Nghề tự “nướng” mình bên bếp than
“Tôi theo nghề này cũng gần 30 năm rồi. Vất vả hay không thì ai nhìn vào đều biết. Đã không ít lần tôi muốn bỏ nghề vì nóng nực, vất vả, nhưng không nghĩ mình lại bám trụ với nghề này đã nhiều năm đến vậy”, đó là chia sẻ của chị Lê Thị Bình – người có 30 năm làm nghề nướng cá thuê ở chợ Chiều (xã Nghi Phú, TP. Vinh, Nghệ An).
Chị Bình quê ở tận thị xã Cửa Lò, nhưng ngày qua ngày, không kể trời nóng hay lạnh, nắng hay mưa, cứ 15h là người phụ nữ này lại đi xe máy lên TP.Vinh làm việc. Khoảng 15h30 công việc nướng cá thuê của chị tại chợ lại bắt đầu. Để đảm bảo sức khoẻ, trước khi vào làm, chị mang 2 lớp khẩu trang, vắt thêm một chiếc khăn qua đầu trước khi đội chiếc mũ vải dày sụ lên. Kéo đôi găng tay đến gần bả vai, chèn 2 tấm bìa các-tông che phần cẳng chân, chị Bình nhóm than trong khi người chủ cắt con cá thu to thành từng miếng.
Để bếp than nướng cá đỏ rực, chị phải huy động 2 cái quạt điện chạy liên tục hướng vào bếp. Khi than đã đượm, người phụ nữ này lấy từng miếng cá thu đã được kẹp những thanh tre mỏng đặt lên chiếc kiềng sắt. Dưới sức nóng của than đỏ, chỉ sau ít phút miếng cá chuyển sang màu vàng. Lúc này, chị Bình lại nhanh tay lật miếng cá và xếp thêm cá tươi vào chỗ còn trống. Cứ hết lớp này đến lượt khác, người phụ nữ này luôn tay làm việc bên bếp lửa nóng nực.
30 năm làm nghề nướng cá, chị Bình nếm trải không ít khó khăn |
Kỹ thuật nướng cá nói thì đơn giản nhưng thợ nướng cũng phải luyện hàng tháng trời mới có thể đánh giá được thời điểm cá vừa chín mà vẫn đảm bảo được độ tươi, ngon. Là người có 30 thâm niên trong nghề nên chỉ cần nhìn màu sắc trên từng miếng cá là chị Bình biết cá vừa chín hay chưa. Vừa nướng những khúc cá tươi ngon đã được cắt đều, chị chia sẻ: Nướng cá cũng cần phải có kinh nghiệm. Nướng chưa đến “độ” thì phía trong chưa chín, dễ ươn. Nếu nướng chín quá thì thịt cá bị khô, không còn vị ngọt, ngon nữa. Dù quanh người chị là 2 cái quạt đang chạy hết công suất nhưng phần trán và lưng áo chị Bình ướt đẫm mồ hôi.
Người phụ nữ này chia sẻ, nghề nướng cá thuê vất vả lắm, nó đòi hỏi sự chịu khó, kiên trì, nếu không làm được thì bỏ nghề sớm. Sau nhiều năm theo nghề, chị đã nếm bao vị mặn của giọt mồ hôi đôi lúc lẫn cả nước mắt. Khổ nhất là mùa hè vừa oi bức, nhiệt độ ngoài trời đôi khi lên tới 40 độ C nhưng những người làm nghề như chị vẫn ngồi bên bếp than để nướng cá bán cho khách. Nhiều lúc nướng cá xong, mắt hoa không nhìn nổi thứ gì. Riêng chuyện bị bỏng ở tay, chân, do than lửa là điều không tránh khỏi.…Với mỗi buổi chợ kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, chị Bình được chủ trả 200 nghìn đồng tiền công.
Trăn trở với nghề
Là thợ nướng cá trẻ tuổi nhất ở chợ cả về tuổi đời và tuổi nghề, chị Đào Thị Huyền cho hay câu chuyện vào nghề cũng ngẫu nhiên. Cách đây 1 năm, người chị dâu bán cá ở chợ tìm mãi không được thợ, nên nói Huyền ra giúp. Nể chị dâu, Huyền mang ghế ra chợ ngồi nướng cá. Thời gian đầu, Huyền chỉ được giao nướng các loại cá ít giá trị hơn để làm quen và nếu có “quá lửa” thì thiệt hại cũng không đáng kể. Chỉ đến khi quen việc, Huyền mới được chủ tin tưởng giao cho nhiệm vụ nướng cá thu.
Lau vội những giọt mồ hôi đang lăn trên khuôn mặt đỏ ửng vì nóng, Huyền tâm sự: Nghề này tưởng đơn giản nhưng hóa ra rất khó. Thời gian đầu nóng, mỏi, người ám đầy mùi cá, tối về tắm rửa vẫn ngửi thấy mùi cá nướng từ người. Nghĩ vất vả, hôi tanh mùi cá em cũng nản, muốn bỏ việc. Phải mất vài tháng em mới nướng cá đạt theo yêu cầu. Giờ thì quen rồi, không tính đổi nghề nữa vì thấy đây cũng là một nghề hay.
Làm việc liên tục bên bếp than nóng, nhất là vào mùa hè, độ nóng bên bếp than càng gắt hơn. Lúc này, công việc của những người nướng cá thuê lại càng vất vả hơn. Chị Huyền còn hài hước nói: Làm nghề này chẳng sợ béo đâu. Người có tí mỡ nào thì than “đốt hết”. Chưa hết, nghề này đòi hỏi sự nhanh nhẹn, tỉ mỉ, đặc biệt là phải chịu khó. Không tỉ mỉ, chịu khó thì không trụ được đâu.
Để chống chọi với độ nóng của bếp than, ngoài một lớp găng tay vải và 1 lớp găng tay cao su, Huyền còn ngâm tay trong nước lạnh để lấy cá lại hơ trên than để lật, tránh cá bị cháy. Do đó, da tay của Huyền thường bợt bạt, nhăn nheo. Đôi ủng bị sức nóng đốt cháy sém phía trước. Hơi nóng xuyên qua lớp nhựa, qua lớp quần bảo hộ dày sụ “đốt” ống quyển.
Nghề nướng cá quanh năm ám ảnh bởi mùi cá, than và khói. |
Huyền dùng 2 miếng bìa cát-tông chèn vào ủng, như một tấm khiên để chống lại hơi nóng hầm hập phả từ bếp vào. Vì là thợ mới nên mức thu nhập của Huyền còn khá khiêm tốn. Còn đối với những thợ nướng cá lâu năm như chị Bình thì tiền công mỗi buổi 200 nghìn đồng. Nếu tính theo giờ làm thì mức thu nhập này không phải là nhỏ. Dù vậy, theo những người thợ nướng cá thuê, không phải ai cũng trụ được với nghề. Không ít người, chỉ sau ít ngày thử việc đã bỏ cuộc.
Sạp hàng của chị Đặng Thị Đức chuyên bán cá thu, cá ù và nướng tại chỗ theo yêu cầu của khách. Bởi vậy, để làm kịp cho khách chị phải thuê người nướng cá. “Tiền công mỗi buổi 200 nghìn nhưng tìm không ra người đâu vì không phải ai cũng biết nướng và gắn bó được với công việc nóng nực này”, chị Đức nói.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm, chị Lê Thị Thương (trú thị xã Cửa Lò) đồng ý đến làm việc cho chị Đức. Bố đi biển đánh cá, mẹ nướng để bán nên từ nhỏ chị Thương đã được mẹ “truyền nghề”. Sau này, khi lớn lên, lập gia đình riêng, chị Thương gắn bó với công việc này cho đến bây giờ. Người phụ nữ này bảo: Dù vất vả nhưng nghề này chỉ làm một buổi kéo dài tầm hơn 3 tiếng, thời gian còn lại mình có điều kiện để xếp dọn việc nhà, đồng áng, vườn tược, lo cơm nước cho chồng con. 200 nghìn/buổi, công việc đều đặn thì thu nhập mỗi tháng cũng 6 triệu đồng. Đó là khoản tiền để chị phụ chồng chi tiêu trong gia đình, nuôi dạy các con.
Nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày ngồi bên bếp lửa nóng nực khiến da dẻ những người thợ đều khô quắt, cả người ám mùi cá. Nhưng, với họ đó là công việc mà họ mưu sinh hàng chục năm nay. Cầm những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi đó, họ càng quý giá tiền mình làm ra.