Nhớ nếp bầu dẻo thơm
Xa quê đã 15 năm nhưng cứ giáp Tết, lòng tôi lại nhớ về những thức quà từ nếp bầu thuở thơ bé. Trong ký ức thuở ấy, cả làng tôi, nhà nhà đều phải gieo sạ nếp bầu. Bởi nếp bầu không phải lương thực ăn hằng ngày, mà dùng để dâng cúng tổ tiên, thần, Phật trong ngày lễ, giỗ, tiệc lớn và ngày Tết.
Cái tên nếp bầu không biết bắt nguồn từ đâu? Hay người ta thấy đặc điểm của hạt nếp to, có hình bầu dục mà đặt tên. Cũng chẳng rõ ai đã mang giống nếp ấy đến, mà khi sinh trưởng ở vùng đất Tam Mỹ lại tạo ra đặc trưng riêng biệt, không nơi nào có được, khiến bao người phải nhớ thương.
Nếp bầu Tam Mỹ - một đặc sản thân cao 1,4m cho hương vị khác biệt được phục tráng thành công. Ảnh: Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp Núi Thành |
Nếp bầu thích hợp nhất ở những chân ruộng sâu, nhiều nước, nên những “rộc”, “hóc”, những nơi nhiều phù sa, khu bàu nước cạnh sông là nơi người dân chọn để trồng. Nếp bầu sinh trưởng trong thời gian rất dài, gần 5 tháng. Tháng tư (âm lịch) gieo mạ, tháng năm cấy. Và khi cây đã bén rễ thì không gì quật ngã được nó. Có những năm lụt sớm, nước trắng đồng mấy ngày. Nhưng khi nước rút đi, nếp vẫn xanh mơn mởn. Thân nếp bầu cao và to. Có những ruộng sâu, tốt cây, nếp cao đến cả mét và to như ngón tay út. Lá to, nhiều lông và cạnh rất sắc.
Cuối thu, khi những bông nếp vàng óng, nặng trĩu gục xuống. Hạt nếp to tròn, tiết trời lành lạnh, gió bấc đã về mang theo những cơn mưa, các bà các mẹ mang tơi ra đồng gặt nếp. Người lọt thỏm giữa ruộng vì nếp cao lút đầu. Lúc này, trên cánh đồng, chỉ còn độc nếp bầu. Hương nếp từ khi trổ bông đã thoang thoảng trong gió. Cái hương vị ấy, như vẫn còn lưu hương đâu đó trong cánh mũi, trong tâm tưởng, trong tiềm thức.
Khi những bông nếp còn xanh, người ta thường cắt về một ít. Tối đến, khi cả nhà “ngồi ấm” bên bếp lửa, bà hay mẹ sẽ rang nếp rồi bỏ vào cối giã thật sạch trấu. Sau đó hạt nếp xanh, dẻo lại được rang lên để cho ra cốm nếp bầu giòn “rùm rụm”. Trẻ con chúng tôi thường lén bỏ vào túi áo ấm mang đến lớp như một thức quà vặt.
Độ tháng Chạp, khi tiết trời khô ráo, cái lạnh vẫn còn, bà mang những bó nếp treo ở gác bếp ra sân phơi. Nếp phải thật khô thì khi máy (xay xát) hạt mới không bị vỡ, tròn trịa, màu trắng sữa.
Những thức làm từ nếp bầu có đến hằng hà. Giỗ kỵ thì nấu xôi, bánh tét, bánh ít… “Ba ngày Tết”, khoảng 20 năm về trước, quê tôi nghèo, không nhiều bánh trái mà cũng không có tiền mua, người ta chia ra một ít nếp đi bung nổ. Từ nổ nếp, người ta xay ra thành bột để làm bánh in, bánh tổ hoặc để nguyên hạt để làm bánh nổ. Một ít để lại gói bánh tét, bánh chưng. Một ít để nấu xôi, nấu cháo đường…
Phục tráng thành công
Nếp bầu dẻo, thơm. Dẻo đến mức có người dùng để dán giấy thay cho keo hồ. Và thơm mùi đặc trưng khó diễn tả, nhà này nấu xôi là hàng xóm đoán ra ngay. Không chỉ người dân Tam Mỹ mới biết đến hương vị của nếp bầu, mà cả huyện, cả tỉnh, cứ đến mùa nếp, thương lái thường tìm đến mua gom. Nhưng rồi, nếp bầu bị lãng quên, giống bị thoái hóa. Có nhiều năm, trên cánh đồng không còn thấy bóng dáng nếp bầu.
Luyến tiếc với một sản vật quê hương, năm 2014 - 2016, một nhóm kỹ sư nông nghiệp là anh Trần Văn A và Bùi Văn Gát (Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành) đã thực hiện đề tài “Phục tráng giống nếp bầu cấy ở Bàu Đưng (một làng nhỏ ở xã Tam Mỹ Tây) từ hạt giống sản xuất trong đại trà”. Sau 3 vụ mùa gieo cấy trên diện tích 1,5ha, giống nếp bầu Tam Mỹ đã được phục tráng thành công.
Tiếp nối, năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, Dịch vụ - Du lịch Tam Mỹ Tây ra đời. Ông Phan Đình Giáo, đại diện HTX cho biết: “Nếp bầu ở nhiều nơi có, nhưng khi được trồng ở đất Tam Mỹ sẽ cho ra chất lượng khác biệt. Mùi thơm và độ dẻo cũng khác, người sành về nếp bầu có thể phân biệt được ngay”.
Cảnh đẹp Tam Mỹ Tây. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Từ năm 2018, HTX liên kết với các hộ dân để trồng đại trà nếp bầu ở xã Tam Mỹ Tây. Diện tích trồng mỗi năm khoảng 25 - 30ha ở các cánh đồng trong xã. “Người dân trồng, còn chúng tôi chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Nếp bầu Tam Mỹ của HTX Nông nghiệp - dịch vụ - du lịch Tam Mỹ Tây đã được xếp loại OCOP 3 sao”, ông Giáo cho hay.
Trong tiềm thức, hình ảnh cây nếp bầu dưới “rộc”, cái xót (ngứa) khi vào mùa thu hoạch nếp bầu vẫn còn nguyên vẹn. Những ngày giáp Tết, bên hiên nhà, bà vẫn thường trải những bó nếp vàng óng, rồi cần mẫn dùng chén sành tuốt nếp bầu.
Gìn giữ và phát triển đại trà nếp bầu Tam Mỹ, làm sao trên mỗi mâm cơm thờ cúng tổ tiên còn những thức làm từ nếp bầu. Người trẻ còn biết được một sản vật quê hương.
Hương nếp từ khi trổ bông đã thoang thoảng trong gió. Cái hương vị ấy, như vẫn còn lưu đâu đó trong cánh mũi, trong tâm tưởng, trong tiềm thức.