Những bí ẩn lịch sử xung quanh thanh long đao của vua Mạc Đăng Dung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thanh long đao được cho là của vua Mạc Thái Tổ dài 2,55m, cân nặng 25,6kg, lưỡi đao dài 0,95m, cán đao dài 1,60m, bằng sắt rỗng, có cá chốt chặt lưỡi đao vào cán đao. Tương truyền, đây là thanh đao bất ly thân của vua Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung và nó cũng gắn liền với suốt sự nghiệp chinh chiến, bình thiên hạ của ông.
Lễ rước thanh long đao về làng Cổ Trai (Hải Phòng).
Lễ rước thanh long đao về làng Cổ Trai (Hải Phòng).

Tuy nhiên, những vấn đề liên quan tới niên đại, tính thực chiến của thanh long đao này vẫn còn nhiều tranh cãi.

Thanh long đao trên 500 tuổi

Hiện tại, trong khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng đang lưu giữ một thanh long đao được gọi là Định Nam đao của vua Mạc Đăng Dung làm bằng sắt, bị han gỉ nham nhở đặt trong tủ kính ở ngay dưới ngai thờ vị vua dựng lên triều Mạc. Vật thái bảo này nặng 25,6kg, dài 2,55m, trong đó lưỡi đao dài 0,95m, cán làm bằng sắt rỗng. Dọc sống đao có nhiều nét hoa văn rất lạ đến nay vẫn chưa lý giải được.

Sở dĩ xếp thanh Định Nam đao vào loại đại long đao theo phân loại binh khí cổ là bởi kích thước dài và lớn hơn mức trung bình của nó so với hầu hết các loại đao cận chiến thường thấy cũng như phần khâu đao của nó được tạo tác theo hình dạng đầu rồng thu nhỏ, thay cho chỗ chắn hộ thủ quen thuộc thường thấy ở các loại đao khác nhau. Chuôi đao trông như thể đầu rồng con đang há miệng nuốt lấy phần cuối lưỡi đao.

Theo nhận định của nhóm chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam năm 2019, phần đầu rồng trên khâu đao không có mào và cũng không có sừng. Trong khi đó, rồng có mào là đặc trưng của rồng thời Lý và rồng thời Trần, còn rồng có sừng dài là đặc trưng của rồng thời Lê Trung Hưng và rồng thời Nguyễn. Phần đầu rồng này gần giống với rồng thời Lê sơ (với đặc trưng là không có mào, không có sừng, có mũi to như mũi sư tử) và nếu thêm sừng nhú thì sẽ giống với rồng thời Mạc. Vì vậy, nhóm chuyên gia này cho rằng đầu rồng này thuộc nửa đầu thế kỷ XVI.

Thanh long đao được gọi là Định Nam đao được cho là của vua Mạc Đăng Dung đã bị hen gỉ, nham nhở (Ảnh: Công luận).Thanh long đao được gọi là Định Nam đao được cho là của vua Mạc Đăng Dung đã bị hen gỉ, nham nhở (Ảnh: Công luận).

Căn cứ mô tả của Viện Khảo cổ Việt Nam, TS. Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhận định: “Trang trí ở khâu đao tỉ mỉ, tinh tế, chưa thấy xuất hiện trong các di tích và bảo tàng Việt Nam. Niên đại của hiện vật có thể đặt trong bối cảnh triều Lê Trung Hưng”. Còn PGS. TS Đinh Khắc Thuận (Viện Hán Nôm) thì cho rằng: “Nghiên cứu trang trí trên khâu đao có thể xác định nghệ thuật trang trí mang phong cách Mạc”.

Theo câu chuyện lưu truyền trong dân gian, một người thợ rèn bí ẩn thấy tướng mạo khác thường của chàng trai Mạc Đăng Dung, làm nên nghiệp lớn không phải bằng con đường kinh sử mà là võ học. Chính vì vậy, người thợ đã rèn thanh long đao như một lời nhắn ngầm Mạc Đăng Dung sẽ thành thiên tử từ chính binh khí này. Sau khi rèn xong, ông để lại cây long đao kèm với một bài kệ đại ý là: “Cơ nghiệp sẽ dựng nên từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm nên sự lớn”.

Với binh khí này, Mạc Đăng Dung đã trúng Võ trạng nguyên trong cuộc thi tuyển võ sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long, dưới triều vua Lê Uy Mục, được sung quân Túc vệ. Trong các cuộc dẹp loạn phe phái ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thanh Hóa..., Định Nam đao trở thành trợ thủ đắc lực giúp ông chiến thắng, bảo vệ triều đình. Mạc Đăng Dung được phong tới chức Thái sư, tước An Hưng vương, đức trí bậc nhất triều đình.

Một số chuyên gia về binh khí cổ ở Việt Nam cho rằng thanh long đao lúc ban đầu có thể cân nặng hơn 30 kg. Còn nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ ở Việt Nam khẳng định đây là một trong hai thanh long đao của quân vương ở châu Á còn tồn tại đến nay, cùng với thanh long đao của Tống Thái Tổ (Triệu Khuông Dẫn), vị vua sáng lập ra nhà Bắc Tống (Trung Quốc). Tuy nhiên, hiện còn một binh khí khác cũng được nhiều người quan tâm là thanh kiếm có tên Thái A kiếm được cho là của vua Gia Long hiện đang được lưu giữ và trưng bày trong một bảo tàng tại Paris (Pháp).

Số phận chìm nổi của long đao

Tương truyền, dưới thời vua Lê Uy Mục tổ chức thi tuyển dũng sĩ, Mạc Đăng Dung đã trúng Đô lực sĩ xuất thân (còn được gọi là Võ trạng nguyên), được sung quân Túc vệ cầm dù theo vua. Theo truyền thuyết thì Mạc Đăng Dung đã dùng thanh đao này để thắng cuộc thi tuyển võ sĩ nêu trên và sau đó dùng thanh đao này để xông pha trận mạc dẹp các thế lực muốn phân tranh cát cứ với triều đình Lê sơ. Thời kỳ còn làm tướng của nhà Lê sơ thì thanh đao này có thể là một trong những vật bất ly thân của ông.

Không có thế lực chống lưng hỗ trợ, từ một người đậu Võ trạng nguyên ở độ tuổi ngoài 20 tuổi rồi được sung quân Túc vệ vác lọng theo vua thời gian đầu, Mạc Đăng Dung đã được giao chức Đô Chỉ huy sứ vệ Thần Vũ vào năm 1508 khi mới 25 tuổi. Điều này cho thấy nhiều về năng lực đương thời của ông, chứ không phải chỉ tiến thân nhờ có nhiều sức mạnh cơ bắp cá nhân hơn người thường mà đạt được. Chỉ trong khoảng 20 năm, Mạc Đăng Dung từ một võ quan cấp thấp thời Lê Uy Mục, nhờ tài thao lược và mưu trí, đã vươn tới tột bậc quyền lực vào năm 1527 khi được thăng tới chức Thái sư tước An Hưng vương thời Lê Cung Hoàng.

Cũng trong năm 1527, ông chính thức soán ngôi nhà Lê sơ để lập ra nhà Mạc. Tuy nhiên ông chỉ giữ ngôi vua có 3 năm, rồi theo kế sách thời Trần mà chủ động nhường ngôi cho con trưởng Mạc Đăng Doanh (Mạc Thái Tông), sau đó lui về Dương Kinh (Cổ Trai) quê nhà nhưng vẫn quán xuyến hầu hết những việc hệ trọng quốc gia cho tới tận khi mất với vai trò của một Thái thượng hoàng.

Và có lẽ từ thời điểm này cho đến những năm cuối thế kỷ 16 khi nhà Mạc bị thất thủ (1592) thì thanh đao đã được cất giữ tại Dương Kinh (Cổ Trai). Sau khi Mạc Thái Tổ băng hà năm 1541 thì thanh đao này được thờ như vật thái bảo của họ Mạc tại lăng miếu Dương Kinh (Cổ Trai).

Đến năm 1592, khi nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, cháu 4 đời của Mạc Đăng Dung là Mạc Đăng Thuận coi giữ lăng miếu, đã mang theo thanh đao này từ lăng miếu đến vùng Đồ Sơn, rồi sau đó xuống thuyền rời Đồ Sơn tiến về phía Nam, sau đó theo sông Hồng đến định cư ở vùng đất Kiên Lao (Nam Định) và đổi sang họ Phạm để tránh bị chúa Trịnh truy sát.

Trải qua bốn đời ở vùng Kiên Lao, dòng họ Phạm gốc Mạc có sự phân chi, ông Phạm Công Úc được giao mang thanh đao này về định cư ở thôn Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định và thờ ở từ đường chi họ Phạm gốc Mạc.

Năm 1821, Phan Bá Vành nổi dậy chống lại triều đình vua Minh Mạng và muốn mượn thanh đao này làm linh khí trên chiến trường. Dòng họ Phạm gốc Mạc ở Ngọc Tỉnh đã chôn giấu thanh đao này để không bị mất.

Tương truyền, vật báu của vua Mạc Đăng Dung được tìm thấy vào năm 1938, dưới lòng đất sâu, khi dòng họ Phạm gốc Mạc làng Ngọc Tỉnh tôn tạo từ đường, đào hồ bán nguyệt. Khi chưa tìm thấy thanh long đao, gò đất phía đông nam từ đường họ Phạm gốc Mạc thường xuyên “phát hỏa”, lửa tự nhiên bốc cháy rồi lại tắt.

Vì thế, dân trong vùng gọi gò đất này là gò Con Hỏa. Kể từ khi tìm lại được đại đao, gò Con Hỏa không còn phát hỏa nữa. Con cháu họ Phạm gốc Mạc đã rước về từ đường thờ phụng bảo quản trong lớp mỡ bò để tránh sự ăn mòn, thậm chí phải ngụy trang và bảo vệ nghiêm ngặt trước sự rình mò của những kẻ trộm cổ vật.

Tới ngày 22/9/2010, Định Nam đao của Mạc Thái tổ “trở về nguồn cội” khi chi Phạm gốc Mạc ở làng Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nghinh rước vật báu này về khu tưởng niệm Vương triều Mạc, đúng dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đọc thêm