đã trốn viện bỏ lại em – đứa trẻ oe oe đỏ hỏn không có cả tờ giấy chứng sinh (căn cứ quan trọng để làm giấy khai sinh). 
Tăng Thị Thanh T.  khao khát được đi học, đi làm, nhưng việc không có giấy tờ tùy thân đã “giết chết” những ước mơ của em.
Cũng tương tự như Tăng Thị Thanh T.,  ở Tổ chức Children’s Foundation có ba chị em, trong đó người em 16 tuổi, học khá giỏi, nhưng đành từ bỏ giấc mơ bước vào giảng đường đại học vì không có chứng minh thư. 
Xoay qua đi làm, em cũng không thể vì muốn có hợp đồng lao động thì bắt buộc phải có giấy tờ tùy thân. 
Hiện nay, tại TP.HCM có khoảng 1,8 triệu trẻ em, trong đó có gần 400.000 trẻ em nhập cư từ các tỉnh thành khác, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khoảng 70.000 em, số lượng trẻ em lang thang trên địa bàn thành phố là khoảng 1.450 em. 
Cuộc sống của các em đều ở trong tình trạng dễ bị tổn thương và khó có cơ hội tiếp cận đầy đủ các nhóm dịch vụ xã hội và phúc lợi xã hội dành cho trẻ em. 
Đặc biệt, 1.450 trẻ em lang thang là 1.450 đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn nhất trong cả vấn đề mưu sinh cũng như trong việc đảm bảo các quyền cơ bản như quyền có giấy tờ tùy thân. Thiếu giấy tờ tùy thân đã thành chiếc barie cản trở các em tiếp cận các dịch vụ công và các hỗ trợ dành cho các em như học việc, tạo việc làm, có nơi cư trú… nhằm hoà nhập xã hội và phát triển.
Để giúp trẻ em lang thang thực hiện được ước mơ “được nhận diện bản thân” của mình, cách đây 1 năm, Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở Tư pháp TP.HCM thực hiện dự án “Hỗ trợ pháp lý cho trẻ em, thanh thiếu niên đường phố về vấn đề tuỳ thân” với sự tài trợ kinh phí của Quỹ hỗ trợ sáng kiến tư pháp (JIFF). Sau một năm thực hiện trên địa bàn TP.HCM, kết quả dự án đã cho thấy rất nhiều điều để lo lắng và quan tâm. 
Một năm, chỉ có 10 trẻ lang thang được làm giấy tờ tùy thân, vì sao?
Đó là câu hỏi không riêng gì của những đứa trẻ mà của cả những người có trách nhiệm khi họ bắt tay vào làm giấy tờ tùy thân cho trẻ em lang thang. Trong suốt một năm của dự án từ tháng 1 – 12/2014, 10 trường hợp làm giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em, thanh thiếu niên đường phố tại TP.HCM đã được hỗ trợ. Tuy nhiên, mới chỉ chưa đến một nửa trong số đó nhận được giấy chứng minh nhân dân. 
Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD cho biết: “Nhìn lại một năm thực hiện dự án, chúng tôi thấy đã nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, kết quả chỉ ít ỏi như vậy vì một ca làm giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em, thanh thiếu niên đường phố có khi mất từ 6 tháng đến 1 năm để có thể xác định được nguồn gốc, nhân thân và làm giấy tờ tuỳ thân cho các em, với sự tham gia của rất nhiều các bên liên quan”. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Nhận định của bà Nguyễn Phương Linh đã được minh chứng bằng trường hợp của em Tăng Thị Thanh T. Để làm giấy tờ tùy thân cho em, các cán bộ dự án đã tìm đến Bệnh viện Từ Dũ để trích lục giấy chứng sinh. Nhưng kết quả vô vọng vì theo thông lệ, hồ sơ bệnh án lưu trữ trên 10 năm đã bị tiêu hủy.  
Xoay sang cách khác, cán bộ dự án đã tìm người thân duy nhất của em là ông nội, đề nghị ông viết tờ tường trình cam đoan về những thông tin mà ông cung cấp là đúng sự thật và được xã Bình Hưng xác nhận chữ ký để thay cho tờ giấy chứng sinh. Đi lại rất nhiều lần, nhiều thời gian, cuối cùng chính quyền địa phương nơi em Tăng Thị Thanh T.   hiện cư trú đã đăng ký khai sinh cho em.
Thực tế đã và đang cho thấy còn rất nhiều rào cản pháp lý và xã hội cần được cải thiện, dỡ bỏ để “ước mơ được nhận diện bản thân của những số 0” có cơ hội trở thành hiện thực. Cụ thể, quyền trẻ em có giấy tờ tuỳ thân (giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ khẩu) cần được đưa vào luật. 
Trong Luật Bảo vệ và Giáo dục trẻ em năm 2004 đang sửa đổi quy định “Quyền được khai sinh và có quốc tịch” (Điều 11) cho trẻ em, tuy nhiên, quyền về chứng minh nhân dân chưa được nhắc đến. Vì thế nên sửa đổi thành “Quyền có giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em” để bao trùm rất cả các loại giấy tờ này. 
Mặt khác, quy trình cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em cũng cần thay đổi  theo hướng có giấy khai sinh thì làm được chứng minh nhân dân mà không cần hộ khẩu; có chứng minh nhân dân có thể làm được hộ khẩu mà không yêu cầu phải có nhà. 
Trường hợp của em Tăng Thị Thanh T. cho thấy, một trong những khó khăn của quá trình làm giấy tờ tùy thân cho trẻ em chính là ở khâu lưu trữ hồ sơ tại bệnh viện. Vì thế, hồ sơ của bệnh viện cần được mã hoá, tin học hoá dữ liệu tạo điều kiện cho người dân trích lục sau 10 năm. 
Ngoài ra, nên mở rộng quyền yêu cầu trích lục giấy chứng sinh cho các nhân viên xã hội và người giám hộ thay vì chỉ cho phép người thân. Cuối cùng, để tạo điều kiện cho việc hỗ trợ quyền tư pháp về giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân được quyền xác nhận nhân thân của trẻ, giám hộ trẻ.

Đọc thêm