Những cây cầu “kêu cứu”

(PLO) -Cầu Vĩnh Tuy và cầu Đà Rằng có chung đặc điểm là đều có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, còn “trẻ tuổi” và đều xuất hiện sự cố “lão hóa” với những vết nứt, thậm chí đe dọa có thể sập...
Cầu Đà Rằng đang xuất hiện những hư hỏng thuộc diện “hiếm gặp” khiến cây cầu bị lô xệch.
Cầu Đà Rằng đang xuất hiện những hư hỏng thuộc diện “hiếm gặp” khiến cây cầu bị lô xệch.
Vẫn nứt dù… đúng quy trình
Ngay khi phát hiện vết nứt tại trụ cầu H22 chưa lâu, những ai quan tâm lại bàng hoàng khi cơ quan chức trách phát hiện thêm nhiều vết nứt khác tại các trụ cầu Vĩnh Tuy do Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long thi công.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, trụ cầu Vĩnh Tuy có ký hiệu H22 đã xuất hiện vết nứt từ trước đó, độ rộng của vết nứt ước chừng hơn 2mm. Trong báo cáo gửi Cục Giám định nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), Sở GTVT Hà Nội cho biết vị trí nứt nằm ở dọc trụ cầu H22, độ rộng vết nứt từ 2,3 – 2,6mm, chiều dài vết nứt từ điểm tiếp giáp đất lên trên trụ khoảng 10m. Nguyên nhân của sự cố nói trên có thể bắt nguồn từ sự co ngót bê tông, và Sở GTVT Hà Nội cũng khuyến cáo với tình trạng như trên thì “cần phải theo dõi”.
Khi dư luận chưa kịp lắng xuống thì mấy ngày sau đó, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi) đã phát hiện thêm nhiều vết nứt khác trên cây cầu hàng nghìn  tỷ đồng này. Theo Tedi, ngoài vết nứt dọc tại trụ H22 thì tại cầu Vĩnh Tuy tiếp tục phát hiện thêm vết nứt tại trụ T23 và T24. 
Đánh giá của đơn vị tư vấn này cho thấy, vết nứt tại trụ T23 kéo dài 2-3m nhưng chiều rộng nhỏ hơn ở vị trí tương tự trụ H22. Trong khi đó, trụ T24 ở phía Long Biên cũng xác định bị nứt với bề rộng nhỏ hơn.
Phía Tedi cho rằng, các dầm bê tông không bị nứt, các trụ làm việc ổn định, không có hiện tượng lún, nghiêng. Ngoài ra, trụ H22 đã xuất hiện vết nứt theo phương dọc từ tháng 3/2010 và mở rộng dần lên phía trên. 
Cho đến lúc này, vẫn chưa có kết luận cuối cùng của nguyên nhân sự cố đó, mặc cho đại diện đơn vị thi công khẳng định là làm “đúng quy trình”: “Hiện nay Sở GTVT Hà Nội đang xem xét lại hồ sơ, nhưng tất cả các công đoạn thi công đều có giám sát, nghiệm thu, tất cả mọi việc đúng quy trình, còn hiện tượng nứt ở trụ cầu thì vẫn đang trong quá trình xem xét”.
Trong khi đó, nhận định ban đầu của Tedi cho hay, vết nứt dọc thân trụ H22 có thể do quá trình thi công bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ môi trường, độ sụt của bê tông. Quá trình bảo dưỡng sau khi đổ bê tông tác động đến quá trình thủy hóa bê tông, tạo thành vết nứt ngay trong khi bê tông ninh kết.
Người dân lo, cán bộ thấy không đáng ngại?
Khi các chuyên gia hàng đầu về giao thông đang tranh luận về nguyên nhân sự cố cầu Vĩnh Tuy thì từ miền Trung xa xôi, tại Phú Yên, cầu Đà Rằng cũng “trở bệnh” sau 8 năm đưa vào khai thác. Đây là công trình có tổng mức đầu tư 420 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 18 (PMU 18) thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Cầu Đà Rằng mới bắc qua sông Ba trên tuyến tránh quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên được đưa vào sử dụng từ cách đây 10 năm. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng, cây cầu dài nhất miền Trung đã có nhiều dấu hiệu hư hỏng, gây ảnh hưởng giao thông trên tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam. 
Điển hình là nhiều đệm gối cầu bằng cao su đã bị xoay và dịch chuyển trôi ra ngoài, khiến cho dầm cầu sụt xuống hơn 5cm, một phần của nhịp cầu bị lún, đường ống lan can của cầu bị xô lệch. 
Các chuyên gia về giao thông cho biết đây là sự cố nghiêm trọng, nếu không kịp thời phát hiện thì cầu có thể bị sập. Về phía mình, Cục Quản lý đường bộ III cho rằng, sự cố này chưa khiến cho việc lưu thông của phương tiện qua cầu gặp nguy hiểm. Nhưng vẫn sẽ phải nhanh chóng khắc phục vì hàng ngày có hàng ngàn lượt xe tải nặng, xe container qua cầu. Nếu để lâu có thể gây nứt mặt cầu dẫn đến hậu quả khó lường. cục Đường bộ Việt Nam sẽ phải nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành.
Điều ngạc nhiên là trong khi người dân và nhiều chuyên gia lo ngại cho tính mạng của mình khi lưu thông qua cây cầu bị “xô lệch” - thì ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam – vẫn bình thản nói rằng “không đáng ngại”. Theo lý giải của ông Thắng - câu chuyện như vậy vẫn thường xảy ra ở các cây cầu dạng này sau một thời gian khai thác nhất định (?!).  
Trung tuần tháng 3 sẽ có đánh giá ban đầu về vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy
“Trụ của cầu Vĩnh Tuy được đổ bê tông vào năm 2006 và công trình được đi vào vận hành vào năm 2009. Đầu năm 2010 thì phát hiện những vết nứt. Thông thường các vết nứt bê tông chỉ xuất hiện trong vòng 3 năm sau khi đổ bê tông. Việc vết nứt xuất hiện sau nhiều năm như thế này là tương đối hiếm và cần kiểm tra kỹ vì sao sau 4, 5 năm lại có những vết nứt. 
Vết nứt trên cầu Vĩnh Tuy là vết nứt dọc theo trụ cầu. Loạt vết nứt dọc thông thường thì không nguy hiểm, tuy nhiên, độ mở vết nứt trên cầu Vĩnh Tuy đã quá giới hạn để bảo vệ được an toàn cốt thép (gần 2mm - trong khi quy phạm cho phép chỉ là 0,3-0,4 mm), nguyên nhân gây nứt cần các đơn vị tư vấn có trình độ cao để đánh giá. 
Bởi vậy, Bộ Xây dựng đã phải vào cuộc và yêu cầu Sở GTVT Hà Nội phải thuê cơ quan tư vấn độc lập đánh giá tình trạng của cây cầu. Việc đầu tiên là đánh giá tại thời điểm hiện tại các vết nứt có nguy hiểm tới an toàn công trình không, có cho phép lưu thông tiếp hay không.
Theo tiến độ thì khoảng 20/3, tư vấn thẩm định của Đại học GTVT sẽ đưa ra kết luận ban đầu và trên cơ sở đó sẽ có những phản biện, đánh giá. Dự kiến toàn bộ quá trình đánh giá vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ xong”.
(TS. Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng 
công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)

Đọc thêm