Nước Nga đang tìm lại chính mình
Năm 1895, Đế quốc Nga rộng 22.800.000 km2, chiếm 1/6 diện tích Trái đất. Ngoài lãnh thổ của nước Nga hiện nay, trước Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Đế quốc Nga bao gồm lãnh thổ hoặc phần lớn lãnh thổ của các quốc gia sau: Ukraina, Belarus, Moldova, Phần Lan, Armenia, Azerbaijan, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, Litva, Estonia, Latvia, Ba Lan. Trong thời kỳ từ năm 1742 tới năm 1867, Đế quốc Nga tuyên bố Alaska là thuộc địa của mình trước khi bán cho nước Mỹ.
Mặc dù vậy, trước Cách mạng Tháng Mười 1917, nước Nga là “nhà quê” của châu Âu, bị lạc hậu từ 50 đến 100 năm so với nước phát triển khác. Trong đó, nông dân ở nước Nga chiếm 4/5 dân số nhưng 65% số hộ ở nông thôn là bần nông, không có ruộng đất. Họ bị Nga hoàng và bọn địa chủ bóc lột nặng nề và tàn bạo.
Công nhân ở nước Nga chiếm 10% dân số, năm 1913 là 12 triệu, trong đó 3,1 triệu là công nhân đại công nghiệp nhưng bị giới chủ bóc lột nặng nề nên đời sống rất khó khăn. Hầu như tất cả các ngành công nghiệp chủ yếu của Nga nằm trong tay tư bản nước ngoài và ngay từ năm 1890 tư bản nước ngoài chiếm tới 47% vốn đầu tư ở Nga. Trên thực tế, vào năm 1914, dù là một đất nước chiếm 1/6 diện tích thế giới nhưng tổng sản lượng công nghiệp của nước Nga chỉ chiếm 4% tổng sản lượng công nghiệp thế giới.
Bởi thế, trong bài “Gửi nông dân nghèo” được viết năm 1903, Vladimir Lenin nhận định: “Phương sách duy nhất để làm cho nhân dân lao động hết cùng khổ, là thay đổi, từ dưới lên trên, chế độ hiện nay trên toàn quốc và lập chế độ xã hội chủ nghĩa”. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi, ngày 8/11/1917, Vladimir Lenin được Đại hội Xô viết Nga bầu làm Chủ tịch Hội đồng Dân ủy nước Nga Xô viết.
Đến ngày 10/1/1918, Đại hội Xô viết toàn Nga lần III đã thông qua “Tuyên ngôn về quyền lợi nhân dân lao động và bị bóc lột”, khẳng định nước Nga là một nước Xô viết với mục tiêu xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ giai cấp. Theo đó, Vladimir Lenin cải tổ nước Cộng hòa Xô viết Nga thành Cộng hoà Xô viết xã hội chủ nghĩa Liên bang Nga trên cơ sở liên minh tự nguyện của các dân tộc ở Nga.
Ba nhà lãnh đạo Nga, Ukraina, Belarus ký hiệp ước “khai tử” Liên Xô và thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập tại Belarus ngày 8/12/1991. Ảnh tư liệu lịch sử. |
Ngày 30/12/1922, Đại hội thứ nhất các Xô viết hợp nhất các nước Cộng hoà Xô viết thông qua Bản Tuyên ngôn thành lập Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) và bản Hiệp ước Liên bang do Lenin chủ trương. Đại hội đã bầu Lenin làm Chủ tịch Hội đồng Dân uỷ Liên Xô.
Liên Xô gồm 15 nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết. Đó là: Armenia (thủ đô Yerevan), Azerbaijan (thủ đô Baku), Belarus (thủ đô Minsk), Estonia (thủ đô Tallinn), Gruzia (thủ đô Tbilisi), Kazakhstan (thủ đô Alma-Ata), Kyrgyzstan (thủ đô Frunze), Latvia (thủ đô Riga), Litva (thủ đô Vilnius), Moldavia (thủ đô Kishinev), Nga (thủ đô Moscow), Tajikistan (thủ đô Dushanbe), Turkmenia (thủ đô Ashgabat), Ukraine (thủ đô Kiev) và Uzbekistan (Tashkent).
Đến năm 1937, nhờ quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa, sản lượng công nghiệp của Liên Xô đã chiếm 77,4% tổng sản phẩm kinh tế quốc dân và đã vượt lên đứng hàng thứ hai trên thế giới (chiếm 14% sản lượng công nghiệp toàn thế giới).
Trong lịch sử, để trở thành một nước công nghiệp, nước Anh cần 200 năm, nước Mỹ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm, trong khi đó, Liên Xô chỉ cần 18 năm để hoàn thành về cơ bản quá trình công nghiệp hóa của mình. Đây là tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất mà thế giới từng ghi nhận.
Thế và lực của Liên Xô tăng lên nhanh chóng trên trường quốc tế. Đặc biệt, đến năm 1972, tổng sản lượng công nghiệp Liên Xô đã tăng 321 lần so với năm 1922 (năm Liên Xô thành lập), thu nhập quốc dân cũng tăng 112 lần.
Vào ngày 1/12/1991, trước “trào lưu” ly khai, chính quyền Ukraine cũng đã tuyên bố độc lập với Liên Xô dựa trên cơ sở trưng cầu dân ý. Tổng thống Nga Boris Yeltsin khi đó đã phản ứng lại sự kiện này bằng việc tuyên bố rằng: “Nếu thiếu Ukraine, thì Hiệp ước liên bang chẳng còn ý nghĩa gì hết”.
Bởi lẽ, cho đến thời điểm đó, ngoài Nga và Kazakhstan là hai nước vẫn chưa tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô thì các nước như Litva, Estonia, Latvia, Belarus, Mondova, Gruzia, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Armenia, Azerbaijan và Turkmenia đều đã tuyên bố độc lập.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych, người bị phe đối lập lật đổ vào năm 2014 có mối quan hệ tốt đẹp. Ảnh tư liệu lịch sử. |
Ngày 8/12/1991, tại khu rừng nghĩ dưỡng Belovezh (Belarus), Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã cùng với Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk và Chủ tịch Xô viết Tối cao Belarus Stanislav Shushkevich ký kết Hiệp ước Belovezh, mở đầu cho việc thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) do Nga là “chủ soái”. Từ ngày 10 đến ngày 12/12/1991, Hiệp ước này lần lượt được chính quyền 3 nước phê chuẩn, đánh dấu Nga, Ukraine và Belarus trở thành đồng minh của nhau khi Liên Xô tan rã.
Ngày 21/12/1991, Azerbaijan, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Mondova, Tajikistan, Turkmenia và Uzbekistan đã tham gia Cộng đồng các quốc gia độc lập. Gruzia cũng là thành viên của cộng đồng này từ năm 1993 đến 2009.
Việc giữ Ukraine trong vòng kiểm soát của mình là rất quan trọng đối với lợi ích của Nga. Năm 1999, tại Thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã thừa nhận rằng: “Thiếu Ukraina, Kazakhstan và các nước Kakaz, nước Nga sẽ không phải là nước lớn trên thế giới”.
Như vậy, trong tính toán của Gorbachev, ông ta muốn có một quốc gia liên bang sẽ ra đời trong đường biên giới cũ của Liên Xô. Đó là “Liên bang các nước cộng hòa có chủ quyền” (SSG). Tại quốc gia này, ông ta vẫn làm Tổng thống Liên bang, vẫn nắm quyền lực tối cao. Nhưng Yeltsin thì không muốn Tổng thống Liên Xô chiếm giữ quyền lực tại Điện Kremli nên đã thỏa thuận ngầm với các nhà lãnh đạo của các nước cộng hòa lớn nhất như Ukraina và Belarus để cùng nhau khai tử Liên bang. Và đó là lý do Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ra đời trong không gian “hậu Xô viết”.
Bên cạnh đó, để giữ vững không gian hậu Xô viết ngoài tầm ảnh hưởng của phương Tây, ý tưởng về một không gian kinh tế cho 4 nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Ukraine đã hình thành vào năm 2003. Nhưng ý tưởng đó đã không có nền móng vững chắc để phát triển. Bởi ngay cả Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thành lập từ năm 1991 cũng đang gặp khó khăn về mặt kết nối.
Khi cuộc “cách mạng da cam” thành công, đưa phe đối lập lên nắm quyền tại Ukraine vào năm 2004 thì mối quan hệ Nga - Ukraine suy giảm. Mối quan hệ lại được hàn gắn khi ông Viktor Yanukovych có xu hướng thân với Nga lên nắm quyền vào năm 2010, với chức vụ Tổng thống. Tuy nhiên, khi phe đối lập gây bạo loạn và gây sức ép khiến ông Viktor Yanukovych phải bỏ trốn sang Nga vào tháng 2/2014 thì mối quan hệ Nga – Ukraine lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sau “vấn đề Crimea” với phần thắng nghiêng về Nga, “vấn đề phía Đông” của Ukraine lại nổi lên. Các tỉnh phía Đông của Ukraine được đánh giá là “thân Nga” vì có số người Nga sống ở đây khá đông. Đặc biệt, những người biểu tình thân Nga tại thành phố Donetsk, phía Đông Ukraine đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa nhân dân Donetsk độc lập vào ngày 7/4/2014. Nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk cũng được thành lập ở Đông Ukraine vào ngày 28/4/2014.
“Tôi muốn có việc làm” (I want to work) là khẩu hiệu trong các cuộc biểu tình ở nước Mỹ trong tháng 4/2020. |
Tình hình này khiến người dân Ukraine càng nhớ đến sự thống nhất và đoàn kết quốc gia và tình hữu nghị với nhân dân Nga dưới thời Liên Xô. Trong khi Ukraine thời Liên bang Xô viết phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu đáng khâm phục thì chính quyền Ukraine hiện nay vẫn luôn phải trông chờ vào nền kinh tế của người láng giềng khổng lồ là Nga.
Không chỉ đối với Ukraine, vì không hài lòng với tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Gruzia, ngày 8/8/2008, quân đội Nga bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Gruzia với lý do bảo vệ hai khu vực đòi ly khai là Nam Ossetia và Abkhazia.
Trong cuộc chiến với Gruzia kéo dài 5 ngày sau đó, nước Nga đã tuyên bố với phương Tây về việc trỗi dậy của mình trên chính trường thế giới. Bên cạnh đó, đây cũng là động thái mạnh mẽ của Nga về việc phương Tây không thể áp đặt ảnh hưởng của mình tại khu vực các Ngoại Kakaz thuộc Liên Xô trước đây.
Mối quan hệ Nga - Kazakhstan hiện đang được giữ vững. Chọn Nga là đểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev (cầm quyền từ ngày 12/6/2019) cũng tuyên bố: “Chính sách đối ngoại phản ánh tình trạng địa chính trị của nước ta và vị trí địa lý của nó. Nhưng trong bang giao, chúng tôi đặc biệt coi trọng quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược với Nga. Mối quan hệ này có tầm quan trọng tuyệt đối với chúng ta”.
Nước Nga hiện nay dù có diện tích rộng nhất thế giới với 17,1 triệu km2 với 144 triệu dân vẫn chưa lấy lại được vị thế như Liên Xô trước đây. Nga từng là nước thuộc nhóm 8 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu của thế giới G8 (từ năm 1998-2014) tuy nhiên từ cuối những năm 1930 đến trước khi tan rã Liên Xô đã là quốc gia công nghiệp thứ hai thế giới (chỉ sau Mỹ).
Ngày 27/7-2015, Yevgeny Fyodorov, Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga cho rằng Liên Xô đóng góp 22% thu nhập toàn cầu, nhưng bây giờ nước Nga chỉ còn 2%. Ông kêu gọi tái lập lại Liên Xô để đối đầu với sự bao vây và cô lập của phương Tây và Mỹ: “Nếu Nga tuyên bố khôi phục lại chủ quyền và phủ nhận hành động đầu hàng từ năm 1991, Nga sẽ thoát khỏi những hành động bất hợp pháp, mà qua đó nước Nga đã bị ép buộc ký kết”.
Nước Mỹ có có “diễu võ giương oai”?
Năm 1948, George Kennan, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, mệnh danh là “cha đẻ của các chính sách” đã từng tuyên bố rằng: “Chúng ta chiếm khoảng 50% tài sản của thế giới, nhưng chỉ chiếm 6,3% dân số địa cầu... Chúng ta không thể không là đối tượng của lòng ghen tị oán hận.
Nhiệm vụ thực sự của chúng ta trong thời gian tới là nhằm tạo ra một kiểu quan hệ quốc tế cho phép chúng ta duy trì vị trí quá bất bình đẳng này... Đối với chúng ta, chủ nghĩa có lợi cho người khác và một thế giới ân trạch đều là những thứ xa xỉ phẩm”.
Trong những năm 1945-1949, sản lượng công nghiệp của Mỹ luôn chiếm hơn một nửa sản lượng công nghiệp toàn thế giới. Nước Mỹ còn nắm trong tay gần 3/4 dự trữ vàng của toàn thế giới. Trên 50% tàu bè đi lại trên các mặt biển là của nước Mỹ. Trong khoảng 2 thập niên đầu sau chiến tranh, nước Mỹ là trung tâm kinh tế, tài chính duy nhất của thế giới.
Để duy trì vị thế của mình, Mỹ đã ra sức khống chế và kìm hãm các cường quốc trên thế giới. Hầu hết các quốc gia như vậy đều nằm ở Đại lục Á - Âu. Bởi thế, sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), Mỹ đã tạo ra Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tái vũ trang CHLB Đức và đưa nước này nha nhập vào NATO. Sau khi thực hiện “diễn biến hòa bình” khiến Liên Xô và Đông Âu tan rã, Mỹ đã chủ trương để NATO “Đông tiến”, dùng máy bay đánh bom một quốc gia có chủ quyền toàn vẹn như Nam Tư và kiềm chế nước Nga.
Đồng thời, Mỹ cũng dòm ngó sang châu Á, can thiệp nội chiến Quốc dân Đảng - Cộng sản Đảng ở Trung Quốc, tham gia chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên cả 3 cuộc chiến này Mỹ lại không đạt được mục đích. Sự đứng vững của của những người cộng sản và nhân dân ở các quốc gia này khiến Mỹ cảm thấy các “quân bài domino” của mình có vẻ sắp đổ. Để lấy lại thể diện, lợi dụng tình hình Liên Xô suy yếu, Mỹ đã tấn công Iraq năm 1990-1991 với sự góp sức của các đồng minh tại khu vực Trung Đông là Israel và Ả-rập Xê-út. Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ càng gia tăng sức mạnh.
Phần lớn bản đồ trú ẩn của các phần tử khủng bố cũng lại chính là bản đồ các vùng sản xuất năng lượng chủ yếu của thế giới trong thế kỷ XXI. Cuộc tranh giành nguồn năng lượng tại đây sẽ là ngòi nổ cho cuộc xung đột toàn cầu trong tương lai. Tờ “Biên niên sử San Francisco” xuất bản không lâu sau vụ 11/9/2001 đã nhận định như vậy. Logic của những câu từ nói trên là: Những nơi có tổ chức khủng bố tồn tại thì nước Mỹ cũng tồn tại ở đó.
Đứng sau lưng quân Mỹ là các công ty dầu mỏ đang đợi triển khai hoạt động. Đứng sau lưng các công ty dầu mỏ này lại là các ngân hàng chờ thu tiền. Bằng chứng là cuộc tấn công vào Iraq năm 2003 mà không cần đếm xỉa Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế. Mười năm sau đó (2013), khi có đến 4.500 lính Mỹ thiệt mạng, 32.000 binh sĩ bị thương cùng với chi phí lên tới trên 3.000 tỷ USD, Mỹ mới chấp nhận rút quân về nước.
Vấn đề Trung Đông, nguồn dầu mỏ mà Mỹ khao khát không chỉ đơn giản là Ả-rập Xê-út, Iraq, Kuwait. Sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ bất ngờ khi Cục Điều tra Liên Bang Mỹ (FBI) tuyên bố những kẻ khủng bố đến từ tổ chức Al Qaeda của Osama Bin Laden. Vậy là Mỹ đã sáng tạo ra con “quái vật Frankenstein” vốn chỉ nhằm hạ gục kẻ thù của mình là Liên Xô, Iran thì nay nó đã quy lại để chực “ăn tươi nuốt sống” mình.
Một bài báo trên tờ “Defense” của Anh phát hành tháng 1/1999 từng viết: “Vũ khí và việc huấn luyện của tổ chức thánh chiến Hồi giáo chủ yếu được sự giúp đỡ của CIA… Từ năm 1985 đến 1992, tại căn cứ huấn luyện ở Afghanistan của tổ chức Thánh chiến Hồi giáo do Mỹ giúp đỡ xây dựng, đã có tới 12.500 người nước ngoài được huấn luyện để chế tạo lựu đạn, lên kế hoạch phá hoại, đánh du kích trong thành phố… Hiện nay họ bán mình cho các tổ chức khủng bố thánh chiến Hồi giáo khác nhau, bao gồm cả tổ chức Al Qaeda của Osama Bin Laden”.
Hiện nay, Mỹ đang giúp đỡ lực lượng ly khai ở Syria để chống phá nhà nước Syria. Tuy nhiên, với vũ khí và không quân Nga, chính phủ của ông Bashar al-Assad đã giành được những thắng lợi quan trọng. Bản thân nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin cũng đã trở thành một đối trọng cực kỳ khó chịu của Mỹ trên bàn cờ chính trị quốc tế. Theo nhà báo có tiếng chuyên các vấn đề quốc tế người Anh Finian Cunningham thì Trung tướng Michael Flyn, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Mỹ (DIA) khẳng định chiến tranh, số người chết và sự tàn phá đối với Syria là kết quả của một nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm thay đổi chế độ ở đất nước này.
Venezuela là một cường quốc dầu mỏ trên thế giới với trữ lượng được kiểm chứng lên tới gần 300 tỷ thùng, được coi là nhiều nhất thế giới. Công nghiệp dầu mỏ là ngành kinh tế đóng góp nhiều nhất cho kinh tế Venezuela, tới 1/3 GDP, 80% giá trị xuất khẩu và hơn 1/2 ngân sách nhà nước.
Hiện nay, việc tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela vẫn đang gây ra sự căng thẳng tại đất nước này. Tuy nhiên, việc tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro (Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela) hiện vẫn đứng vững khiến Mỹ khó có thể thao túng nền kinh tế dầu mỏ của đất nước này.
Với nền kinh tế khổng lồ của mình, cơn khát dầu mỏ của Mỹ dường như là bất tận! Nước Mỹ như một người lạc đường đi trên sa mạc nóng bỏng đang cố “uống lấy uống để” nguồn nước ngầm có hạn mức. Nhưng ở ngoài kia, những quốc gia như Nga, Trung Quốc đang trỗi dậy. Họ không bao giờ muốn Mỹ mãi độc bá trên “bàn cờ năng lượng vàng đen” thế giới! Điều này càng khiến nước Mỹ dần bị dồn vào thế chân tường.
Trung Quốc hiện là nước đứng thứ hai thế giới về kinh tế và cũng đang thách thức vị trí của Mỹ. Trong những năm 1960 và 1970, quy mô kinh tế Trung Quốc bé hơn nhiều so với Mỹ, với GDP năm 1960 của Mỹ gấp 9 lần Trung Quốc. Phải tới cuối những năm 1970 khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa, kinh tế nước này mới bắt đầu tăng tốc.
Đến năm 2010, Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới xét về GDP danh nghĩa và tiếp tục giữ vị trí này cho tới thời điểm hiện tại. Một số chuyên gia kinh tế dự đoán rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2030. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cho biết nếu điều chỉnh theo ngang giá sức mua, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện nay đáng lẽ phải là nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ năm 2014.
Tình hình kinh tế của nước Mỹ hiện không mấy khả quan. Mặc dù đã mở cửa nền kinh tế nhưng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến gần một nửa dân số Mỹ mất việc làm.
Tháng 10/2003, trong bài báo có nhan đề “Số mệnh Roma đang chờ đợi nước Mỹ” đăng trên báo “Thư tín Chủ nhật”, nhà bình luận chính trị Robert Harris đã nêu lên một loạt câu hỏi: Liệu Washington có giống như đế quốc Roma trước đây bị chết bởi chính sự mở rộng đế quốc quá mức của mình không? Liệu lực lượng đồn trú ở nước ngoài có phải rút về nước do sản xuất trong nước bị phá sản không? Liệu toàn bộ hệ thống lý luận của nước Mỹ rốt cuộc có bị một tôn giáo biến tướng nào thay thế không? Trật tự thế giới mới của Mỹ liệu có bị tiêu diệt không?
Tổng thống hiện nay của nước Mỹ Donald Trump luôn tuyên bố “Đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại thêm một lần nữa” (Make America Great Again) dưới bàn tay mình. Tuy nhiên, tình hình khó khăn hiện nay của nước Mỹ càng khiến cho những câu hỏi của Robert Harris ngày càng được trả lời rõ ràng hơn!