Nhìn lại những “điểm đen” tại đầu mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu

(PLO) - Hội thi chọi trâu không phép ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang; lùm xùm “phong trào” khai ấn, phát ấn tại lễ hội xuân Đinh Dậu của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh; những hình ảnh phản cảm, chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc, ngả nón xin tiền tại hội Hội Lim, tỉnh Bắc Ninh... là những “điểm đen” trong đầu mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ ra. 
Cào mặt nhau để cướp lộc tại Chùa Hương
Cào mặt nhau để cướp lộc tại Chùa Hương

Phê bình...

Tại cuộc họp “Sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2017” diễn ra tại Hà Nội, bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở đưa ra nhận xét, nhìn chung, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu xuân Đinh Dậu 2017 đã có những chuyển biến tích cực hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu xuân  còn một số hạn chế. Một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội như báo chí đã phản ánh.

Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Cái Lân (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh); đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn), đền Cô Bơ (Hà Trung), tỉnh Thanh Hóa; đền Bảo Hà (Lào Cai)...

Một số di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời, hàng quán kinh doanh có nơi còn lộn xộn, tình trạng kinh doanh trò chơi có thưởng có tính cờ bạc còn diễn ra ở nhiều lễ hội.

Tại các địa phương, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra trên khắp địa bàn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm như: thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra trên 80 cơ sở và đã xử lý 18 đơn vị vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm, tổng số tiền phạt nộp ngân sách là 43.150.000; thị xã Đông Triều đã xử phạt 04 hộ kinh doanh vi phạm, nộp kho bạc 14.000.000đ, thu giữ 328 đĩa DVD và 07 cuốn sách không tem nhãn; Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đã xử phạt ông Nguyễn Văn Tuyên (đại diện Ban tổ chức lễ hội chọi trâu xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) số tiền là 7.500.000đ vì đã vi phạm các quy định về tổ chức lễ hội...

Và phân trần

Tại cuộc họp sơ kết, ông Nguyễn Đắc Thủy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ phân trần, trước mùa lễ hội, tỉnh Phú Thọ, Cục Văn hóa cơ sở và các chuyên gia văn hóa họp bàn về tổ chức lễ hội sao cho văn minh, tiết kiệm, lành mạnh. Nghi lễ tranh phết là một trong những nghi lễ tại lễ hội Hiền Quang. Ban tổ chức đã chuẩn bị công tác an ninh kỹ lưỡng. Không để các trai làng cướp phết lộn xộn, ban tổ chức đã chọn 100 trai làng chia ra làm 2 đội Giáp thượng và Giáp hạ. Các thành viên tranh phết được thắt đai xanh và đai đỏ để phân biệt.

Vậy nhưng, do khách thập phương tới dự quá đông. Rất nhiều người trong số đó muốn tham gia cướp phết tạo nên cảnh lộn xộn, tranh giành. Sự việc chỉ có vậy, nhưng một số báo vì chưa hiểu luật chơi cũng như cách tranh phết tại đây đã chụp một số ảnh gây hiểu lầm dư luận. Những người chơi giơ tay lên làm ký hiệu ném phết với đội mình, nhưng một số phóng viên báo lại chụp cảnh trai làng giơ tay gây hiểu lầm là đang chuẩn bị đánh nhau, hỗn chiến gây bức xúc dư luận. 

Về vấn đề “bùng nổ” phát ấn, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho hay, tại lễ kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2017), lãnh đạo tỉnh Nghệ An, nhân dân và du khách thập phương cùng dâng hương, dâng hoa tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung bày tỏ lòng thành kính, tri ân chiến công hiển hách của vị anh hùng dân tộc.

Trong lễ kỷ niệm có nghi thức phát “Thẻ ấn Quang Trung Linh Từ”. Đây là hoạt động thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách thập phương bởi ai cũng mong có một thẻ ấn của Hoàng đế để cả năm mạnh khỏe, bình an và may mắn. Ấn tại đây đều được phát miễn phí, được người dân địa phương ủng hộ tham gia, không có cảnh giành giật, tranh cướp, trèo lên người, đánh nhau để cướp ấn.

Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội chia sẻ thêm về việc một sư thầy phát lộc cho khách sau lễ khai mạc lễ hội chùa Hương ngày 2/2 gây ra sự lộn xộn, tranh giành lộc gây phản cảm. Sư thầy Thích Đạo Trụ phát lộc cho các du khách lúc lễ khai hội đã diễn ra xong. Lộc được phát là biểu tượng Phật bà làm bằng nhựa có dây đeo.

Theo ông Động, đây là việc tự phát của sư thầy, không nằm trong kịch bản tổ chức lễ hội của huyện Mỹ Đức. Bất kỳ hoạt động nào của lễ hội cũng phải có trong kịch bản và phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.  Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã có công văn gửi sư trụ trì chùa Hương, đề nghị sư trụ trì nhắc nhở nhà sư phát lộc và tránh để xảy ra việc tương tự...

Đọc thêm