Đổi đời từ nghề lặn
Trên khuôn mặt sạm màu của cái nắng cái gió nơi vùng cát biển, anh Nguyễn Văn Thanh (SN 1972, ngụ thôn Tây) không giấu được niềm vui: "Cảm ơn trời phật vì dạo này làm ăn được, số tiền kiếm ra cũng đủ để nuôi mấy đứa con được đến trường".
18h30, tiếng cười nói trên bến Ninh Vân bắt đầu thưa dần, những chiếc ghe nhỏ bắt đầu ra khỏi vùng bờ sau khi đã chuẩn bị kỹ càng. Lúc này, anh Thanh mới gọi người mang đồ lặn ra. Đó là 6 bộ đồ nhái dày cộm. Bên cạnh đó là những chiếc đèn pin lớn được nối dây điện trực tiếp vào bình ắc quy của bộ phận máy nổ của thuyền. Và, một thứ không thể thiếu là dây thắt lưng chì.
Khi máy nổ, những người thợ lặn mặc những bộ đồ nhái vào người, tiến vào vị trí để chuẩn bị ra khơi. Theo quan sát của chúng tôi, những sợi dây điện được gắn vào chiếc đèn pha lớn. Những thuyền lớn như thuyền anh Thanh có thêm hệ thống la bàn được gắn trên mạn thuyền dùng để định vị hướng đi, đồng thời định vị những nơi có luồng cá ốc đã từng đánh bắt trước đó.
“Cũng nhờ hệ thống la bàn định vị này mà chúng tôi đã thoát chết mấy lần rồi đây. Như năm vừa rồi, khi đang lặn biển ở vùng biển Phan Thiết (Bình Thuận), nửa đêm gặp cơn gió to, sóng biển lên dữ dội, anh em không biết đường nào để cho thuyền vào bờ. May nhờ thiết bị định vị được tọa độ này mà chúng tôi mới điều khiển thuyền vào được cảng lánh nạn. Hơn nữa, mang thiết bị này trên thuyền, chúng tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều”, anh Thanh nhớ lại.
Nói đến nghề lặn, có lẽ không đâu có nhiều người làm nghề này như ở Ninh Vân, Ninh Hòa. Nhờ nghề lặn mà xã đảo nhỏ bé, nghèo khổ ngày nào giờ đã bước sang một trang mới. Những con đường bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà kiểu hiện đại mọc lên. Đời sống của người dân khá giả. Cái cảnh chạy ăn từng bữa giờ chỉ còn là ký ức.
Làm nghề này tuy vất vả nhưng ít nhất mỗi ngày cũng kiếm được từ 5- 7 trăm ngàn đồng. “Với người không có trình độ như chúng tôi, có lẽ không làm nghề nào để có được mức thu nhập như thế. Đời mình chịu cực một chút để cho con cái được học hành đến nơi đến chốn. Nghề lặn đã nuôi sống người dân Ninh Vân. Ngày trước, một người đi lặn có thể kiếm được tiền mua 3 tạ gạo/ngày. Giờ đây không còn mấy người đi lặn xa bờ, họ chuyển sang lặn rong mơ, dù kiếm ít hơn cũng đủ nuôi sống gia đình”, ông Trần Vinh (30 năm trong nghề lặn) thật thà tâm sự.
Theo lời kể, những người làm thợ lặn ở Ninh Vân có thể kiếm được vài trăm ngàn đến vài triệu đồng trong một đêm là chuyện bình thường. Không những thế, theo như ông Vinh tiết lộ, lặn xa ở các vùng biển như Hoàng Sa, Phú Quốc, Lí Sơn.. thì may mắn một đêm có thể bỏ túi gần chục triệu bạc sau khi trừ các chi phí với chủ thuyền. Chính vì thế, chỉ trong vòng 5 năm đi lặn thuê cho những chủ tàu lớn, qua các vùng biển khác nhau, anh Thanh đã có vốn mua được thuyền cỡ trung và thuê những người thợ lặn địa phương để cùng nhau làm ăn, không phụ thuộc vào người khác.
Vẫn có những giọt nước mắt…
Nghề gì cũng vậy, đều có cái giá của nó. Làm nghề lặn, có những người phải trả cái giá quá đắt. Như chính lòng biển vậy, lúc bình yên êm ả sóng, lúc lại bão tố phong ba cuốn chìm đi mọi thứ. Những người mưu sinh trên những con sóng cũng hiểu được điều này, thế nhưng vì miếng cơm manh áo, họ phải chấp nhận hiểm nguy với những đêm trắng lặn biển. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà rộng chừng hơn 20m2, ông Lê Văn Hiền (ở xóm Tây, Ninh Vân) không khỏi chua chát khi kể về quãng thời gian bám biển của mình.
Vốn là một người có hơn 10 năm tuổi nghề, nhưng cũng không tránh được những rủi ro lúc đang lặn biển. Năm 1993, ông vào Vũng Tàu để lặn tôm hùm giống. Một đêm, chẳng may gặp luồng nước lạnh đột ngột, toàn thân ông bỗng trở nên tê dại, không thể cử động được. Khi bạn lặn vớt lên bờ, tay chân ông đã co quắp lại, không còn biết trời đất gì nữa. Được áp dụng các phương pháp cổ truyền cấp cứu, ông thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” nhưng từ đó cuộc đời gắn liền với chiếc xe lăn. Đáng buồn hơn, người con rể cũng theo “dớp” cha vợ, bị tê liệt chân tay sau một lần lặn biển quãng 10 năm sau đó.
|
Anh Long kể về tai nạn nghề nghiệp. |
Tương tự là anh Nguyễn Văn Long (SN 1975), đã có hơn 20 năm làm nghề lặn biển. Khách đến nhà nhưng người đàn ông chỉ ngồi bệt dưới sàn hiên nói với theo: “Các anh thông cảm xuống bếp tự lấy nước uống giùm. Tôi bị liệt nửa người không thể đi lại”. Nhìn đôi chân co quắp của người thanh niên chưa qua nửa đời người đã phải ngồi một chỗ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nghe dòng hồi tưởng về chuyến đi biển kinh hoàng của anh Long, chúng tôi càng thấm thía thêm về sự được - mất của cuộc đời người thợ lặn.
Đó là vào một buổi chiều cuối tháng 3/2013, lúc này cá ốc ở biển Ninh Vân đã vào mùa cạn kiệt, anh Long phải cùng với một số người khác lên tàu sang tận vùng biển nước bạn. Khoảng 17h chiều, những thợ lặn trên tàu bắt đầu mặc đồ nhái, mang súng bắn cá cho chuyến lặn đêm. Sau đó khoảng 2 giờ đồng hồ, không thấy anh Long ngoi lên, những người bạn vội lặn xuống kiếm tìm. Sau khi vớt được lên bờ, toàn thân anh Long đã tê cứng, tay chân không cử động được. Kiểm tra tim thì nhịp thở không ổn định, thêm vào đó, bàng quan của nạn nhân không ngừng chảy nước.
Hơn một năm trôi qua, gia đình đã chạy chữa khắp nơi nhưng anh Long không thoát khỏi cảnh tàn tật. “Vì miếng cơm manh áo, tôi đã phải trả cái giá quá đắt. Mỗi người làm nghề lặn đều phải chấp nhận "đánh bạc" với biển cả. Trời kêu ai người ấy dạ, biết làm sao được. Trong xóm Tây này có nhiều người không may mắn còn phải bỏ mạng nơi biển khơi mênh mông. Chúng tôi dù sao vẫn còn được trở về nhà”, anh Long kể, giọng trầm buồn.
Chúng tôi rời Ninh Vân khi bóng chiều dần tắt, những con tàu lại hối hả ra khơi. Tiếng cười sảng khoái, giòn tan của những người thợ lặn trẻ rộn vang một góc bờ. Phía khơi xa, sóng vẫn mải miết xô trên mặt biển nhạt nhòa. Họ lại tiếp tục cuộc hành trình, chấp nhận những may rủi đang chờ mình phía trước... /.