Những “chủ nhân đặc biệt” của doanh nghiệp nấm

(PLO) - Gần 20 lao động là những “bóng hồng” khuyết tật, nạn nhân của bom mìn may mắn được cơ sở nấm Tân Mỹ tạo công ăn việc làm giúp cải thiện thu nhập. 
Chị Yêng vui vẻ với công việc sản xuất nấm và trở thành thành viên công ty
Chị Yêng vui vẻ với công việc sản xuất nấm và trở thành thành viên công ty

Hôm nay đây, gương mặt ai cũng rạng rỡ bởi họ chính thức trở thành chủ nhân của Cty trách nhiệm hữu hạn nấm Phong Mỹ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Từ nay, họ sẽ có thêm động lực vượt lên số phận để truyền cảm hứng đến cho nhiều người thiệt thòi, khó khăn khác trong xã hội vươn dậy mạnh mẽ, lạc quan.

Mái nhà ấm áp 

Năm 2003, cơ sở nấm Tân Mỹ được hình thành từ một dự án hòa nhập xã hội cho người gặp khó khăn của huyện Phong Điền. Trên diện tích 2.000m2, những ngày đầu được hỗ trợ xây dựng hệ thống nhà chứa nấm, ủ men và văn phòng làm việc cơ sở chỉ mới trồng các loại nấm nấm sò, mộc nhĩ.

Nhiều chị em tự ti về sức khỏe, tủi phận bởi khiếm khuyết nên họ rụt rè đến với các lớp tập huấn, các khóa đào tạo, hoài nghi về khả năng giúp đỡ kinh tế của mình cho gia đình. Từ chỗ chỉ có gia đình làm điểm tựa, các lao động của cơ sở nấm Tân Mỹ bây giờ đã “thoát xác”, trở thành những “bóng hồng” đầy tự tin, hăng hái tham gia vào các công đoạn sản xuất.

Trong tiếng cười vang, trêu đùa của các lao động, vừa ủ nấm, chị Nguyễn Thị Yêng (đội 1, Phong Mỹ) tươi cười: “Cơ sở nấm cho tôi thu nhập khoảng 1,2 triệu đồng/ tháng để tôi có thêm chi phí sinh hoạt. Đặc biệt, mái nhà này đã cho tôi rất nhiều người chị, người em, người anh, người chú thân thương, chia sẻ với nhau chuyện vui, chuyện buồn trong cuộc sống”.

Thành công là vậy nhưng không phải lúc nào cơ sở sản xuất nấm cũng “xuôi chèo mát mái” bởi những dịch bệnh làm hàng ngàn bịch nấm sò bị hỏng, lên mốc xanh và chết hàng loạt hay những khi thị trường nấm hạ giá bất thường. Thế nhưng, ban chủ nhiệm cùng các nhân công luôn lạc quan tìm cách tháo gỡ khó khăn và những bài học kinh nghiệm cứ thế dày lên, Cơ sở sản xuất nấm Tân Mỹ dần gây dựng được uy tín của mình.

Ông Đỗ Đình Khang, Chủ nhiệm cơ sở sản xuất nấm nay là Giám đốc Công ty cho biết: “Những ngày hè nắng hạn, trong lúc nhiều cơ sở sản xuất khác “khát nấm” vì điều kiện thời tiết thì nấm Tân Mỹ vẫn cung cấp được đủ số lượng và chất lượng lại ngon hơn các mùa khác nên bán rất được giá và có chỗ đứng trên thị trường”.

Mạnh dạn vươn lên

Những đôi chân không lành lặn, những đôi tay yếu ớt, họ tập hợp nhau lại và trở thành một tập thể mạnh về tinh thần, về sự đoàn kết, quan trọng nhất là mạnh dạn thay đổi để vươn lên. Năm 2015, cơ sở sản xuất nấm tự nguyện đóng góp 30% và được tài trợ của Đại sứ quán Ailen 70% số tiền giống, mua trang thiết bị cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung, Trường Đại học Nông Lâm Huế đã trồng thử nghiệm 10.000 bịch nấm Linh Chi thành công làm tiền đề để cơ sở sản xuất nhân rộng mô hình, đồng thời mở rộng hướng sản xuất. 

Năm 2016, từ chỗ cơ sở sản xuất nấm là một phần của hợp tác xã Tân Mỹ nhưng được phép hạch toán độc lập, một lần nữa táo bạo đưa ra ý tưởng tái cơ cấu lại tổ chức, thành lập một doanh nghiệp xã hội để giúp đỡ thêm cho những ai có hoàn cảnh khó khăn hơn nữa. Với sứ mệnh góp phần mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho nhiều người thông qua việc cung ứng các sản phẩm nấm có nguồn gốc hữu cơ.

Mục tiêu tạo công ăn việc làm, ổn định thu nhập cho các thành viên trong công ty mà phần lớn là những hoàn cảnh không may. Để cổ vũ cho ước mơ của những người luôn khát khao vươn lên trong cuộc sống một cách chính đáng, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung với sự tài trợ của Đại sứ quán Ailen đã đóng góp 10% số vốn cùng sự đồng lòng nhất trí của mỗi nhân công của cơ sở sản xuất nấm đều là những thành viên góp vốn tích cực 90% số vốn. 

Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ đánh giá: “Việc thành lập doanh nghiệp xã hội nấm Phong Mỹ đúng với chủ trương của tỉnh khi chọn năm nay là năm doanh nghiệp. Đây là doanh nghiệp đặc thù, vì lợi ích chung của cộng đồng địa phương sẽ tạo điều kiện để công ty có thể phát triển tốt cũng là để những người kém may mắn tại xã có thêm nhiều cơ hội”.

Ngày 24/5, trong lễ công bố thành lập Công ty chị Nguyễn Thị Minh Khánh, người đã gắn bó với công ty 8 năm nay xúc động phát biểu: “Hôm nay, chúng tôi thay đổi vị trí từ người sản xuất thành những “cổ đông” đó là niềm vui tôi chưa từng nghĩ đến”. 

Chúng tôi rời khỏi công ty nấm Phong Mỹ và thầm cảm ơn các chị, các chú “những bông hoa “tàn nhưng không phế” đầy nghị lực và cho ta thêm niềm tin yêu cuộc sống. 

Đọc thêm