Giúp con tật nguyền nuôi cháu
Bà Nguyễn Thị Thược (80 tuổi, quê ở Hưng Yên) một mình thuê nhà ở Hà Nội đã 21 năm nay hành nghề bán báo dạo. Hàng ngày đều đặn cứ 3h sáng bà một mình đi bộ đến chỗ lấy báo, sau đó rong ruổi khắp các ngõ phố bán dạo. Bà tâm sự, bà là vợ thứ của một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, chỉ sinh được một người con trai. Nhưng người con không may gặp tai nạn, thành tàn tật nên bà phải vất vả ở Hà Nội 21 năm nay để kiếm tiền giúp con nuôi cháu. Mỗi ngày bán được khoảng 100 tờ báo, bà để dành cho mình 500 nghìn/tháng để phòng tuổi già, còn lại bà gửi về cho con trai phụ giúp nuôi cháu ăn học.
Bà bảo, nhiều khi 1.000- 2.000 đồng với nhiều người không hề to, nhưng với bà, đã kiếm sống từng trăm đồng một nên bà trọng từng đồng. Nhiều khi khách hàng đi trên những chiếc xe rất sang trọng nhưng bà cũng lôi ra những tờ 1000-2000 đồng trả lại cho khách. Bà bảo, bà kiếm sống bằng sức lao động của mình chứ không hề nâng giá báo lên, cũng không thích lấy thừa của ai dù chỉ là vài nghìn bạc lẻ. “Nhiều khi tôi trả lại tiền thừa còn bị họ lườm cho đấy cô ạ. Tại họ đều là khách quen, thương tôi vất vả mưu sinh nên thường không lấy lại tiền thừa. Nhưng nhiều khi tôi từ chối vì không muốn lấy tiền thừa của họ, cái tính tôi ương ngạnh thế đấy”– bà tâm sự.
Bà Thược có nhiều mối hàng quen nên gần như được chứng kiến cả một chặng đường sống tuổi già của nhiều người cùng tuổi. Ai bệnh tật này nọ bà đều biết, mỗi khi đưa báo bà lại hỏi han tình hình bệnh tật của họ như những người thân. Thế nên, gần 20 năm đưa báo cho khách quen là gần 20 năm bà chứng kiến nhiều khách hàng của mình lần lượt ra đi. Bà kể, mỗi sáng đến đưa báo, biết tin cụ nào mất là bà lại nán lại đôi phút, viếng người ấy bằng đúng tờ báo người ấy đặt hàng ngày, coi như một chút lòng gửi cho nhau.
Ê ẩm xương vì bán nốt tờ báo giá 4.800 đồng
Bà Lê Thị Gài (72 tuổi, quê Thanh Hoá) cũng “bén duyên” với nghề bán báo dạo tại Hà Nội khoảng 10 năm nay. Mỗi tờ báo bà chỉ được lãi 1000 đồng, ế tờ nào coi như công sức của ngày hôm ấy đi tong. Chính vì thế mà bà đã từng đi “rạc cẳng” mới bán được hết tờ báo cuối cùng giá 4.800 đồng. Hôm ấy về, người bà như bị rạn xương. Chân tay mỏi nhừ, không động được vào việc gì dù bình thường bà rất hay lam, hay làm. Mọi ngày, cứ về đến nhà là bà xông vào dọn dẹp căn phòng rộng chừng 20m2 cho 12 người ở và chiều chiều thì đi nhặt nhạnh đồng nát quanh khu vực ở trọ gần ga Hà Nội.
Chuẩn bị lấy báo đi bán rong. |
Bà thật thà kể, chồng bà bỏ 5 mẹ con bà từ khi đứa lớn nhất mới 6 tuổi đầu nên bà phải làm lụng vất vả từ ngày ấy. Bà quen bận rộn gần 40 năm nay rồi nên ngồi yên một ngày là cứ như thấy chân tay mình thừa thãi, thấy lòng mình không yên vì đi làm còn có động lực kiếm tiền nuôi con, nuôi cháu. Bà tâm sự, làm nghề này đôi khi cũng gặp “quả lừa”.
Chẳng hạn, người ta mượn báo đọc, đến lúc mang bán cho khách mới biết cái tờ người ta vừa trả là tờ cũ. Lại lỗ mất mấy nghìn đồng. Nhưng cũng có lúc gặp những người tử tế, 1-2 nghìn đồng lẻ trả lại người ta lại bảo biếu bà. Trong những lúc đi bán báo bà cũng phải nhìn ngược, nhìn xuôi tìm kiếm xem có thứ gì có thể biến thành tiền không. Cuộn dây điện hỏng người ta vứt góc phố bà cũng nhặt, vài tờ báo nát bên đường bà cũng “câu về”. Được thêm đồng nào hay đồng ấy.
Còn bà Trần Thị Hải (61 tuổi, ở xã Quảng Lưu, Quảng Xương, Thanh Hóa) qua hai đời chồng nhưng không có con nên nhận nuôi một đứa bé 2 tháng 4 ngày tuổi. Nuôi con cực khổ trăm bề, tiền không có để mua sữa cho con, cả nhà chỉ quanh quẩn trông vào vài sào hoa màu, đến ngày thu hoạch mang ra chợ bán để tích cóp mua thức ăn khô cho con. Bé hay đau yếu, ở viện thường xuyên nên bà càng phải cố gắng làm lụng. Đi rong khắp Hà Nội nhưng mỗi ngày bà chỉ được lãi khoảng 150-200 nghìn, bà chi tiêu tằn tiện để tiết kiệm gửi về cho chồng con. Nhìn bà lúc nào cũng sấp ngửa, hớt hải trong cái nắng oi bức của Hà Nội để tranh thủ bán thêm được ít hàng trước giờ ăn trưa mà nhiều người không khỏi chạnh lòng…
Sống tằn tiện để nuôi con học thành tài
Đó là trường hợp của ông Nguyễn Duy Tuấn (55 tuổi, quê xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) là thương binh hạng 3 ở chiến trường Campuchia. Ông được hưởng lương dành cho thương binh mỗi tháng 2 triệu đồng. Với mức lương ấy ông cũng đủ để chi tiêu ở quê nhà nhưng từ ngày đứa con trai lên Hà Nội học Đại học Giao thông Vận tải, số tiền ấy không đủ cho con trai ăn học nên ông buộc phải lên Hà Nội kiếm việc làm để thêm thắt nuôi con. Ngày ngày ông bắt xe buýt sang Gia Lâm lấy hàng, nào là bút kim, bật lửa, rồi lang thang khắp nơi bán hàng.
Mỗi ngày ông ăn 10.000 đồng xôi buổi sáng, trưa ăn cơm 15.000 đồng. Do sức khỏe không được tốt nên buổi trưa ông thường về nhà và buổi chiều thường nghỉ luôn do không đủ sức chống chọi với cái nắng mùa hè. Ở nhà trọ nhưng ông cũng không dám bật quạt vì dùng quạt lại tốn thêm 5.000 đồng tiền điện. Ông ngủ trọ mỗi ngày 10.000 đồng, ngày nào tắm thì trả thêm 5.000 đồng tiền tắm giặt. Có nhiều người thấy ông khái tính, lấy chiếc bật lửa, coi như mua hàng và số còn lại khoảng 20.000 biếu ông uống cốc nước mía hay trà đá lúc nắng nóng, nhưng đâu phải ai đưa ông cũng nhận.
Mỗi người một cảnh ngộ, họ đều nghèo nhưng giàu lòng tự trọng và yêu lao động. Ngày qua ngày họ chắt chiu từng đồng bạc lẻ, tích tiểu thành đại đầu tư cho tương lai của con em mình. “Khổ thế nào chúng tôi cũng chịu được, chỉ cần nghĩ đến ngày mai con cháu mình có cái chữ, không phải vất vả mưu sinh như mình là tôi thấy nhọc nhằn tan biến hết”- ông Tuấn mỉm cười tâm sự mà như nói hộ tâm tư của nhiều người bán hàng rong./.