Đồng tiền máu
Như đã trình bày ở kỳ trước, sau khi đứa con gái duy nhất đi lấy chồng, gia đình ông bà mới bắt đầu bước vào thời kỳ “khủng hoảng” và “suy sụp”. Nguyễn Văn Trường, chồng chị Tuyết, là quân nhân xuất ngũ, nghề nghiệp không có. Sau đám cưới, Trường lặn lội lên miền núi phía Tây Quảng Nam mưu sinh trên những baxi vàng. Cuộc sống gia đình dần khấm khá lên.
Thời gian đó, Phong và Khải đang theo học đại học tại TP.Hồ Chí Minh, được về quê nghỉ hè dài ngày. Theo lời “mời gọi” của anh rể cùng sự chấp thuận của chị gái, Phong và Khải đã giấu ba má lên Phước Sơn làm vàng. Họ chỉ nói là đi làm thêm kiếm tiền dịp hè nên cha mẹ mới đồng ý. Thời gian sau, bà Nhung mới biết chuyện hai con trai bà đi làm vàng thì mọi chuyện đã muộn. Khi nào gặp các con, bà Nhung cũng khóc lóc, van xin mong sao cho các con hồi tâm chuyển ý.
Từng “vào sinh ra tử” mấy chục năm cuộc đời, hơn ai hết, bà Nhung hiểu rõ sự hiểm nguy của chốn “rừng thiêng nước độc” đó. Thu nhập dù cao nhưng ham mê kiếm tiền sẽ kéo theo cái giá phải trả rất đắt. “Mẹ lạy các con đừng đi lên đó nữa! Nhà mình dẫu không giàu có nhưng ba má vẫn có thể lo cho các con ăn học tử tế, có thiếu thốn gì đâu. Ở nhà với ba má nghe các con, ba má vẫn lo cho các con đầy đủ được mà”, bà Nhung kể lại những lời gan ruột khuyên nhủ hai đứa con.
|
Suốt cuộc nói chuyện, hai dòng nước mắt bà Nhung luôn chảy dài. |
Vốn là những đứa con ngoan hiền, thấy mẹ khóc lóc, Phong và Khải cũng có lúc không nỡ lòng cất bước ra đi. Vậy nhưng vài ngày sau, nghe lời anh rể dụ ngọt, hai người lại len lén lên bãi vàng. Không có cách nào ngăn cản các con, cha mẹ già đành chỉ biết ở nhà ngóng đợi trong lo lắng.
Cứ vài hôm nghe tin trong làng có ai đi trên núi về, bà Nhung lại lọ mọ sang nhà hỏi thăm tình hình con cái. Nói là cùng làm trên bãi vàng, nhưng núi rừng mênh mông, không phải lúc nào cũng gặp được nhau. Nhiều hôm, bà Nhung lặn lội cả mấy km đi hỏi thăm tin con, cuối cùng phải trở về trong tâm trạng rối bời vì không ai biết tình hình các con bà như thế nào.
Một tháng, hai tháng, rồi ba, bốn tháng không thấy con về, không một lời hồi âm, tin nhắn, chẳng cuộc điện thoại nào, bà Nhung hết sức lo lắng. Nhiều đêm bà nằm gác tay lên trán suy nghĩ và trăn trở. Rồi tin mưa bão, nhiều bãi vàng bị sụp chết người, bà lại càng xót ruột, tâm trạng khi nào cũng bồn chồn, nôn nao.
Bà đâu biết các con mình đang gặp vận đỏ. Làm vàng may mắn “trúng mánh”, họ có nhiều tiền bạc, cuộc sống như được “lên tiên”, được “ăn sung, mặc sướng, ăn chơi phè phỡn”. Càng ngày, hai anh em Phong càng sa đà vào những “thú chơi” của những “đại gia” bãi vàng, chuyện học hành ở TP.Hồ Chí Minh cũng dần xao nhãng. Hai người bỏ học lúc nào không hay.
Vết trượt dài
Khi kiếm được “lộc” trời (trúng vàng), Phong và Khải đã bị lôi cuốn vào những cuộc chơi thác loạn để thể hiện đẳng cấp trong xã hội. Ban đầu sử dụng shisha, thuốc lắc, đập đá, về sau là thuốc phiện, ma túy. Cứ thế qua thời gian, hai anh em đã trở thành những “đệ tử” của “nàng tiên nâu”. Biết hai em nghiện ma túy, vợ chồng Tuyết lại giấu, không cho ba má hay. Rồi đến một ngày, trong một lần Phong và Khải về thăm nhà, bà Nhung như chết điếng khi phát hiện hai đứa con trai đều đã nghiện ma túy.
Dẫu vậy, vợ chồng bà Nhung vẫn hy vọng “còn nước, còn tát”, dùng hết tình thương, lời ngon tiếng ngọt để dỗ dành hai con ở nhà cai nghiện. Khi tỉnh táo Phong và Khải rất ngoan ngoãn nghe lời, nhưng khi lên cơn họ nổi máu lôi đình, la hét, quậy phá. Nhiều lần, bà Nhung phải nhờ hàng xóm trói hai con lại để chúng không bỏ trốn ra ngoài mua thuốc.
Cũng thời điểm đó, xã Tam Ngọc cũng nổi lên với tình trạng nhiều nam thanh niên sau khi đi lên núi làm vàng sa vào con đường nghiện ngập ma túy. Tình trạng này diễn ra hết sức phức tạp. Để có thuốc thỏa cơn nghiện, những đối tượng này phải đi ăn trộm, ăn cắp để có tiền mua thuốc. Cứ tối tối, họ hay rủ nhau tụ tập tại những địa điểm vắng người để tiêm chích. Hai con trai bà Nhung cũng thường xuyên nhập hội này, cũng tìm đủ mọi cách để có tiền “phê” ma túy.
“Có lần, tui nghe tụi nó ra mượn một ông chủ bãi vàng trên đó một số tiền lớn đi mua thuốc. Tui biết vậy, mới đi vay mượn khắp nơi mang đến trả nợ cho người đó rồi năn nỉ, van xin người đó đừng gọi, đừng dụ dỗ hai đứa con trai tôi đi làm vàng nữa. Nhưng mọi sự đã quá muộn, giờ hai đứa lâm vào nghiện ngập, có muốn đi cũng chẳng ai cho đi, trong khi cơn nghiện thì lúc nào cũng đòi hỏi phải có tiền” - bà Nhung kể lại trong dòng nước mắt nghẹn ngào.
Bà Nhung nhớ sau này, Phong và Khải thường xuyên giằng đứt dây trói, trốn đi vay mượn khắp nơi để mua thuốc. Và cứ thế, con mượn đâu, bà Nhung tìm đến để trả nợ. Đến khi cơn khát thuốc lên đỉnh điểm, hết chỗ vay mượn, Phong và Khải lại mang tơi đội nón lên bãi vàng. Cơn “khát” thuốc đã làm cho hai người mất cả lý trí. Không đủ tiền hút ma túy, họ chuyển sang chích. Sự chung chạ với các con nghiện khác, môi trường sống thảm hại rồi cũng đưa họ đến bờ vực cuối cùng, hai anh em đều nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/ AIDS. Không còn gì để mất, hai anh em cứ thế đi biền biệt, lẩn trốn gia đình, làng xóm.
Bi kịch chưa dừng lại, trước đó, nghe lời “phờ phỉnh” của hai anh trai, đứa em trai là Trần Thế Bảo cũng bỏ học giữa chừng, đi buôn bán, cung cấp ma túy cho những con nghiện trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Bảo bị công an bắt giữ, trả giá bằng án tù dài sau song sắt. Lúc này, Tuyết cũng đã ly dị chồng, ôm hai con nhỏ về sống với ông bà ngoại. Thời gian sau, Tuyết cũng bị công an bắt vì tội buôn bán ma túy, giống như người em trai, chờ ngày nhận sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.
Rồi đến một ngày cuối năm, khi bệnh tình trở nên trầm trọng, Phong và Khải đã tìm đường mò về nhà để gặp ba má. Đón các con trong bộ dạng tiều tụy, ốm yếu, vợ chồng bà Nhung lòng đau như cắt. Dù giận các con vô cùng nhưng cha mẹ có bao giờ bỏ được con, vợ chồng bà Nhung lại gắng gượng nuôi thêm hai đứa con “người chẳng ra người, ma chẳng ra ma”.
|
Các con bà Nhung dính vào nghiện ngập, để rồi kẻ vào tù, người chết vì căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. |
Rồi lần lượt, Phong và Khải nối nhau qua đời vì căn bệnh vô phương cứu chữa. Kể chuyện trong nước mắt đầm đìa, bà Nhung vẫn tha thứ bởi cho đến phút cuối, hai đứa con đã biết ăn năn. Người mẹ vẫn nhớ như in lời của hai đứa trước lúc đi xa: “Con ân hận lắm, con không nghe lời ba má, chúng con là những đứa con bất hiếu…”.
(Còn tiếp)