Bà Nguyễn Thị Tư - Vụ trưởng Vụ Dân tộc Thiểu số, Ủy ban Dân tộc - cho biết: Đi về các bản làng của đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, không khó để bắt gặp hình ảnh các bé gái mới 15, 16 tuổi đã trở thành những người vợ, người mẹ. Trong những chuyến khảo sát, chúng tôi bắt gặp cả trường hợp các em mới 12, 13 tuổi đã có vợ, có chồng, thậm chí nhiều em chưa biết tiếng Kinh và không biết chữ.
Khi được hỏi đến Luật Hôn nhân và Gia đình, hỏi về các câu liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống các em đều lắc đầu không biết. Hỏi tại sao lại lấy vợ, lấy chồng sớm, tại sao kết hôn với người cùng dòng họ?.
Những câu trả lời chúng tôi nhận được là “để có thêm người phụ giúp gia đình” hay hồn nhiên như “thấy thích nhau thì lấy thôi” hoặc “các con nó tự đưa nhau về thì cho cưới”… và tâm lý muốn giữ của cải trong dòng họ đối với các trường hợp kết hôn cận huyết thống không phải là hiếm. Khó có thể trách được các em, khi mà mối quan tâm lớn nhất của con người ở những nơi này có lẽ là làm sao có bữa cơm đủ no, có áo ấm đủ mặc. Những thứ như pháp luật hay khoa học dường như là một cái gì đó quá xa xôi”.
Hồ Thị Hí (người Vân Kiều, ở thôn 2 xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) sinh năm 2001, năm nay mới 15 tuổi nhưng con gái đã 2 tuổi. Hí là học sinh trường dân tộc nội trú của huyện. Năm ngoái, nghỉ hè về làng, Hí có bầu với Hồ Văn Song (19 tuổi, người cùng làng). Hí và Song đã ra xã xin đăng ký nhưng xã không cho vì chưa đủ tuổi. Thế là, hai “vợ chồng” không tổ chức đám cưới mà dẫn nhau về dựng tạm căn nhà ngay đầu làng, âm thầm sống với nhau và đứa bé chào đời. Ngoài Hí, xã Phước Thành còn có 2 trường hợp nữ sinh khác cùng độ tuổi với Hí phải nghỉ học để lấy chồng.
Lý giải cho chuyện cưới con dâu “nhí”, ông Lường Văn An (ở Bản Khảm, xã Tô Múa, huyện Vân Hồ, Sơn La) bộc bạch: “Trong bản mình tìm được vợ khó hơn vàng. Vàng còn thấy người ta đeo, chứ vợ cưới không nhanh trai bản khác cướp mất. Như con dâu mình, 15 tuổi còn nhỏ, chưa sinh được đâu, mình cứ lấy về cái đã. Chuyện đẻ tính sau”. Ông An cho hay con trai ông 22 tuổi bị bệnh nên lấy vợ muộn, chứ ông thông gia - bố của con dâu trước đây cũng tảo hôn, hơn 30 tuổi đã có con gả chồng.
Ngoài 30 tuổi, chị Cà Thị Ngân (người Thái Đen ở bản Coòng, xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu, Sơn La) có 4 lần mang nặng đẻ đau nhưng 3 đứa đầu đều chết khi mới lọt lòng. 16 tuổi, chị Ngân lấy chồng là anh Cà Văn So, hơn chị 2 tuổi, là con của anh trai bố chị, tức hai người có cùng ông bà nội. Một năm sau khi lấy chồng, chị Ngân sinh con đầu lòng khỏe mạnh, bụ bẫm. 3 ngày sau, đứa trẻ cứ lạnh dần, tím ngắt rồi chết... 2 năm sau, chị sinh đứa thứ hai nhưng đứa trẻ chỉ nhìn thấy ánh mặt trời 5 ngày rồi cũng “đi” theo anh nó.
Có bầu đứa thứ ba, chị Ngân lên bệnh viện huyện đẻ cho yên tâm. Thế nhưng chưa được một tuần, bác sĩ lắc đầu bảo cháu bé bị viêm não, không cứu được nên trả về nhà cho gia đình lo ma chay. Sau đó, theo phong tục, chị Ngân xin một bé gái về nuôi. Bảy năm sau ngày xin con nuôi, vợ chồng chị Ngân sinh cháu út. Đứa trẻ giờ đã 3 tuổi nhưng còi cọc, khó nuôi.
Lý giải thực trạng gia tăng tảo hôn, ông Tòng Văn Hung - Trưởng bản Bó Phúc, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu cho biết: “Trước đây, tình trạng tảo hôn ở địa phương cũng có nhưng ít thôi do dân bản ở cách xa nhau, từ nhà này qua nhà kia khó. Từ ngày có điện thoại di động, trai gái gọi điện rủ nhau đi chơi dễ hơn. Địa phương động viên, vận động không tảo hôn nhưng nói nhiều cũng chẳng ăn thua. Cha mẹ lý sự, con tôi ế, không có chồng ai chịu trách nhiệm. Còn bọn trẻ thì dọa không cho lấy nhau sẽ ăn lá ngón tự tử. Quê mình ở Quỳnh Nhai đã có người tự tử ăn lá ngón vì không lấy được nhau đấy”.
Không cho lấy nhau sẽ ăn lá ngón tự tử không phải là sự hù dọa. Đấy là một trong những thách thức mà cán bộ chuyên trách dân số cũng đành bó tay.