Những bông hoa rực rỡ sắc màu của cô gái tật nguyền tên... Hoa

(PLO) -Cuộc đời chị gắn liền với hoa: công việc đầu tiên chị làm là thêu hoa và bây giờ là dạy làm và bán hoa voan. Nhóm thiện nguyện mà chị lập ra có tên là “Hoa xương rồng”. Chị cũng tên Hoa - một người phụ nữ khuyết tật sống như một đóa hoa tỏa ngát hương.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hoa.

“Tàn nhưng không phế”

Chị Nguyễn Thị Thúy Hoa (SN 1974, ngụ đường Trần Cao Vân, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) sinh ra trong một gia đình lao động đông con, khi chào đời chị là một đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh, hoạt bát. Nhưng lúc mới 6 tháng tuổi, một cơn sốt bại liệt đã lấy đi đôi chân và sức khỏe của chị. Rồi cha mẹ lần lượt qua đời vì bệnh hiểm nghèo, cô gái tật nguyền gần như suy sụp hoàn toàn.

Vậy mà bằng đôi tay và nghị lực phi thường, chị Hoa đã vượt qua nỗi buồn và quyết tâm sống có ích. Năm 14 tuổi, chị tham gia vào cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật, vừa học vừa kiếm tiền mưu sinh bằng nghề thủ công mỹ nghệ. 

Những ngày học việc đầu tiên chính là thời gian thử thách gian nan với chị, phải ngồi một chỗ cả ngày, đôi tay thì yếu và nhanh mỏi. Nhưng với ý chí và sự cần cù vốn có, chị đã nhanh chóng trở thành một trong những người thợ lành nghề nhất trung tâm, với nhiều sản phẩm đa dạng, sáng tạo, đẹp mắt.

Trong thời gian này, chị Hoa đã được gặp và kết bạn với rất nhiều nhà hảo tâm đến từ nước ngoài, nên chị quyết tâm tự học tiếng Anh. Sau một thời gian luyện tập, chị đã thành thạo ngữ pháp, nghe và phát âm rất chuẩn. Có được vốn tiếng Anh đáng quý, chị tự tìm giáo trình trên mạng về để dạy miễn phí cho người khuyết tật, trẻ em và cả những người có nhu cầu.

Dần dần, tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều học viên tìm đến chị, trong đó có cả những sinh viên và người đang đi làm. Nguyễn Thị Trúc Lệ, sinh viên khoa Kinh tế - Kế toán, trường Đại học Quy Nhơn, cho biết: “Tôi thích học ở chỗ chị Hoa vì chị phát âm rất chuẩn và rất kiên nhẫn chỉnh sửa cho người học. Chỉ sau một thời gian mà khả năng giao tiếp của tôi đã nâng lên rõ rệt, thuận lợi cho quá trình xin việc của tôi sau khi tốt nghiệp.”

Từ năm 2009, nhận thấy các sản phẩm hoa bằng vải voan rất đẹp, bền, lại chưa có nhiều nơi bán, chị Hoa đã mở một cửa hàng bán hoa voan nghệ thuật tại nhà, đồng thời nhận dạy nghề làm hoa cho mọi người.

Sau 5 năm, chị đã truyền nghề cho tổng cộng gần 80 người, trong đó có 5 người khuyết tật. Những đóa hoa voan từ tay chị đã vươn nở trên khắp các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh Bình Định, giúp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người khác.

Bên cạnh đó, vì rất yêu văn thơ nên chị Thúy Hoa cũng tự tìm hiểu, học hỏi và sáng tác, đến nay đã có nhiều tác phẩm được đăng trên các báo, đài trong và ngoài tỉnh Bình Định. Chị còn là người sáng lập ra nhóm bút “Hoa xương rồng”, tập hợp các tác giả là người khuyết tật tại địa phương. 

Chị Hoa vui vẻ cho biết: “Những sáng tác của tôi đa phần dựa trên trải nghiệm cuộc sống của chính mình, khích lệ người đọc có thêm niềm tin và tình yêu với cuộc sống. Đã có lần tôi nhận được một bức thư của một cô bé khuyết tật, nói rằng truyện ngắn của tôi đã tiếp thêm nghị lực sống cho em trong những ngày tăm tối nhất. Bức thư đó chính là niềm động viên, cổ vũ tôi trong các hoạt động sau này.”

Chị Hoa cùng các bạn sinh viên tình nguyện trường Đại học Quy Nhơn.

Hành trình thắp sáng yêu thương

Với một người khuyết tật, có thể tự lập trong cuộc sống đã là một nỗ lực không ngừng nghỉ, nhưng với chị Hoa, cuộc sống không chỉ là nghĩ cho riêng mình. Chị là người đứng ra kêu gọi và tổ chức chương trình “Thắp sáng yêu thương”, một chương trình giao lưu thường niên giữa người khuyết tật và các thanh niên tình nguyện tại tỉnh Bình Định.

Chương trình “Thắp sáng yêu thương” được chị thực hiện từ năm 2009, ban đầu chỉ là buổi giao lưu văn nghệ tại nhà với hơn 70 người khuyết tật. Nhưng được sự ủng hộ mạnh mẽ của người khuyết tật và cộng đồng, mỗi năm quy mô lại lớn dần lên. 

Hàng năm, chương trình được tổ chức tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Bình Định, với nhiều hoạt động ý nghĩa như thi khéo tay, thi văn nghệ, trò chuyện với cá nhân tiêu biểu, bày bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người khuyết tật. Chương trình đã gây được hiệu ứng tích cực, thu hút hơn 100 người khuyết tật và đông đảo người dân tham gia.

Lần gần đây nhất, chị Hoa tiếp tục tổ chức chương trình có quy mô lớn hơn, kết hợp đồng hành đi bộ vì người khuyết tật với khoảng 100 người khuyết tật cùng 200 tình nguyện viên. Dù là một người khuyết tật nhưng chị đã kêu gọi được sự tham gia góp sức của gần 10 câu lạc bộ thiện nguyện trong tỉnh Bình Định tham gia và trực tiếp đi bộ cùng người khuyết tật.

Hiện nay, hàng ngày, chị Hoa cùng nhóm của mình tự tay nấu những nồi sữa đậu nành, sữa bắp, nước nha đam và bày bán ngay trước cửa nhà mình, ngã năm Nguyễn Huệ - Trần Cao Vân (TP.Quy Nhơn). Phải thức khuya dậy sớm làm vất vả, nhưng mỗi chai nước chị bán chỉ có giá từ 5.000 đến 10.000 đồng. 

Làm rất sạch sẽ, cẩn thận nhưng giá lại rẻ hơn cả những quán kinh doanh, nên số tiền lãi để đóng vào quỹ cũng không đáng là bao. Sau mỗi ngày chị lại cất tiền lãi vào một hộp riêng, ngày nhiều thì lãi được trăm nghìn, ngày ít chỉ được vài chục nghìn. Tuy vậy, chị Hoa vẫn rất kiên trì, chịu khó và cảm thấy vui khi có những khách hàng quen thuộc ủng hộ.

“Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 6 giờ sáng cho tới 10 giờ tối, công việc làm nước và bán hàng gây quỹ đã chiếm hết thời gian của tôi. Cũng may có nhiều bạn thanh niên đã tình nguyện đến giúp đỡ, chứ mình tôi thì không đủ sức để thực hiện”, chị Hoa tâm sự.

Sự nhiệt tình, tâm huyết của chị Hoa ngày càng lớn, trong khi sức khỏe lại ngày một yếu đi. Do chị không chịu nằm, mà thường xuyên ngồi để làm việc, nên cột sống ngày càng cong vẹo. Ảnh hưởng nặng nề nhất là một bên tay của chị đang dần tê liệt, hiện giờ chỉ có thể cầm, giữ chứ không cử động được linh hoạt như xưa.

Những đóa hoa voan giờ đã trở nên quá khó khăn với đôi tay của chị, chị đành chuyển hẳn sang dạy làm hoa, chứ không thể trực tiếp làm được nữa, nhưng đó vẫn chưa phải là điều khiến chị tiếc nuối nhất.

Tuy có nhiều đóng góp ý nghĩa cho xã hội, nhưng chị Hoa vẫn rất khiêm tốn và chỉ luôn mong ước làm được thật nhiều điều cho người khuyết tật. Bằng giọng nói yếu ớt, chị kể cho chúng tôi nghe về ước mơ mở một quán cafe với tất cả nhân viên là người khuyết tật, ở giữa quán có nơi để người khuyết tật làm và bày bán các món đồ thủ công, tất cả khách hàng sẽ giao lưu và gần gũi với người khuyết tật như người trong một nhà. 

“Dẫu biết rằng với khả năng của mình thì gần như là không thể, nhưng mỗi khi nghĩ tới giấc mơ đó tôi vẫn vui lắm. Có lẽ một ngày nào đó sẽ có người đủ khả năng để thực hiện ý tưởng này”, chị Hoa tâm sự.

Một trong số những người luôn ủng hộ, động viên chị Hoa trong tất cả các chương trình là anh Lê Chí Sỹ, Chi hội trưởng Chi hội Người khuyết tật TP.Quy Nhơn.
“Thúy Hoa có sức khỏe rất yếu, bị khuyết tật 91%, lại bị nhiều bệnh tật. Nhưng bằng nhiệt huyết và niềm đam mê, cô đã lấy niềm vui trong công việc để xua đi nỗi đau về thể xác. Hoa là một tấm gương mẫu mực, tiêu biểu cho tất cả chúng tôi”, anh Sỹ cho biết.

Đọc thêm