“Con của tôi vẫn có thể kết hôn được với con của em gái tôi”
Nguyên nhân khiến cho tục kết hôn cận huyết khó giải quyết mặc dù đời sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều được thay đổi, đó là vì người dân tộc thiểu số vẫn giữ phong tục con cái sinh ra đều theo họ mẹ. Do vậy, chuyện anh em con chú con bác, thậm chí con cái của anh em ruột vẫn có thể kết hôn với nhau.
Ví dụ cho nhận định này có thể thấy qua câu trả lời báo chí của một lãnh đạo xã ở tỉnh Gia Lai: “Trong gia đình tôi, bố tôi họ Ksor, mẹ tôi họ Nay, tôi mang họ mẹ. Tôi lấy vợ họ Rơ Mah, con cái tôi tất nhiên là phải mang họ Rơ Mah. Khi em gái tôi kết hôn, con của em gái tôi vẫn mang họ mẹ là Nay. Như vậy, nếu nhìn vào họ con của tôi vẫn có thể kết hôn được với con của em gái tôi vì khác họ”. Bên cạnh lý do tập tục, còn có lý do để giữ của cải, vì nếu lấy “người một nhà” thì của cải không mất đi đâu. Tuyệt nhiên vấn đề sức khỏe của các thế hệ sau do hệ lụy của hôn nhân cận huyết mà khoa học đã chứng minh như: sinh con dị dạng hoặc mang bệnh tật di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá... không được người dân quan tâm.
Không riêng gì Gia Lai, kết hôn cận huyết thống cũng đang là vấn đề đặt ra với dân tộc thiểu số rất ít người như: dân tộc Chứt, dân tộc Mảng, dân tộc La Hủ… Ở tỉnh Lai Châu từ năm 2004-2011 có tới 1.600 trường hợp tảo hôn; ở xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La năm 2014 có 62% trường hợp kết hôn là tảo hôn.
Năm 2015, tại hội thảo tham vấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” do Ủy ban Dân tộc tổ chức, các đại biểu đã khẳng định tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân và cũng chính là hậu quả của nghèo đói, sự phát triển thiếu toàn diện.
Để đẩy lùi tình trạng này, đại biểu kiến nghị, cần có chính sách hỗ trợ tư pháp người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn khi thực hiện kết hôn đúng độ tuổi và thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và bằng nhiều thứ tiếng tới cơ sở nhất là các thôn, bản; nhân rộng các mô hình thí điểm đạt hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn.
Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu mỗi năm giảm bình quân 2%-3% số cặp tảo hôn và 3%-5% số cặp kết hôn cận huyết thống; Đến năm 2025 phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.
Tuyên truyền tập trung vào quy định của pháp luật liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết
Thực tế cho thấy, trong “cuộc chiến” đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thì vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Tại hội thảo tham vấn nói trên, ông Hoàng Xuân Lương - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã nhận định: “Bên cạnh đó là sự nghèo đói, hạn chế hiểu biết về pháp luật; cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội ở một số nơi thiếu kiên quyết, chưa thực sự quan tâm đến gia đình, cộng đồng, chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết sống”.
Đây cũng là lý do thúc đẩy Bộ Tư pháp mới đây vừa có văn bản gửi một số Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Dân tộc, các tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan phát thanh, truyền hình… đề nghị tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Theo Bộ Tư pháp, một trong số nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết là do người dân nhận thức chưa đầy đủ về hậu quả, tác động tiêu cực của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chưa nhận thức được đây là hành vi bị cấm theo Luật Hôn nhân và Gia đình và sẽ bị xử lý theo pháp luật hoặc do ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán lạc hậu...
Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan, tổ chức căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý trong khi thực hiện nhiệm vụ cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ và nhân dân bằng hình thức phù hợp về những tác hại, hậu quả và hệ lụy do tảo hôn, hôn nhân cận huyết mang lại; chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, xử lý vi phạm hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình; Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình; Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã...
Cũng theo Bộ Tư pháp bên cạnh địa phương lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, thì nội dung tuyên truyền, phổ biến cần tập trung vào các quy định của pháp luật có liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng như hậu quả, tác hại và những hệ lụy do các hành vi này gây ra để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
“Huy động, phát huy vai trò tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào, người dân xoá bỏ hủ tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình, nghiêm túc thực hiện chính sách, pháp luật” – công văn Bộ Tư pháp nhấn mạnh...