Những “chiêu dẹp loạn” mùa lễ hội Mậu Tuất

(PLO) - “Không hát quan họ xin tiền, không tổ chức chém lợn ở sân đình, hạn chế đốt vàng mã tại khu di tích ở các lễ hội Bắc Ninh”; “Không còn đoàn rước giò hoa tre, giò trầu cau từ Đền Thượng xuống đền Mẫu và đền Hạ tại đền Sóc”; “không phát lộc và các đò phải có đầy đủ áo phao cho khách thập phương, không dùng đò, xuồng máy tại Chùa Hương”... Đó là những cam kết của lãnh đạo các tỉnh, thành trước mùa lễ hội năm 2018.  Với những “chiêu dẹp loạn” ấy, mùa lễ hội Mậu Tuất có thực sự “trong lành”?
Mùa lễ hội 2018, liệu còn cảnh liền anh, liền chị xin tiền?

Không chém lợn, không đi xuồng máy…

Cứ mỗi mùa lễ hội, nỗi lo bị chen lấn, bạo lực, giẫm đạp xin ấn, cướp lộc, “chặt chém”, ăn xin bủa vây, ngộ độc thực phẩm, chứng kiến cảnh xẻ thịt thú rừng… khiến nhiều người chùn bước. Để thu hút khách thập phương, rút kinh nghiệm từ những năm trước, ban tổ chức một số lễ hội đã đưa ra kế sách nhằm “trong lành” hóa lễ hội. 

Huyện Mỹ Đức (Hà Nội) dành nhiều tâm sức chuẩn bị tổ chức lễ hội chùa Hương  với lễ hội an toàn, văn minh nhất là năm 2018, Mỹ Đức đón nhận hai sự kiện đặc biệt là kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm và đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ dành cho Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương).

Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2018 cho biết, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp chèo kéo, ép giá, nhũng nhiễu, đòi tiền bồi dưỡng của khách thập phương và các hành vi gian lận vé tham quan thắng cảnh, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, không tuân thủ quy định về phòng cháy, chữa cháy… 

Cơ quan chức năng cũng quy định các nhà hàng không quảng cáo, tổ chức dịch vụ ăn uống với thực phẩm được chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội, các hộ kinh doanh chèo đò không để xuồng máy, đò gắn động cơ vận chuyển khách trên suối Yến. Các chủ phương tiện phải có giỏ được rác và hướng dẫn khách thập phương tham gia giữ vệ sinh môi trường, không bỏ rác xuống suối.

Nếu cơ quan chức năng phát hiện vi phạm sẽ… “treo xuồng”, “treo niêu”, phạt thật nặng các cơ sở, hộ dân kinh doanh. Chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ như công an, an ninh, kiểm lâm, y tế, nhà chùa… mới được phép sử dụng xuồng máy và khi sử dụng phương tiện này thì những người làm nhiệm vụ phải mặc trang phục của ngành.

Hiện nay chùa Hương có 4.500 thuyền. Năm nay, BTC cho sơn lại các thuyền đồng bộ màu xanh và trang bị các phao trên thuyền. Năm 2017 có hiện tượng sư ông phát lộc dẫn tới xô đẩy, cướp lộc từ khách thập phương. “Chúng tôi đã báo cáo Sở VH-TT Hà Nội, các ngành của thành phố và đề nghị Ban trị sự Giáo hội Phật giáo chùa Hương có hình thức chấn chỉnh, nhắc nhở”- ông Nguyễn Văn Hậu cho hay.

Ba “điểm nóng” của Bắc Ninh là Hội Lim, lễ hội Ném Thượng và Bà Chúa Kho cũng được “xới xáo”. Đối với lễ hội Ném Thượng, cũng như năm trước, năm 2018, Bắc Ninh không thực hiện tục “chém lợn” giữa sân đình mà chuyển vào khu vực riêng để mổ lợn làm cỗ ngọc tế Thánh; không để hiện tượng dùng tiền nhúng vào máu lợn.

Ông Lê Đình Thực, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Bắc Ninh đưa ra thông tin: “Sau rất nhiều lần hội đàm với người dân, dân làng Ném Thượng đã hiểu và đồng ý không chém lợn ở sân đình”.  Còn tại lễ hội Lim, các cơ quan chức năng sẽ tuyên truyền, nghiêm cấm các hình thức quan họ ngửa nón nhận tiền, yêu cầu các quầy hàng dịch vụ niêm yết giá công khai, dẹp bỏ hành vi hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ, thả đèn trời, đốt pháo… Lễ hội Lim năm nay nghiêm cấm các trò chơi điện tử, xiếc mô tô bay, quảng cáo và các trò chơi khác dùng loa nén, sử dụng âm thanh loa máy có công suất lớn gây ảnh hưởng tới không gian lễ hội.  

Nạn đốt vàng mã “khủng” tại Lễ hội đền Bà Chúa Kho cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đề nghị khách thập phương không đốt vàng mã mà nhập vào kho của nhà đền, sau đó phân phát lộc lại cho người dân. Tuy nhiên điều này lại dấy lên lo ngại cảnh tranh giành, cướp lộc, hay khocủa nhà đền không đủ sức chứa vàng mã số lượng lớn của khách thập phương. Đây là vấn đề không dễ giải quyết.

Mùa lễ hội Mậu Tuất này, tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường giám sát không để xảy ra hiện tượng cúng thuê, khấn mướn trong các khu vực nội tự; không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo Luật Di sản văn hóa.

Không rước giò hoa tre tránh bạo lực

“Không còn đoàn rước giò hoa tre, giò trầu cau từ Đền Thượng xuống Đền Mẫu và Đền Hạ” tại Hội Đền Sóc 2018- đó là cam kết của Ban tổ chức và UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) để ngăn chặn hiện tượng bạo lực, cướp giò hoa tre, giò trầu cau. Về số lượng lễ vật sẽ được đưa vào hậu cung Đền Thượng, thủ tục lễ tạ và phát lộc ra sao, ban tổ chức Hội Đền Sóc 2018 vẫn đang còn để…ngỏ, quyết định sau. Khách thập phương sẽ được hướng dẫn dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, tránh tình trạng đặt tiền lễ, tiền công đức lên bàn thờ hoặc gài tiền vào tượng cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích.

“Chiêu dẹp loạn” đã có, nhưng mùa lễ hội Mậu Tuất có thực sự “trong lành” hay không lại là chuyện khác. Đã nhiều năm, các vị lãnh đạo tỉnh, ban, ngành, Ban tổ chức đều hứa hẹn sẽ “dẹp loạn” trong mùa lễ hội, nhưng thực tế biết bao cảnh hỗn loạn, “chặt chém”, bạo lực đã xảy ra. Các nhà nghiên cứu văn hóa, dư luận bất bình, nhưng các vị ấy vẫn “bình thản”, không phải chịu bất kỳ trách nhiệm, kỷ luật nào. Và mỗi mùa lễ hội, công việc của họ là hứa sẽ cố gắng để lễ hội “sạch” hơn. Còn việc “sạch” hay không, mùa lễ hội sau lại… tính tiếp!

Mặt khác, không có chế tài xử phạt cho Ban Tổ chức, cộng thêm sự thiếu ý thức của những khách thập phương, liệu câu chuyện về sự lộn xộn, tạp nham tại mùa lễ hội Mậu Thân lại sẽ không có hồi kết như những mùa lễ hội trước?

Đọc thêm