Nhiều vấn đề quanh điểm du lịch đạo nhái

(PLVN) - Giờ đây, tình trạng “sao chép ý tưởng” trong du lịch trở nên khá phổ biến, đi cùng thói quen “check in sống ảo”. Nhưng, phát triển du lịch kiểu này liệu có bền vững, có níu chân được du khách?
Cầu kính đáy ở Đà Lạt bị yêu cầu dỡ bỏ.
Cầu kính đáy ở Đà Lạt bị yêu cầu dỡ bỏ.

Sở dĩ đặt câu hỏi như vậy vì trái với những bộ ảnh tuyệt đẹp nhờ phần mềm và hiệu ứng, cảm nhận thực tế của du khách không mấy ấn tượng. Đinh Thị Kim Lam, 27 tuổi, nhân viên thiết kế tại TP HCM chia sẻ: “Nghe nói Đà Lạt đang nổi đình đám với nhiều điểm du lịch tái hiện thắng cảnh các nơi khác, tôi và nhóm bạn tìm đến nhằm thưởng ngoạn và thực hiện nhiều bộ ảnh đẹp để đời. Sau khi đi xong, ảnh được chụp đăng quả thật làm cho mọi người trầm trồ vì rất đẹp. Thực ra ảnh đẹp là do biết chọn góc và photoshop.

Trên thực tế, các công trình du lịch này được bắt chước rất thô sơ, thiếu tỉ mỉ. Ngoài công trình sao chép dùng để chụp hình bắt mắt thì… không có gì khác. Nếu đến mục đích “check in sống ảo” thì còn được, còn nói đến để du lịch, thưởng thức cảnh đẹp thì tôi thấy… tiếc công sức lặn lội đường xa và tiếc tiền vé vào cổng”. 

Không ít du khách đã có cảm nhận tương tự khi đến những điểm du lịch được quảng cáo là “Bali tại Việt Nam”, “Hàn Quốc ở Việt Nam”, “Nhật Bản trên cao nguyên”… Công nghệ quảng cáo, những bức ảnh “sống ảo” lừa dối mắt nhìn, khiến du khách thất vọng, nhưng đã lỡ đến thì vẫn phải chụp ảnh, vẫn đăng tải và các điểm đến đạo nhái vẫn “sốt ầm ầm”.

Tất nhiên, cách làm du lịch sao chép nói trên chỉ mang tính “trào lưu”, nhất thời. Nó khiến du khách phải tò mò, muốn được check in. Nhưng du khách đã đến một lần rồi không quay lại nữa. Cạnh đó, cái lạ, bắt mắt rồi cũng sẽ nhàm chán theo thời gian. Dần dà, những công trình bắt chước bị lãng quên, phá bỏ để nhường chỗ cho sự bắt chước mới hơn, lạ hơn.

Về mặt doanh thu, cách làm này hợp lý. Nhưng đằng sau doanh thu là nhiều vấn đề rất cần bàn đến. Thứ nhất, đó chính là nguy cơ phá vỡ quy hoạch kiến trúc của vùng đất. Đà Lạt là một ví dụ. Sau một thời gian những “nấc thang lên thiên đường”, “cầu kính”, “cầu tình yêu” và hàng loạt công trình check in sống ảo sao chép lẫn nhau mọc lên, chính quyền địa phương đã phải cho tháo dỡ vì sai phạm trong xây dựng và những công trình nhếch nhác có nguy cơ biến thành phố ngàn hoa thành… thành phố “lẩu thập cẩm”.

Thứ hai, việc bắt chước lẫn nhau trong du lịch đã khiến ngành du lịch chạy theo doanh thu, mất đi tính sáng tạo. Thay vì tìm ra những vẻ đẹp tiềm ẩn trong bản sắc vốn có của miền đất, người làm du lịch lại chọn cách dễ dàng là “copy và paste”. Như thế, vùng đất du lịch không thể phát huy được tiềm năng của mình. 

Một ví dụ, mô hình chợ đêm có mặt ở khắp các điểm du lịch trên thế giới cũng có mặt tại nhiều địa phương ở Việt Nam, nhưng hầu như luôn giống nhau. Không địa phương nào thực hiện một chợ đêm có thể gắn liền với biểu diễn văn hóa địa phương, kinh doanh sản vật khu vực…

Thực tế, với cách làm du lịch sao chép thì bước đầu có thể kéo du khách trong nước đến vì tò mò, còn du khách nước ngoài không bị thu hút bởi những điểm họ đã gặp, nguyên bản ở đất nước khác.

Cách làm ấy không những không giúp ngành du lịch phát triển chiều sâu, bền vững, mà còn tạo ra những trào lưu “check in” đầy hời hợt, sống ảo. Nó khiến sự cảm nhận cảnh quan, bản sắc bị hạn chế, kéo trì thẩm mỹ du lịch của du khách.